Bảo đảm cho dòng điện thông suốt

Thứ ba, 9/1/2018 | 14:02 GMT+7
Làm việc ở độ cao hàng chục mét, xung quanh có đường dây mang điện, những công nhân live-line đã và đang góp phần quan trọng vào việc giữ cho dòng điện luôn thông suốt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, góp phần bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế.
 

 
Công việc cần trái tim nóng và cái đầu lạnh
 
Sửa chữa lưới điện là nghề được xem vất vả và nguy hiểm vì một công nhân sửa chữa điện bình thường, khi làm việc đã phải đu mình trên những cột điện cao chót vót, đối mặt với cái nắng gay gắt hoặc những cơn mưa bất chợt hay những rủi ro tiềm ẩn luôn rình rập. Với công nhân sửa chữa lưới điện 22kV khi đường dây đang mang điện (công nhân live-line), vất vả và nguy hiểm luôn được cảnh báo trước, không được phép phạm phải sai lầm vì có thể trả giá bằng cả tính mạng. Nói cách khác, đây là công việc ngoài yêu cầu sức khỏe tốt, còn đòi hỏi phải có “trái tim nóng và cái đầu lạnh”. Chia sẻ cảm giác lần đầu tiên bước lên gàu để làm việc, những công nhân sửa chữa lưới điện 22kV khi đường dây đang mang điện của Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết, ai cũng không tránh khỏi một lần “rùng mình ớn lạnh” và rất nhiều lần cả đội toát mồ hôi vì những tình huống bất ngờ hay sự cố hy hữu xảy ra trên lưới điện.
 
Đến với nghề bằng niềm đam mê và thực hiện công việc bằng sự chuyên nghiệp, nhiều người gọi công nhân live-line là đội sửa chữa “nóng” hay đội “hotline” cũng không sai. Trước đây, khi nhận tin báo mất điện, công nhân phải đến kiểm tra, làm các thủ tục và chờ cắt điện mới được làm việc, mất rất nhiều thời gian và làm phiền khách hàng. Hiện nay, nhờ áp dụng công nghệ mới, công nhân có thể trực tiếp sửa chữa khi đường dây đang mang điện, khắc phục nhanh sự cố, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện liên tục của khách hàng. Ngoài ra, đội sửa chữa live-line còn có nhiệm vụ thường xuyên vệ sinh, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, lắp mới thiết bị... góp phần ngăn ngừa và loại trừ nhanh chóng các nguy cơ sự cố, đặc biệt sẽ không còn mất điện khi đấu nối mới trạm điện cho khách hàng.
 
Nghề giữ dòng điện
 
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lý cho biết, trước đây công tác đào tạo công nhân live-line do chuyên gia nước ngoài thực hiện, nhưng nay Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã có được đội ngũ chuyên gia và công nhân lành nghề đủ sức tự đào tạo, huấn luyện công nhân mới đáp ứng nhu cầu phát triển của Tổng công ty. Đội sữa chữa được thành lập từ năm 1997 với 12 thành viên là những công nhân ưu tú được đào tạo và huấn luyện ở nước ngoài, đến nay đội có 60 thành viên với tên gọi Đội sửa chữa live-line. Mỗi nhóm công tác có ít nhất 6 người, luân phiên nhau làm việc, gồm 2 người thực hiện, 2 người giám sát và 2 người hỗ trợ. Thời gian làm việc liên tục trên xe gàu tối đa không quá 1 giờ, tuyệt đối không được ráng sức dù công việc còn nhiều, để bảo đảm các thao tác luôn chính xác, đúng quy trình. Công việc của đội là xử lý sự cố lưới điện, bảo trì định kỳ hoặc đấu nối mới trạm.
 
Phó Tổng giám đốc EVNHCMC chia sẻ, khi nhận nhiệm vụ, xe chuyên dụng sẽ đưa đội đến địa điểm với những tấm cách điện lên cao, lần lượt bọc vào sứ, đường dây và khu vực sửa chữa. Công đoạn này diễn ra rất nhịp nhàng, tuần tự, kỹ càng để bảo đảm an toàn cho cả quá trình. Khi lên cao thì nhất cử nhất động của công nhân phải nằm trong tầm kiểm soát, không có động tác thừa và tuyệt đối giữ khoảng cách an toàn, tập trung cao độ, bởi sửa chữa lưới điện khi đường dây đang mang điện là công việc yêu cầu sự cần mẫn và chính xác cao.
 
Với bản lĩnh, trí tuệ và đôi bàn tay tài hoa, những công nhân live-line đã góp phần quan trọng vào việc giúp giữ cho dòng điện luôn thông suốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khách hàng, góp phần bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
 
Tính từ đầu năm 2017 đến nay đã có hơn 3.000 lượt thi công live-line, góp phần giảm thiểu số lần mất điện và thời gian mất điện của khách hàng. Qua đó, góp phần nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam đạt 78,69/100 điểm, tăng 32 bậc so với năm 2016 và đứng vị trí 64/190 quốc gia/nền kinh tế.
Theo: Đại biểu nhân dân