Hiện đại hóa lưới điện

Thứ sáu, 29/12/2017 | 15:06 GMT+7
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những chương trình đột phá của ngành điện TPHCM để nâng cao độ tin cậy cung ứng điện, chất lượng dịch vụ khách hàng. 
Trực vận hành hệ thống điện tại Trung tâm Điều khiển từ xa.
 
Trong những năm qua, ngành điện TP luôn nỗ lực vượt khó, kiên trì thực hiện các giải pháp để hiện đại hóa lưới điện, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm tạo ra những sản phẩm phục vụ tốt nhất cho khách hàng sử dụng. 
 
Đột phá của ngành điện
 
Trung tâm Điều khiển từ xa, thuộc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), là nơi quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống điện của TP, cũng như quy trình xử lý các sự cố trên hệ thống lưới điện.
 
Tuy khối lượng công việc lớn nhưng mỗi ca trực điều độ chỉ có 2 - 3 nhân viên đảm nhiệm. Anh Nguyễn Tấn Đức, Trưởng ca điều độ 1, cho biết việc thành lập trung tâm có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý, vận hành tự động lưới điện với nhiệm vụ theo dõi, giám sát tình hình cung cấp điện và điều khiển toàn bộ lưới điện trên địa bàn toàn TP, gồm các trạm 110kV và thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung thế.
 
“Tiện ích lớn nhất của trung tâm là quản lý thông số vận hành từ xa, xử lý tình huống nhanh hơn, giảm nhân lực và bảo đảm an toàn cho nhân viên ngành điện. Qua đó, góp phần tăng năng suất lao động, ngăn ngừa sự cố tức thời, cắt điện đúng khu vực sự cố, không ảnh hưởng đến phạm vi dân cư rộng lớn. Tính từ khi nhận lệnh sự cố đến cắt điện chỉ mất khoảng 2 - 3 phút”, anh Đức chia sẻ.
 
Rà lại sổ ghi chép, anh Đức ví dụ, lúc 1 giờ 44 ngày 17-10, khi nhận thông tin cháy tại nhà số 436/77/2 Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), ca trực đã xử lý cắt điện kịp thời và đóng lại điện lúc 2 giờ 47 cùng ngày khi lực lượng chức năng đã khắc phục sự cố tại hiện trường.
 
Trung tâm Điều khiển từ xa được EVNHCMC đưa vào vận hành chính thức từ đầu tháng 8-2017 và đem lại hiệu quả tích cực. Hạt nhân của trung tâm điều khiển là hệ thống SCADA/DMS hiện đại, được đầu tư và đưa vào vận hành chính thức từ tháng 3-2017 với nhiều trang thiết bị và chức năng tiên tiến như hệ thống phần cứng, phần mềm có độ dự phòng 1-1; màn hình cảm ứng lớn phục vụ giám sát vận hành, phần mềm được tích hợp với hệ thống thông tin địa lý lưới điện cung cấp giao diện trực quan sinh động; có các chức năng tính toán tối ưu, tự động hóa lưới điện, quản lý các khu vực lưới điện thông minh…
 
Nhân rộng mô hình lưới điện thông minh 
 
Cùng với Trung tâm Điều khiển từ xa, năm 2017, thực hiện chủ đề “Đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành hệ thống điện”, EVNHCMC đã ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trên các mặt hoạt động, đầu tư hiện đại hóa lưới điện.
 
EVNHCMC đang chủ động xây dựng và phát triển chương trình lưới điện thông minh với mục tiêu cơ bản đạt tự động hóa hệ thống điện thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, EVNHCMC đã đầu tư lắp đặt hệ thống đo đếm và thu thập dữ liệu từ xa hoàn tất cho khách hàng sản xuất, kinh doanh có điện năng tiêu thụ từ 2.000kWh/năm trở lên.
 
Thời gian tới, EVNHCMC sẽ thay thế khoảng 230.000 công tơ truyền thống (chiếm 10% tổng số trên lưới) đang quản lý tại 16 công ty điện lực thành viên. Dự án sẽ triển khai thành 2 giai đoạn và bắt đầu triển khai lắp đặt từ tháng 9-2017. 
 
Với phần việc này, khách hàng có thể tự kiểm tra biểu đồ phụ tải tiêu thụ điện trong bất kỳ thời gian thực nào. Từ đó, có kế hoạch điều chỉnh sản xuất phù hợp, cũng như khai thác hóa đơn từ hệ thống thu thập từ xa, hoặc thực hiện việc theo dõi, giám sát tình hình sử dụng điện của chính đơn vị mình nhằm chủ động đề ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
 
Trước khi triển khai thực hiện, các công ty điện lực khu vực sẽ thông báo đầy đủ thông tin về thời gian, cách thức triển khai và các ứng dụng đến khách hàng. Đặc biệt, việc triển khai thay thế này, khách hàng không phải trả bất cứ chi phí nào.
 
Trao đổi về công tác hiện đại hóa ngành điện TP, ông Luân Quốc Hưng, Trưởng ban Kỹ thuật EVNHCMC, cho biết đã xây dựng và ban hành đề án tổng thể xây dựng lưới điện thông minh trên địa bàn TP giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến 2025 với mục tiêu nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và cải thiện chất lượng điện năng, tăng cường quản lý nhu cầu phụ tải và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí vận hành, cũng như không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng.
 
Theo ông Luân Quốc Hưng, trong năm 2017, để có cơ sở đánh giá tính khả thi và hiệu quả của việc triển khai lưới điện thông minh trong phạm vi khu vực nhỏ, làm kinh nghiệm cho việc nhân rộng mô hình lưới điện thông minh trên phạm vi toàn TP, EVNHCMC đã lựa chọn và thực hiện thí điểm mô hình Micro Grid (lưới điện thông minh khu vực) tại 4 khu vực: Khu Công nghệ cao (quận 9),  khu văn phòng thương mại dọc các trục đường Mạc Đĩnh Chi - Lê Duẩn - Nguyễn Du - Tôn Đức Thắng (quận 1), Khu dân cư Miếu Nổi (quận Phú Nhuận) và Khu dân cư Phú Mỹ (quận 7).
 
Tính “thông minh” của các khu vực này thể hiện ở các phần: trạm 110kV không người trực, trạm trung thế vận hành tự động, công tơ điện đo đếm từ xa; các công ty điện lực trang bị hạ tầng công nghệ thông tin quản lý, giám sát, hiện đại; khách hàng luôn có 2 nguồn cấp điện…
 
Mục tiêu cơ bản của các dự án thí điểm này nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng và sử dụng năng lượng điện tiết kiệm hiệu quả trong khu vực. Điều đó cũng khẳng định ngành điện TP làm chủ công nghệ hiện đại. Đây là vấn đề cốt lõi để xây dựng lưới điện thông minh.

99,9% khách hàng hài lòng dịch vụ ngành điện 
 
Việc ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ và toàn diện trong các lĩnh vực hoạt động nhằm nâng cao công tác quản lý vận hành, đặc biệt là cải tiến nhiều quy trình quy định, rút ngắn được nhiều thủ tục, thời gian, đáp ứng nhanh các yêu cầu khách hàng.
 
Theo đó, thời gian giải quyết bình quân để cấp điện qua lưới trung áp chỉ còn 4,69 ngày; đẩy mạnh thực hiện các giao dịch trực tuyến như hiệu chỉnh, hoàn thiện các biểu mẫu trên website chăm sóc khách hàng bảo đảm 19 loại hình yêu cầu dịch vụ của EVN công bố đều được tiếp nhận qua website CSKH ở mức độ 4.
 
Đến nay, đã có trên 87,5% yêu cầu dịch vụ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến. Dự kiến đến tháng 12-2017 đạt 100% giao dịch trực tuyến và thực hiện liên thông với các cổng dịch vụ công trực tuyến của UBND TPHCM.
 
Có được đều này là sự nỗ lực rất lớn của ngành điện TP, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng tăng 32 bậc so với năm 2016, đứng vị trí 64/190 quốc gia, nền kinh tế; là mức cải thiện thứ bậc cao nhất từ năm 2013 đến nay.
 
Từ đó đã góp phần quan trọng vào mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngành điện TP cũng tích cực cải tiến các quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa tối đa trình tự thủ tục, cách thức tiếp cận để mang đến ngày càng nhiều tiện ích cho khách hàng sử dụng điện. Qua thống kê, 99,9% khách hàng hài lòng về quy trình giải quyết dịch vụ và thái độ của giao dịch viên.
 
Theo: SGGP