Mực nước tích được của hồ Hòa Bình hiện thấp hơn 10m so với trung bình cùng thời điểm hằng năm. Ảnh: TTXVN
Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.
PV: Hiện tình hình thời tiết khô hạn cực đoan khiến các hồ thủy điện không tích đủ nước. Mực nước tại hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình xuống thấp kỷ lục. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Vũ Xuân Khu: Đúng như vậy, tình hình khô hạn đã khiến nhiều hồ thủy điện không tích đủ nước. Đơn cử như hồ thủy điện Hòa Bình, mực nước tích được thấp hơn 10m so với trung bình cùng thời điểm này hằng năm. Cụ thể, vào trung tuần tháng 12-2019, mực nước hồ chứa ở mức 102,46m, thấp hơn 14,54m so với mực nước dâng bình thường (117m). Dung tích của hồ chứa thủy điện còn thiếu hụt so với bình thường là 2,9 tỷ mét khối, thấp hơn so với tháng 12-2018 là 2,1 tỷ mét khối.
Với công suất 1.920MW, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đóng vai trò rất quan trọng trong vận hành hệ thống điện quốc gia, đồng thời bảo đảm yêu cầu cấp nước cho hạ du, trong đó có thành phố Hà Nội. Với tình trạng thiếu hụt nước, việc cấp nước cho hạ du, nhất là để phục vụ gieo cấy vụ Xuân 2020 gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, hồ thủy điện Hòa Bình đang phải duy trì vận hành xả nước với lưu lượng trung bình hơn 400m3/s, vừa bảo đảm cấp nước cho hạ du, trong đó có Nhà máy Nước sạch sông Đà, vừa phải sản xuất khoảng 11-13 triệu kWh/ngày. Lượng xả nước tương đương 55-65 triệu mét khối/ngày. Trong vận hành liên hồ, mực nước hồ thủy điện Hòa Bình phụ thuộc vào hồ thủy điện Sơn La. Để nâng mực nước tại hồ Hòa Bình, hồ Sơn La cũng sẽ phải tăng mức xả nước. Tuy nhiên, hiện hồ thủy điện Sơn La cũng đang thiếu hụt nước. Thực sự, đây là bài toán khó mà chúng ta phải đưa ra lời giải hợp lý nhất.
PV: Có thể thấy, việc bảo đảm các yêu cầu cấp nước cho gieo cấy vụ Xuân và những tháng còn lại của mùa khô năm 2020 sẽ khó khăn. Khắc phục vấn đề này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai những giải pháp nào, thưa ông?
Ông Vũ Xuân Khu: Trước những thách thức này, EVN đã yêu cầu Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội họp bàn với các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn để thống nhất phương án bảo đảm cung cấp điện liên tục cho tất cả các trạm bơm, đặc biệt là các trạm bơm đầu mối và các trạm bơm dã chiến.
Đồng thời, EVN cũng đề nghị các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công ty khai thác công trình thủy lợi và địa phương nạo vét kênh mương, chủ động bơm sớm, trữ nước vào ao, đầm, vùng trũng thấp và các kênh dẫn từ các nguồn nước sẵn có ở sông, ngòi. Lấy đủ nước vào ruộng trong thời gian xả nước tập trung từ các hồ thủy điện để tránh lãng phí.
Trước đó, vào cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì họp với các bộ, ngành liên quan để thảo luận phương án vận hành các hồ chứa. Trên cơ sở đó, Bộ đã có văn bản về việc vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, trong đó thống nhất việc cần phải điều chỉnh vận hành các hồ chứa, ưu tiên việc tích nước để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước cấp cho hạ du, phục vụ gieo cấy lúa vụ Xuân.
Đầu tháng 12-2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc này và kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định sửa đổi quy định về vận hành các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng trong thời kỳ xả nước gia tăng theo hướng linh hoạt hơn về mực nước yêu cầu và thời gian các đợt xả nước để phù hợp với thực tế...
PV: Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có phương án, sự chuẩn bị như thế nào để đáp ứng đủ nước cho nhu cầu sản xuất, tiêu thụ điện trong năm 2020?
Ông Vũ Xuân Khu: Nếu xả nước theo lịch thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng lượng nước xả từ các hồ thủy điện vào khoảng 4,3 tỷ mét khối. Mực nước các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang… về trên mực nước chết hơn 3m. Dự kiến, riêng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đến tháng 5-2020, sản lượng điện có thể thiếu 100 triệu kWh và tháng 6-2020 có thể tăng lên 300 triệu kWh.
Để bảo đảm điện cho mùa khô năm 2020, EVN đang thực hiện kế hoạch điều tiết với phương án tích nước các hồ thủy điện ở mức tối đa. Để bù vào sản lượng thủy điện thiếu hụt, EVN phát điện bằng chạy dầu, dự kiến với sản lượng là 1,9 tỷ kWh. Các tổ máy nhiệt điện than cũng được huy động với khả năng tối đa (trong tháng 11-2019 huy động là 11.188 triệu kWh, tăng 11% so kế hoạch và tháng 12 là 12.425 triệu kWh, tăng 8% so kế hoạch). EVN cũng đã yêu cầu từng đơn vị thành viên xây dựng phương án cụ thể để vừa bảo đảm cung cấp nước, vừa bảo đảm sản xuất, cung ứng điện liên tục, an toàn. Các phương án phải hoàn thành trong tháng 12 này.
Mặt khác, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hạn chế thiết bị điện không cần thiết vào giờ cao điểm, thậm chí phải hạn chế, cắt giảm phụ tải theo từng thời điểm thiếu điện… Tất cả các giải pháp này đều thông báo sớm để khách hàng chủ động, hạn chế gây xáo trộn, ảnh hưởng tới sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Về lâu dài, để giải quyết tình trạng thiếu điện, EVN đã xây dựng các giải pháp, như quản lý nhu cầu cung ứng điện hợp lý; đẩy nhanh tiến độ các dự án bổ sung nguồn điện, lưới điện…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!