Bảo đảm điện trong cao điểm nắng nóng

Thứ tư, 22/6/2022 | 08:33 GMT+7
Hiện nay, tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung, thời tiết nắng nóng gay gắt trên diện rộng cùng nhu cầu điện cho nền kinh tế đang phục hồi đã làm tiêu thụ điện tăng mạnh.
 

Điều hành viên trạm biến áp 500kV Duyên Hải đo phát nhiệt thiết bị trạm. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Ưu tiên của ngành điện trong thời điểm này là vận hành an toàn, ổn định, liên tục hệ thống điện quốc gia, giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
 
Có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất 
 
Tình hình cung ứng điện trong mùa khô năm 2022 được dự báo rất khó khăn, thậm chí có thể gây quá tải cục bộ tại một số khu vực và phải thực hiện điều tiết phụ tải. Báo cáo tính toán cập nhật cân đối cung cầu điện năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, hệ thống đáp ứng đủ nhu cầu điện tại khu vực miền Trung và miền Nam. Riêng đối với khu vực miền Bắc, có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào một số thời điểm, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng cao điểm.
 
Nêu ra thách thức đối với vận hành hệ thống điện trong mùa nắng nóng, ngoài chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng cao, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, trước đây, khung giờ cao điểm tiêu thụ điện thường kéo dài từ 11 giờ tới 13 giờ, song hiện nay đã xuất hiện khung giờ cao điểm mới từ 14 giờ đến 16 giờ; từ 17 giờ đến 19 giờ và 20 giờ 30 phút đến 22 giờ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt tăng cao của người dân. Trong khi đó, áp lực vận hành ổn định hệ thống điện năm 2022 là rất lớn. Hệ thống điện của Việt Nam có tới 78.000MW công suất, trong đó, năng lượng tái tạo chiếm tới gần 30%, song khi thời tiết biến động, có những thời điểm nguồn điện gió huy động chưa tới 1%; còn điện mặt trời cũng chỉ huy động vào ban ngày (chủ yếu từ 8 giờ đến 16 giờ). Riêng với miền Bắc, nhu cầu tiêu thụ điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, hiện đang gặp khó khăn về nguồn điện, các nguồn điện bổ sung cũng chỉ hỗ trợ một phần do công suất truyền tải qua đường dây 500kV bị hạn chế do giới hạn kỹ thuật.
 
Theo ông Lưu Việt Tiến, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, mới vào đầu mùa nắng nóng, nhiệt độ trung bình 5 tháng đầu năm 2022 thấp hơn năm 2021, nhưng đến thời điểm hiện tại đã có 10/63 máy biến áp 500kV, 41/287 máy biến áp 220kV, 33/458 đường dây 220kV vận hành trong chế độ đầy tải (hơn 90% tải định mức). Số lượng máy biến áp và đường dây vận hành trong chế độ đầy tải, quá tải sẽ tiếp tục tăng cao khi bước vào những đợt nắng nóng cao điểm thời gian tới.
 
Nỗ lực để không phải cắt điện luân phiên
 
Đề cập về giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho mùa nắng nóng, ông Võ Quang Lâm cho biết, về vận hành, sẽ tập trung khai thác tối ưu đồng thời thủy điện, nhiệt điện để cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Cùng với đó, tập đoàn cũng yêu cầu các nhà máy điện nâng cao độ khả dụng, chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân lực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu huy động của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia. Trong quý IV-2021, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, các nhà máy điện thuộc tập đoàn, đồng thời đề nghị đối tác, nhà máy điện BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao), nhà máy điện độc lập rà soát, xong việc sửa chữa trong quý I-2022 để bảo đảm lượng điện cho tiêu dùng, sản xuất.
 
Đặc biệt, đối với nhóm nguồn điện bổ sung, EVN đã xây dựng các kịch bản để tìm kiếm thêm nguồn điện mới, bảo đảm cung ứng điện, nhất là ở miền Bắc như: Tăng cường hệ thống truyền tải Bắc-Nam, vận hành hành lang tuyến không để xảy ra sự cố về điện trong mùa nắng nóng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ mua điện từ nước bạn Lào, các dự án kết nối lưới điện với các nước láng giềng. Thống kê của các đơn vị điện lực cũng cho thấy, trên toàn quốc có 18.000 doanh nghiệp có các máy phát điện diesel với công suất khả dụng khoảng 7.500MVA tương đương với 7.000MW. EVN đã đề nghị các doanh nghiệp sẵn sàng trong trường hợp cần thiết sẽ hỗ trợ tập đoàn bảo đảm nguồn điện tại chỗ để lưới điện các khu vực hoạt động an toàn và ổn định.
 
Về việc bảo đảm cung ứng đủ điện cho khu vực các tỉnh miền Bắc, ông Lê Văn Trang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho hay, nắng nóng năm nay đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm nhưng thời tiết đang có những diễn biến thất thường, có thể tháng 9 vẫn có những đợt nắng nóng kéo dài. EVNNPC đã chuẩn bị những phương án, kịch bản để bảo đảm không phải cắt điện trong cao điểm nắng nóng. EVNNPC đã làm việc với chủ đầu tư các thủy điện nhỏ dịch chuyển giờ phát điện; làm việc với khách hàng doanh nghiệp, khuyến khích họ hạn chế sử dụng điện giờ cao điểm, chuyển sang giờ thấp điểm; qua đó, giảm công suất cực đại giờ cao điểm của hệ thống điện quốc gia, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải. “EVNNPC nỗ lực tiến hành mọi giải pháp để không phải cắt điện luân phiên”, ông Lê Văn Trang nhấn mạnh.
 
Đi cùng với các giải pháp bảo đảm nguồn cung điện năng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được coi là giải pháp quan trọng giảm áp lực cung ứng điện. Theo đó mục tiêu tiết kiệm điện đòi hỏi sự nỗ lực, ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần có cơ chế tài chính trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả để tạo đòn bẩy kinh tế và thúc đẩy người dân, doanh nghiệp có tiềm lực tham gia.
 
 
Theo: QĐND