Đội Truyền tải điện Đầm Hà (Truyền tải điện Đông Bắc 1) lên đường kiểm tra sự cố.
Mạng lưới truyền tải điện quốc gia là một hệ thống truyền tải năng lượng từ nhà máy phát điện đến người tiêu dùng, trong đó đường dây truyền tải là huyết mạch chính. Thực tế cho thấy, dông sét là mối đe dọa rất lớn đối với đường dây truyền tải điện và là nguyên nhân gây gián đoạn đường dây, dẫn đến mất điện đột ngột.
Những hiện tượng cực đoan như mưa lớn kèm theo dông sét, gió lốc có cường độ tia sét lớn, làm ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, vận hành lưới truyền tải điện. Các sự cố phóng điện có thể kể đến như: sét đánh gây phóng điện qua chuỗi sứ, đứt dây lèo, hư hỏng dây dẫn, phụ kiện…
Thời tiết khắc nghiệt với mưa lớn, dông sét, lốc xoáy gây khó khăn rất lớn cho công tác quản lý, vận hành lưới điện, dễ xảy ra các sự cố gây nguy hiểm và mất an toàn. Truyền tải điện Đông Bắc 1 đã triển khai nhiều giải pháp chống sét cho đường dây truyền tải điện nhằm phòng ngừa sự cố, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục.
Những diễn biến bất thường của thời tiết năm nay cho thấy dông sét nhiều hơn và gió giật mạnh hơn so với năm trước. Số lần sự cố do sét xảy ra nhiều, lặp lại trên những đường dây đã được sửa chữa, bổ sung hệ thống tiếp địa trước đó khiến các cán bộ, công nhân viên truyền tải luôn phải căng mình ứng phó.
Anh Nguyễn Văn Dương, cán bộ Đội Truyền tải điện Đầm Hà cho biết “Quảng Ninh đồi núi cao, nhiều khoáng sản, than, sắt quặng, rất dễ dòng điện sét đánh xuống, nguy cơ sét nhiều, sét đánh vào những cột điện trên cao, thép sắt dẫn điện”
“Vận hành phải đảm bảo an toàn, không sự cố, nhưng sự cố ngoài mong muốn giông lốc, sấm sét…xảy ra đòi hỏi phải bình tĩnh, xử lý theo đúng quy trình thao tác” – chị Phan Đoan Trang, cán bộ trạm biến áp 500kV Quảng Ninh chia sẻ thêm.
Chị Trần Thanh Hương, cán bộ trạm 500kV Quảng Ninh cho biết, một trong những giải pháp được các đơn vị truyền tải điện áp dụng để chống sét là dùng dây thoát sét. Dòng điện sẽ đi qua dây thoát sét xuống đất nếu sét đánh trực tiếp vào cột điện hoặc dây chống sét.
“Dông sét đánh vào đường dây điện, xảy ra sự cố thì máy cắt nhảy ra, còn tùy vào sự cố nghiêm trọng như thế nào thì máy cắt đóng vào luôn hoặc vận hành cắt thiết bị ra để đi tìm điểm sự cố” – chị Hương cung cấp thông tin.
Với đặc thù ở trên cao, đường dây truyền tải điện, nhất là điện cao áp thường gặp sự cố bị sét đánh. Từng đối mặt với không ít sự cố nghiêm trọng, sét đánh gây chập, cháy thiết bị của trạm, chị Hương cho rằng việc lắp đặt chống sét cho đường dây tải điện là vô cùng quan trọng, giúp phòng ngừa các rủi ro và sự cố về điện trong từng khu vực.
Tăng cường kiểm tra các cột có nguy cơ bị sét đánh.
Quảng Ninh nằm trong vùng có mật độ dông sét lớn, trong đó sự cố do sét chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số sự cố với đường dây truyền tải điện. Để bảo vệ đường dây tải điện, Truyền tải điện Đầm Hà đã trang bị chống sét vang tại những vị trí cột tại các khu vực có mật độ dông sét cao, có điện trở suất đất lớn. Trong đó lưu ý các đường dây nằm trong khu vực đi trên đồi núi cao, vị trí cột có điện trở suất đất từ 3000 ᾭm trở lên và các cột thường xuyên bị sét đánh…Với hệ thống chống sét van đường dây tải điện được lắp đặt trên cao và tại các vị trí dây dẫn đường điện cao cáp sẽ góp phần giảm thiểu khả năng chọc thủng cách điện khi bị sét đánh.
Anh Nguyễn Văn Dương, cán bộ Đội Truyền tải điện Đầm Hà giải thích, nếu không có hệ thống chống sét vang, khi sét đánh vào cột điện hoặc dây chống sét, dòng điện sẽ thoát đất. Nếu cột điện quá khả năng chịu đựng thì sẽ xuất hiện hiện tượng phóng điện ngược, làm tổn thương cách điện đường dây. Hệ quả là gây sự cố mất điện trên lưới.
Anh Dương khẳng định, để xử lý sét thì phương án tối ưu nhất là lắp chống sét vang, kết hợp với phương án làm tiếp địa cột. Làm chống sét vang ưu tiên ở những vị trí xác xuất sét đánh nhiều và nằm trên đồi cao.
Bên cạnh đó, các trạm biến áp thường xuyên theo dõi hệ thống thoát nước, hệ thống thông gió của trạm điện, hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm và đường dây dẫn điện trên không, nước thải xâm nhập làm hư hỏng công trình điện...
Việc thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, tình hình thời tiết, chuẩn bị đầy đủ các thiết bị, vật tư, hệ thống thông tin liên lạc...giúp các đơn vị thuộc Truyền tải điện Đông Bắc 1 khắc phục ngay những khiếm khuyết, tồn tại trên lưới nếu chẳng may có sự cố do sét gây ra, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định trong khu vực.
Link gốc