Bật điều hòa thế nào đảm bảo sức khỏe, tiết kiệm điện khi nắng nóng 40 độ C?
Dùng điều khiển để chuyển chế độ lạnh từ "Cool" (hơi lạnh, hình ảnh biểu thị là bông tuyết) sang chế độ "Dry" (trừ ẩm, hình ảnh biểu thị là giọt nước). Thao tác đơn giản trên sẽ giảm công suất tiêu thụ điện của điều hòa đi 10 lần, hạn chế sốc nhiệt vì nhiệt độ phòng sẽ không quá thấp dưới 23 độ C và không dao động lớn với nhiệt độ bên ngoài.
Tuy nhiên, những ngày nắng nóng mà độ ẩm thấp thì việc sử dụng chế độ "Dry" không có ý nghĩa mấy bởi nó không có chức năng làm giảm nhiệt độ, khiến không khí trong phòng vẫn nóng, khó chịu và khi đó, lựa chọn duy nhất để làm mát là chuyển sang chế độ "Cool".
Không cài đặt nhiệt độ trong nhà quá thấp vì vừa lãng phí vừa dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như: cảm cúm, ho, cảm lạnh.... Nên để nhiệt độ điều hòa ở 27 hoặc 28, thậm chí 29 độ C vào ban đêm, sử dụng kèm với quạt sẽ rất tiết kiệm điện.
Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến hệ thống lưu thông gió để đảm bảo không khí tươi trong nhà. Với nhà kiểu cũ, phòng cửa gỗ thì không cần thông gió vì gió lọt do rò rỉ là đảm bảo cho nhu cầu ôxi của người trong phòng.
Nhưng đối với các kiểu nhà hiện đại, cửa kính thì cần bố trí lấy gió tươi bằng quạt gắn sát trần. Nếu không có điều kiện thì thi thoảng phải mở cửa để có sự trao đổi không khí với bên ngoài. Việc mất lạnh khi mở cửa là không tránh khỏi, tuy nhiên mỗi lần mở cửa được khoảng 3m3 không khí tươi.
Một chi tiết quan trọng nữa là khi tắt máy điều hoà thì phải tắt nguồn (tắt aptômat). Vì nếu chỉ tắt bằng điều khiển từ xa thì máy vẫn tiêu tốn điện.
Việc vệ sinh thường xuyên cho máy cũng giúp tiết kiệm năng lượng. Thông thường 2 tuần vệ sinh phin lọc không khí trong nhà một lần, một năm vệ sinh dàn nóng và dàn lạnh tổng thể một lần. Nếu khu vực có nhiều bụi phải vệ sinh 2 hoặc nhiều lần.
Nếu sợ môi trường điều hòa khô, bạn có thể làm tăng độ ẩm cho phòng bằng quạt hơi nước là tốt nhất. Nếu không chỉ cần đặt một chậu nước trong phòng, phơi một khăn ướt thấm nước cũng là đủ.
Theo: Báo Pháp luật