Chị Nguyễn Hương Giang, 40 tuổi, công tác tại Công ty Điện lực Đống Đa, không còn làm nhân viên thu tiền điện đã lâu nhưng vẫn nhớ như in những ngày làm công việc này.
Được giao thu tiền điện của 2.000 hộ dân tại khu vực đường Láng (quận Đống Đa), do đặc thù công việc, thời điểm chị Giang bắt đầu đi thu tiền thường là lúc chiều muộn, bởi khi đó, người dân mới có mặt ở nhà. Để bảo đảm tiến độ và hiệu quả công việc, chị mải miết đi thu không quản thời tiết nắng mưa. Với chị, làm nghề này chẳng khác gì ở vào cảnh “làm dâu trăm họ”, phải lựa từng cảm xúc, trạng thái vui buồn của khách hàng để có thái độ, lời nói và cách thu cho phù hợp. Nhiều khi đáp lại nụ cười, sự nhẹ nhàng của chị là những khuôn mặt kém vui cùng những lời nói có phần khó nghe: “Lại thu à?”, “Suốt ngày thu thế?”, “Sao tháng này nhiều tiền thế?”...
“Có lần, khi tôi vừa đến cửa một gia đình nọ thì họ nói tiền có ở trong túi nhưng chưa nộp vì đang bận ăn cơm và nói tôi đi nhà khác rồi lát quay lại. Tuy nhiên, khi tôi quay lại thì gia chủ đã “cửa đóng then cài”, gọi năm lần bảy lượt không thấy trả lời. Vậy là tôi đành ra về và hôm sau lại đến, tiếp tục chờ đợi...”, chị Hương Giang bùi ngùi kể.
Với chị Giang, việc đi 2-3 lượt mới thu được tiền điện là chuyện xảy ra như “cơm bữa”. Thậm chí, có những hộ, chị phải đi lại đến cả gần chục lượt mới hoàn thành được công việc tưởng chừng rất đơn giản. Vì vậy, cứ đến kỳ thu tiền điện, chị lại chạy ngược chạy xuôi cả tuần lễ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Thu đủ tiền điện mỗi tháng với chị là may mắn, nhưng không phải tháng nào chị cũng... gặp may. Gặp những hộ chây ì hoặc đi công tác, không ít lần chị phải bỏ tiền túi ra để tạm ứng cho họ.
Chưa kể, do thường phải lựa thời điểm người dân có nhà để đến thu, chủ yếu là vào lúc chiều muộn, buổi tối, điều kiện làm việc thiếu ánh sáng cũng khiến chị bị ảnh hưởng thị lực. Có lần, chị còn bị thu phải tiền giả mà chẳng biết kêu ai...
Chuyển mình với nhịp sống văn minh, ngành điện Thủ đô đã áp dụng công nghệ hiện đại nhằm thuận tiện hóa việc thu tiền điện, giảm thời gian, công sức và chi phí của khách hàng. Ngành điện đã ngừng việc thu tiền điện tại nhà, chị Giang được chuyển làm công việc khác sau 5 năm gắn bó. Cách quản lý mới của ngành không chỉ thay đổi công việc của những nhân viên như chị Giang, mà ngay cả người dân, giờ cũng không còn đóng tiền điện theo nếp cũ.
Sau khi vợ sinh con đầu lòng, do hay phải đi công tác xa, anh Nguyễn Văn Hoàng (quận Nam Từ Liêm) đã tạm “chuyển khẩu” về với gia đình bên ngoại. Ba tháng sau, khi con trai đã cứng cáp hơn, anh lại đón hai mẹ con trở về. Chào đón họ là căn nhà tối om, mọi thiết bị điện đều không thể sáng. Hoang mang vì nhà hàng xóm vẫn sáng đèn, anh Hoàng nhanh chóng nhìn xuống sàn nhà và phát hiện ra nguyên nhân từ hai tờ giấy báo nộp tiền điện và thông báo cắt điện của đơn vị điện lực. Anh tức tốc đi nộp tiền để nhà sáng đèn trở lại...
Những chuyện như của nhà anh Hoàng giờ ít xảy ra. Bắt đầu từ năm 2013-2015, thực hiện chủ trương điện tử hóa và cải cách hành chính của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN Hà Nội đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để chuyển sang quản lý dữ liệu các hóa đơn bằng hình thức điện tử. Việc thanh toán tiền điện đã được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức mới, nhờ ngành ký kết hợp đồng hợp tác với 17 ngân hàng và 5 tổ chức trung gian thanh toán.
Giờ đây, khách hàng có thể lựa chọn thanh toán tiền điện qua trích nợ tự động từ tài khoản ngân hàng, qua internet banking hoặc mobile banking, hoặc thanh toán tại phòng giao dịch của các ngân hàng, tổ chức thanh toán có ký hợp tác với EVN hay đến các quầy thu được mở tại các chi nhánh điện. Hằng tháng, EVN sẽ có thông báo với khách hàng qua tin nhắn về mức điện năng tiêu thụ và khách hàng có thể chủ động lựa chọn hình thức thanh toán điện tử hay thanh toán truyền thống, tùy theo nhu cầu.
Sự đa dang hóa hình thức thanh toán của EVN Hà Nội đã được nhiều khách hàng đón nhận, hoan nghênh, vì nó tiện lợi, đơn giản với người dùng.
Anh Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ, sau sự cố đáng nhớ trên, anh đã chọn hình thức thanh toán trích nợ tự động qua tài khoản ngân hàng. Việc bị cắt điện do chậm thanh toán với gia đình anh giờ không còn xảy ra nữa và anh cũng không phải lo đến ngày, đến tháng mất công đi lại để thanh toán hay chờ nhân viên ngành điện đến thu...
Tương tự, chị Nguyễn Thị Minh (quận Hà Đông) khá hài lòng khi gần một năm nay, chị chuyển sang thanh toán tiền điện bằng chuyển khoản online. Hình thức thanh toán này giúp chị có thể trả tiền điện mọi lúc, mọi nơi, đúng hạn và không mất nhiều thời gian.
Ngoài việc giúp khách hàng chủ động, giảm thời gian và chi phí, việc đa dạng hình thức thanh toán tiền điện còn đem lại lợi ích về mặt xã hội, bởi giúp giảm lượng phát khí thải khi khách hàng phải tham gia giao thông, đi lại để thanh toán tiền điện; cũng như giảm chất thải trong quá trình in ấn và lưu trữ giấy tờ liên quan đến hóa đơn tiền điện khi thanh toán bằng tiền mặt...
Và hơn thế nữa, với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, EVN Hà Nội đang góp phần vào tiến trình xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh.
EVN Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, tất cả các giao dịch thanh toán tiền điện và các giao dịch, dịch vụ về điện sẽ được thực hiện qua các ngân hàng và tổ chức thanh toán. |