Tư vấn sử dụng điện

Bí quyết sử dụng các món đồ điện gia dụng hiệu quả, tiết kiệm

Thứ năm, 10/11/2016 | 13:31 GMT+7
Việc sử dụng các món đồ điện gia dụng trong nhà như tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng… đúng cách không những giúp kéo dài thời gian sử dụng, tiết kiệm điện năng mà còn đảm bảo an toàn cho chính bạn và người thân.
 
Mạt giặt

- Không được đặt các vật nặng hay ngồi lên trên máy giặt khi nó đang hoạt động.
 
- Khi cho áo quần vào máy giặt cần kiểm tra kỹ các túi xem còn sót lại vật gì hay không.
 
- Đảm bảo rằng phải dùng đúng loại bột giặt và nước xả vải chuyên dùng cho loại máy giặt mình đang sử dụng. Các loại bột giặt tay sẽ tạo ra quá nhiều bọt từ đó giảm tuổi thọ của máy giặt.
 
- Sau mỗi lần giặt cần lau sạch phần gioăng cao su trên cửa máy giặt để đảm bảo không sinh ra nấm mốc sau một thời gian sử dụng. Đồng thời lấy khay để chất tẩy rửa ra ngoài lau sạch và phơi khô mỗi tuần một lần.
 
- Bạn cũng nên lấy hết đồ giặt ra bên ngoài mỗi khi giặt xong càng sớm càng tốt bởi sức nặng của áo quần sẽ dễ gây hư hỏng cho máy giặt.
 
- Bạn cũng có thể vệ sinh máy giặt hàng tháng bằng cách cho nó hoạt động mà không có áo quần bên trong. Chú ý lựa chọn chế độ nước nóng nhất và vòng quay vắt có tốc độ tối đa đồng thời cho một ít giấm hoặc chanh vào khay để nước xả vải.
 
Tủ lạnh
 
- Đảm bảo rằng tủ lạnh lúc được người vận chuyển mang về nhà được khênh đúng chiều và không được nghiêng quá 40 độ vì sẽ gây tràn dầu dẫn tới hỏng hóc. Khi tủ lạnh vừa được mua về cũng không nên khởi động nó ngay mà nên chờ sau 4-6 tiếng là tốt nhất.
 
- Trong quá trình sử dụng không được để những thứ đang còn nóng vào bên trong tủ lạnh mà phải làm nguội nó ở bên ngoài trước
 
- Nên thực hiện quá trình rã đông tủ lạnh bằng cách dừng hoạt động trong vòng một ngày và hai lần trong một năm để đảm bảo sự hoạt động bền bỉ của tủ lạnh.
 
- Đừng quên việc thường xuyên làm sạch bụi bẩn bám ở mặt sau của tủ lạnh. Máy hút bụi là lựa chọn tốt nhất trong trường hợp này. Việc làm vệ sinh không những giúp tủ lạnh bền hơn mà còn giúp bạn tiết kiệm điện.
 
Nồi cơm điện
 
- Đảm bảo rằng nồi phải luôn được lau sạch nước và bụi bẩn bên ngoài trước khi cho vào nấu. Việc cố tình thực hiện sẽ gây ra hỏng hóc trong tương lai không xa.
 
-Trước khi nấu cũng cần chú ý lau sạch phần nắp nồi để loại bỏ nước đọng, dầu, thức ăn có thể bám lại.
 
-Luôn đảm bảo là lượng gạo trong nồi không vượt quá mức giới hạn cho phép trong mỗi lần nấu.
 
Lò vi sóng
 
- Khi nấu những món đồ có trọng lượng quá nhẹ trong lò vi sóng, tốt nhất nên để thêm một ly nước vào quay cùng. Ly nước sẽ hấp thụ bớt sóng viba thừa và giúp món ăn của chúng ta đạt kết quả ưng ý.
 
- Không nên để bất cứ vật gì bên trên lò vi sóng bởi nó sẽ ngăn cản đường thoát hơi, dễ gây ra hỏng hóc cho lò vi sóng.
 
- Không bao giờ được bật lò vi sóng mà không có cái gì bên trong. Việc này sẽ gây hư hại cho bộ phận phát sóng viba. Đồng thời cũng không được để quá nhiều thực phẩm vào bên trong lò vi sóng để nấu cùng lúc.
 
- Không được dùng những loại bát đĩa không chuyên dụng cho lò vi sóng vì có thể gây ra cháy nổ.
 
- Một trong những việc quan trọng cần phải thực hiện thường xuyên đó là vệ sinh bên trong lò vi sóng bằng chất tẩy rửa có hoạt tính nhẹ.
 
Máy nướng bánh
 
- Đảm bảo rằng không được cho máy nướng bánh tiếp xúc với nước cũng như không thao tác với máy khi tay còn ướt. Đặt máy nướng bánh cách xa những đồ vật dễ bắt lửa.
 
- Chỉ sử dụng máy để nướng các loại bánh trong sách hướng dẫn sử dụng.
 
- Nếu bạn sử dụng máy nướng bánh hàng ngày thì việc vệ sinh bên trong máy mỗi tuần một lần là thực sự cần thiết.
Theo: Dân Trí