Tư vấn sử dụng điện

Một số kỹ thuật lắp điện sinh hoạt trong nhà và biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng điện

Thứ hai, 24/10/2016 | 14:12 GMT+7
Để hạn chế tai nạn điện mọi người cần chú ý tuân thủ theo những quy định cơ bản về kỹ thuật lắp điện sinh hoạt trong nhà và một số biện pháp đảm bảo an toàn khi vận hành, sử dụng điện.

I. Kỹ thuật lắp điện trong nhà
 
1. Dây dẫn điện trong nhà không được dùng dây dẫn trần mà phải dùng dây dẫn có bọc cách điện chất lượng tốt. Cỡ (tiết diện) dây dẫn điện được chọn sao cho có đủ khả năng tải dòng điện đến các dụng cụ điện mà nó cung cấp, không được dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ vào các dụng cụ điện có công suất quá lớn để tránh gây hoả hoạn cháy nhà. Người sử dụng điện có thể tham khảo bảng phụ lục 1 để ước lượng dòng điện tiêu thụ của các dụng cụ dùng điện trong nhà và bảng phụ lục 2 để chọn cỡ dây dẫn điện đúng tiêu chuẩn.
 
2. Lắp đặt dây dẫn trong nhà thường đặt trên sứ kẹp, puli sứ hoặc luồn trong ống bảo vệ, ống này thường làm bằng nhựa.
 
3. Khoảng cách giữa 2 sứ kẹp hoặc 2 puli sứ kề nhau không nên quá lớn, đảm bảo sao cho khoảng cách giữa dây dẫn và vật kiến trúc (tường, trần nhà...) không nhỏ hơn 10mm.
 
Dây dẫn có bọc cách điện chất lượng tốt.
 
4. Khi nối dây dẫn điện phải nối so le và có băng cách điện quấn ở ngoài mối nối (nhất là loại dây đôi). Nếu lắp đặt dây điện đi ngầm trong tường thì dây không được có mối nối và phải dùng dây bọc có 2 lớp cách điện thật tốt.
 
5. Dây dẫn điện xuyên qua tường, mái nhà phải đặt trong ống sứ bảo vệ. Không được để nước mưa đọng lại trong ống hoặc chảy theo ống vào nhà.
 
Khoảng cách từ các sứ cách điện đỡ đầu dây dẫn điện vào nhà đến mái nhà không được nhỏ hơn 2m.
 
6. Cầu dao điện, công tắc điện phải đặt ở vị trí thao tác dễ dàng, phía dưới không để vật vướng mắc, chỗ đặt phải rộng rãi và đủ sáng, bảo đảm khi cần thiết đóng, cắt điện được nhanh chóng, kịp thời.
 
7. Cầu dao điện, công tắc điện thường được lắp trên bảng gỗ nhỏ, và được bắt chặt vào tường hay cột nhà, vị trí hợp lý nhất để gắn bảng gỗ là cách mặt đất khoảng chừng 1,5m.
 
Cầu dao điện, công tắc điện phải có nắp che an toàn. Nắp che có tác dụng đề phòng tai nạn về điện khi ta vô ý va chạm vào và tránh tia hồ quang điện phóng ra khi đóng, cắt điện.
 
8. Đường dây chính trong nhà và mỗi đường dây phụ cũng như mỗi đồ dùng điện trong nhà phải đặt cầu chì bảo vệ loại có nắp che.
 
Dây chảy của cầu chì bảo vệ phải phù hợp với công suất sử dụng bảo đảm khi có chạm chập điện (nên nhớ rằng dây chảy không phải để bảo vệ người khỏi bị điện giật).
 
Dây chảy phải lắp đúng tiêu chuẩn quy định, thí dụ như trong mạch điện 1 pha (1 dây nóng và 1 dây nguội) thì bắt buộc phải đặt cầu chì trên dây nóng.
 
Nếu cả 2 dây điện đều là dây nóng (2 dây pha) thì bắt buộc phải đặt cầu chì trên cả 2 dây.
 
9. Ở những nơi ẩm ướt, đặc biệt trong phòng tắm, không đặt ổ cắm điện, công tắc điện, không kéo dây điện qua nơi này. Đối với phòng tắm giặt, chỗ đặt công tắc điện an toàn hơn cả là ở mé ngoài cửa phòng, kề khung cửa phía không có bản lề.
 
Cầu dao điện 
 
10. Nếu các cầu dao điện, công tắc, ổ cắm điện bị hư hỏng phải thay thế ngay, vì nếu không, mọi người rất dễ chạm phải các phần dẫn điện.
 
11. Cần phải giải thích và giáo dục trẻ em hiểu và không được đưa các dây kim loại, đinh sắt hoặc đút ngón tay vào ổ cắm điện.
 
12. Không bao giờ đóng, cắt cầu dao, công tắc... khi tay còn ướt vì nước ở bàn tay có thể chảy vào những bộ phận có điện trong cầu dao, công tắc và sẽ truyền điện ra làm người bị điện giật.
 
13. Tuyệt đối không được dùng ngón tay để thử xem có điện hay không mà phải dùng bút thử điện hạ thế hoặc để bóng đèn để xác định. Khi chân tay ướt, đi chân trần không được thao tác cắm hoặc rút phích điện thay dây chảy cầu chì, đóng cắt cầu dao...
 
14. Khi điện trong nhà bị hỏng, nếu phần hỏng nằm phía trên điện kế phải báo cho chi nhánh điện cử công nhân đến sửa chữa, tuyệt đối không được gọi người ngoài không phải công nhân ngành điện. Nếu phần hỏng nằm phía sau điện kế bắt buộc phải cắt cầu dao điện chính rồi mới sửa chỗ hỏng.
 
15. Chỉ được phép sử dụng các thiết bị điện và khí cụ điện đã được nối đất, nối không bảo vệ an toàn.
 
II. Những biện pháp bảo đảm an toàn điện trong nhân dân
 
1. Không leo lên cột điện của ngành điện vì bất cứ lý do gì.
 
2. Không buộc trâu bò vào cột điện, không lợi dụng cột điện để buộc tre nứa làm nhà ở hoặc làm lều để buôn bán hàng.
 
3. Cấm tàu, thuyền đi trên sông rạch neo buộc tàu thuyền vào cột điện trên bờ sông rạch làm biến dạng, xiêu đổ các cột điện.
 
4. Giải thích và giáo dục cho trẻ em hiểu và không thả diều gần các cột điện, đường dây điện.
 
5. Cấm người đánh bóng, đá bóng gần cột điện, đường dây điện, nhất là ở ngay dưới đường dây điện.
 
6. Khi thấy cành cây khô hoặc tươi hoặc bất kỳ vật gì rơi vướng trên cột điện, đường dây điện, không dùng bất cứ phương tiện gì để lấy xuống, vì có thể xảy ra điện giật nguy hiểm mà phải báo ngay cho chi nhánh điện gần nhất đến xử lý.
 
7. Không chặt cây cối gần dây điện và cao quá đường dây điện để tránh cây cối ngã đổ vào đường dây, phải báo cho chi nhánh điện đến xử lý.
 
8. Khi giông gió có sấm sét không đứng dưới các cây cao để đề phòng sét đánh nguy hiểm.
 
9. Khi có giông, gió, mưa to không đứng trú mưa dưới các cột điện và đặc biệt không sờ vào cột điện để đề phòng rò điện hoặc nước mưa chảy thành dòng có thể dẫn điện gây nguy hiểm cho người.
 
10. Khi giống gió gây sập đổ nhà cửa, cây cối, làm đứt đường dây điện, ngã trụ phải cấp báo cho chi nhánh điện gần nhất để có công nhân điện đến kiểm tra cô lập điện rồi mới được tiến hành thu dọn để đề phòng tai nạn điện giật.
 
11. Khi thấy có dây điện đứt rơi xuống đất, hoặc cột điện ngã đổ, cấm mọi người đến gần. Nếu là rơi xuống ruộng nước, ao, hồ, sông, rạch phải đề phòng điện rò xuống nước, cấm đến gần và lội xuống nước. Ai trông thấy phải cấp báo ngay cho chính quyền, công an và chi nhánh điện đến xử lý, đồng thời phải lập ngay rào chắn xung quanh chỗ đó, cử người canh gác ngăn chặn mọi người qua chỗ dây đứt, cột đổ.
 
12. Khi có sự cố mất điện, không đến các trạm biến thế tự tiện mở cửa trạm, mở cửa thùng cầu dao đóng cắt cầu dao điện hoặc thay chì tại các cầu dao đó vì dễ gây ra sự cố hư hỏng thiết bị điện trên lưới và gây nguy hiểm cho công nhân ngành điện đi dò tìm sự cố và gây nguy hiểm cho tính mạng nhân dân khu vực và chính bản thân người làm công tác đó.
 
13. Dưới gầm các cầu cống có các đường cáp ngầm cao thế đi qua, không va chạm vào đường dây cáp điện vì dễ gây nổ và phóng điện nguy hiểm.
 
14. Không làm hỏng hoặc tháo gỡ dây điện, dây chống sét, dây chằng cột, dây nối đất, biển báo hoặc biển cấm trên cột điện, trạm điện.
 
15. Không lấn chiếm lối ra vào và đột nhập vào khu vực trạm biến thế.
 
16. Không lợi dụng tường rào, tường trạm hoặc các kết cấu của trạm biến thế để làm bất cứ việc gì.
 
 
Theo: VnMedia