Blue-chips giúp Vn-Index lên điểm mạnh

Thứ ba, 10/1/2012 | 14:40 GMT+7
Cổ phiếu có mức vốn hóa lớn được nhà đầu tư mua vào nhiều đã giúp chỉ số chung của thị trường tăng điểm mạnh nhất trong hơn 1 tháng qua. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch trong phiên này sụt giảm rất mạnh.

Ở đợt khớp lệnh đầu tiên, bán ra vẫn là lựa chọn chính của nhà đầu tư. Chính vì thế, Vn-Index hạ 2,48 điểm, tương đương 0,73%, xuống mức 336,84 điểm. Toàn thị trường có 711.540 chứng khoán được chuyển nhượng, giá trị đạt 11,448 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, tình hình thay đổi hoàn toàn khi một loạt cổ phiếu lớn khởi sắc. Nhà đầu tư thi nhau mua các mã này khiến hầu hết lên giá. Vn-Index đảo chiều ghi 5,3 điểm (+1,56%), lên mức 344,62 điểm. Về cuối phiên, sức cầu tại các trụ cột vẫn lớn, nhờ đó chỉ số chung duy trì được đà đi lên. Đóng cửa thị trường Vn-Index dừng ở mức 344,68 điểm, tăng 5,36 điểm (+1,58%), là mức tăng mạnh nhất trong khoảng 1 tháng qua.

Hầu hết các cổ phiếu blue-chips đều lên giá. Đó là CTG, DPM, EIB, FPT, HAG, REE, MBB, STB, VCB, PVD, MSN tăng 100-1.500 đồng/cổ phiếu; đặc biệt BVH, PVF, ITA, SSI, OGC, SAM tăng hết biên độ cho phép. Tính chung, cổ phiếu tăng giá áp đảo so với giảm giá. Toàn thị trường có 168 mã đi lên, nhiều gấp hơn 3 lần số mã đi xuống (48 mã), 66 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản không còn giữ được mức tăng đột biến như phiên trước mà đã trở về mức thấp, đặc biệt giao dịch không còn được hỗ trợ nhiều từ giao dịch thỏa thuận bởi hôm nay chỉ có 11,831 triệu chứng khoán được chuyển nhượng qua hình thức này, tương ứng giá tị 185 tỷ đồng trong tổng khối lượng giao dịch 36,556 triệu chứng khoán và 499,964 tỷ đồng.

Mặc dù thị trường tiếp tục có phiên tăng điểm nhưng theo một số công ty chứng khoán nếu không xuất hiện yếu tố đột biến góp phần giải quyết tâm lý của nhà đầu tư khi mà thị trường đã có một thời gian dài ảm đạm thì đà tăng điểm trong những phiên giao dịch tới là rất khó.

Thông tin mới nhất cho thấy, việc cơ cấu lại thị trường chứng khoán sẽ được tập trung vào 4 vấn đề chính là cơ cấu lại hàng hóa trên thị trường; cơ cấu lại công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ; tăng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư và cơ cấu lại cơ quan quản lý. Theo đó, việc cơ cấu lại thị trường chứng khoán sẽ thực hiện theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả của các thành viên tham gia thị trường cũng như nâng cao chất lượng của sản phẩm dịch vụ, hàng hóa trên thị trường. Tuy nhiên, theo FPTS, để đánh giá triển vọng phục hồi trở lại của thị trường trong dài hạn thì việc cơ cấu lại thị trường chứng khoán phải đi kèm thông tin tích cực về tính hình lạm phát, lãi suất cũng như sức khỏe của nền kinh tế nói chung.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index dừng ở mức 56,15 điểm khi đảo chiều tăng 0,88 điểm (+1,59%). Toàn thị trường có trên 28,255 triệu chứng khoán được chuyển nhượng, giá trị đạt 255,391 tỷ đồng.

Trái ngược với hai sàn chính thức, UPCoM-Index hạ nhẹ 0,03 điểm (-0,09%), xuống mức 33,46 điểm. Giao dịch tăng mạnh so với cùng kỳ phiên trước, đạt trên 6,357 triệu cổ phiếu.
Hà Nội mới