Năm 1994, Ban Thư ký Mêkông, tiền thân của Uỷ ban sông Mêkông (Mekong River Commission - MRC) đã lập một bản nghiên cứu về các sơ đồ thủy điện dạng lòng dẫn (run-of-river) cho đoạn hạ lưu sông Mêkông. Nghiên cứu này kiến nghị 9 dự án với công suất tổng cộng là 13.350 MW (hầu hết điện năng này sẽ được xuất khẩu cho Thái Lan) và sẽ phải di dời khoảng 57.413 người. Thực tế, báo cáo đó kiến nghị một bậc thang gồm các đập cao từ 30 đến 60 m với các hồ chứa trải dài 600 km trong số 1.800 km được nghiên cứu.
Nghiên cứu của Ban Thư ký Mêkông đã không xem xét đầy đủ tác động đáng kể mà các đập được kiến nghị này có thể gây ra cho các ngư trường trên toàn bộ lưu vực sông Mêkông, cụ thể như là chặn các tuyến đường di trú và làm ngập các vùng đất đẻ trứng. Nghiên cứu này cũng đã bỏ qua các tác động về phía hạ lưu vùng châu thổ sông Mêkông, không đánh giá các tác động của bậc thang các đập lên chất lượng nước, và những ước tính không chính xác về tái định cư.
Thật may là không sơ đồ nào trong số này được khởi công vào cuối những năm 1990. Tài liệu Chiến lược Phát triển thủy điện của Uỷ ban sông Mêkông năm 2001 đưa ra bốn yếu tố giải thích vì sao các đập trên dòng chính sông Mêkông đã không được triển khai: các quốc gia ven sông đang tập trung vào các dự án trên các nhánh sông thuộc phạm vi lãnh thổ của họ; tình hình chính trị không thuận lợi trong khu vực; các chi phí lớn của dự án; và các tác động “dữ dội” của các đập trên dòng chính đối với các ngư trường và công tác tái định cư.
Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng nhu cầu điện năng của Thái Lan và Việt Nam và sự chuyển hướng không muốn xây dựng các nhà máy nhiệt điện, sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư tư nhân và các công ty điện lực quốc doanh và giá ngày một cao của các nguồn năng lượng thay thế, các nước ven sông đã lại bắt đầu xem xét lại việc đắp đập ở hạ lưu sông Mêkông. Giữa năm 2007, Lào và Campuchia đã ký kết các thoả thuận về phát triển bốn đập trên dòng chính sông Mêkông.
Lào lên kế hoạch xây dựng đập
Đập trên dòng chính sông Mêkông ở giai đoạn tiến xa nhất là đập Don Sahong ở vùng Thác Khôn trên đất Lào. Mega First Corporation Berhard của Malaysia đang thực hiện nghiên cứu khả thi đập Don Sahong, dự kiến sắp hoàn thành. Đập 240 MW này sẽ phát điện để xuất khẩu sang sang Thái Lan, Campuchia hoặc Việt Nam. Theo ước tính chi phí của dự án này lên tới 300 triệu USD.
Khôn là thác duy nhất ở hạ lưu sông Mêkông và là khu vực chủ chốt đối với các ngư trường trên sông Mêkông. Đập Don Sahong nằm cách biên giới với Campuchia chưa đầy 1 km về phía thượng lưu, như vậy sẽ chặn đứng kênh duy nhất mà người Lào gọi là Hoo Sahong, để cá có thể dễ dàng di trú từ Campuchia ngược lên thượng nguồn. Kết quả là đập có thể ngăn chặn cá di trú ngược dòng sông Mêkông, từ Campuchia và Việt Nam lên Lào và Thái Lan, cuối cùng là huỷ hoại phương kế sinh nhai dựa trên nghề cá của cư dân cả bốn nước.
Tháng 5/2007, hơn 30 nhà khoa học đã gửi thư tới các quan chức chính phủ trong vùng sông Mêkông bày tỏ mối quan ngại về tác động của đập dự kiến đối với nghề cá. Bức thư nêu rõ: “Vị trí đập dự kiến này có thể là vị trí tồi tệ nhất cho tuyến dự án 240 MW vì nó là điểm tập trung cao nhất cá di trú trên dòng sông hỗ trợ cho ngư trường cá nước ngọt lớn nhất thế giới”. Việc xây dựng các đường cá đi nhằm giảm thiểu sự tác động lên sự di trú của cá ít có tác dụng đối với các dự án lớn.
Các tổ chức phi chính phủ trong vùng Mêkông, Đông Á, Úc, châu Âu và Mỹ năm 2007 cũng đã gửi thư thúc dục chính phủ Lào từ bỏ các kế hoạch đối với Don Sahon. Ngoài các tác động tàn phá của đâp này đối với nghề cá, các tổ chức phi chính phủ còn lưu ý rằng đập sẽ nằm ngay phía thượng lưu vùng sinh sống quanh năm của loài cá heo Irrawaddy, có nhiều khả năng sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng của loài cá heo này dọc biên giới Lào - Campuchia và huỷ hoại ngành du lịch địa phương vốn vẫn phụ thuộc vào chúng. Đập Don Sahong có thể còn ảnh hưởng tiêu cực tới cư dân sống trên các đảo Don Sahong và Don Sadam gần tuyến đập dự kiến. Chính phủ Lào đã không trả lời những bức thư đầy quan tâm này
Ngoài đập Don Sahong, chính phủ Lào cũng đã ký một thoả thuận hồi đầu năm 2007 với một công ty Thái Lan để thực hiện nghiên cứu khả thi cho đập Sayaboury trên sông Mêkông ở miền Bắc nước Lào. Công ty này khẳng định dự án có chi phí khoảng 1,7 tỷ USD và phát ra 1.260 MW điện để xuất khẩu sang Thái Lan. Nghiên cứu khả thi đập Sayaboury sẽ hoàn thành trước cuối năm 2009 và việc xây dựng có thể được bắt đầu vào năm 2011. Năm 1994, nghiên cứu của Ban Thư ký Mêkông đã ước tính dự án này có thể làm ngập 22 km2 đất và di dời 1.720 người sinh sống trong 5 ngôi làng, và số dân này hiện nay chắc chắn sẽ cao hơn.
Và vào tháng 6/2007, chính phủ Lào đã phê duyệt công tác khảo sát một đập nữa trên dòng sông chính, do hai công ty của Trung Quốc là Sinohydro Corporation Ltd. và China National Electronics Import and Export Corporation thực hiện. Theo các bản tin, đập Paklay 1.320 MW dự kiến này sẽ có chi phí lên tới 1,7 tỷ USD. Nghiên cứu năm 1994 của Ban Thư ký Mêkông nêu rằng Paklay có thể di dời tới 11.780 người.
Đập Sambor ở Campuchia
Dự án thủy điện Sambor dự kiến sẽ được đặt trên dòng chính sông Mêkông thuộc địa phận tỉnh Kratie, Campuchia, chỉ cách hòn đảo trên sông với 5 ngôi làng trên đó, 40 km về phía nam. Chính phủ Campuchia từ nhiều thập kỷ nay vẫn thiết tha với việc xây dựng dự án này trong, nhưng do vì hoàn cảnh chính trị, khó khăn về tài chính cũng như các tác động lớn về môi trường và xã hội nên chưa thực hiện được.
Tháng 11/2006, Công ty Lưới Điện Nam Trung Quốc thông báo rằng một đơn vị thành viên của họ sẽ thực hiện một nghiên cứu khả thi mới cho dự án thủy điện Sambor. Theo các thông tin mới đây, công ty này đang xem xét hai phương án thiết kế. Sơ đồ lớn hơn, mà Ban Thư ký Mêkông đã đưa ra, bao gồm một đập dài 10 km, cao 54 m, sẽ chặn dòng sông Mêkông để tạo nên hồ chứa rộng 880 km2 và phát 3.300 MW điện năng. Phương án thay thế là một sơ đồ nhỏ hơn, tạo nên hồ chứa rộng 6 km2 và phát 465 MW điện năng.
Công ty này cũng đã bắt đầu khảo sát địa chất tại tuyến dự kiến. Người ta đã nói với một số dân trong làng rằng nếu tiến hành dự án thì những người cần phải tái định cư sẽ được bố trí đến ở gần đường quốc lộ, cách đó chừng 20 km.
Đánh giá chi tiết về các tác động môi trường và xã hội của dự án vẫn chưa được tiến hành. Một đánh giá mới đây của Bộ Công nghiệp, Mỏ và Năng lượng đã gợi ý rằng sơ đồ 3.300 MW sẽ gây tác động về môi trường, còn sơ đồ nhỏ thì không. Thậm chí Tokyo Electric Power Services Ltd. là công ty tư vấn thủy điện gần đây đã xúc tiến các dự án thủy điện khác ở Campuchia, cũng đã bày tỏ nghi ngờ sự đánh giá này về dự án nhỏ.
Nghiên cứu năm 1994 của Ban Thư ký Mêkông về dự án lớn 3.300 MW đã chỉ ra rằng 5.120 người có thể sẽ phải di dời. Cả hai dự án sẽ không tránh khỏi gây tác động nặng nề đối với các ngư trường trên sông Mêkông, trong đó phải kể đến các loài quan trọng về mặt thương mại như cá trê di trú và các loài hiếm lạ hơn như cá đuối gai độc (stingray) nước ngọt lớn nhất thế giới. Ngoài ra, IUCN còn xác định rằng đập Sambor sẽ là mối đe doạ nghiêm trọng tới vùng cư trú và sự đi lại của cá heo Irrawaddy đang có nguy cơ tuyệt chủng và những con mồi của nó, lãnh địa của những động vật này bao gồm một số lượng lớn các vũng nước sâu gần vị trí đập.
Chặn dòng chính
Mặc dầu chưa có một đập nào ở vùng hạ lưu sông Mêkông được bật đèn xanh, nhưng những sự phát triển nhanh chóng trong sáu tháng đầu năm 2007 thật đáng lo ngại. Các ngư trường phong phú của sông Mêkông có vị trí vô cùng quan trọng đối với việc cung cấp thực phẩm cho phần lớn cư dân sống trong lưu vực. Việc đắp đập trên dòng chính Mêkông và chặn tuyến đường di trú của hàng trăm chủng loài cá có thể sẽ gây hậu quả tàn phá đối với nguồn sống của hàng triệu người.
Các chính phủ Lào và Campuchia hiện đang phải đối mặt với những quyết định hệ trọng về tương lai của dòng sông Mêkông hùng vĩ. Sự lựa chọn của họ sẽ quyết định hoặc là để dòng sông Mêkông được chảy tự do và mang lại sự sống như nó vẫn đang làm hiện nay hay biến nó thành con đường thuỷ bị chặn lại từng khúc và được công nghiệp hoá. Vì các chính phủ Lào và Campuchia là người sẽ quyết định về các đập dự kiến này trên hạ lưu sông Mêkông, nên họ cần phải cân nhắc xem liệu sau này các thế hệ nghề cá có còn thu hoạch được các tặng vật thiên nhiên của dòng sông nữa hay không, liệu những người đi du lịch tương lai có còn được thưởng ngoạn loài cá heo Irrawaddy vui đùa nữa hay không, và cuối cùng thì liệu dòng sông Mêkông có còn tiếp tục là nguồn kiêu hãnh và cảm hứng đối với cư dân trong khu vực và toàn thế giới nữa hay không.