Tin thế giới

Ngành điện của Nga- Những vấn đề cải tổ và phát triển (Phần 1)

Thứ năm, 5/6/2008 | 10:24 GMT+7

Cải tổ thị trường ngành điện

Các văn bản luật ở Nga về cải cách thị trường đã được thông qua trong tiến trình cải cách dân chủ thời kỳ những năm 1991 - 1992 nói chung không có ý kiến tư vấn của các chuyên gia ngành điện. Hệ thống năng lượng thống nhất (HNT) đã có thể bị thủ tiêu và thay thế bằng một số lượng lớn các công ty cổ phần tự quản. Trong điều kiện như vậy, các chuyên gia hàng đầu của ngành đã chuẩn bị Dự thảo Chỉ thị của tổng thống Nga (Số 923, ngày 15/8/1991) "Về tổ chức quản lý tổ hợp ngành điện trong điều kiện tư nhân hóa", điều đó đã cho phép khi cổ phần hóa ngành vẫn duy trì được HNT với sự quản lý điều độ chung, mạng điện thống nhất và quản lý theo hệ dọc các liên hiệp cổ phần hệ thống năng lượng (LCHN) và các liên hiệp cổ phần nhà máy điện thuộc Liên bang (LCNL), được quản lý thông qua các cổ phiếu khống chế và các quan hệ hợp đồng với những chủ thể khác của tổ hợp ngành điện Liên bang Nga (hình 1).

Mưu toan sau đó về việc thủ tiêu hệ thống cung cấp điện thống nhất toàn quốc đã được đưa ra vào những năm 1994 - 1995 khi các chuyên gia Mỹ đến nước Nga để áp dụng cơ chế thị trường vào ngành điện. Tuy nhiên, trong tiến trình phối hợp thảo luận, các chuyên gia Nga đã chứng minh được là ngành điện của Nga kinh tế và tin cậy hơn so với Mỹ, vì vậy không cần thiết phải theo các khuyến nghị của họ.

Sau đó Mỹ, thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã yêu cầu Nga thực hiện các bước cụ thể về cải tổ thị trường ngành điện, đưa ra các điều kiện cho việc cấp các khoản tín dụng tiếp theo để duy trì cải cách dân chủ ở Nga.

Kết quả là năm 1997, trong cơ cấu quản lý của LCL "HNT Nga", những chuyên gia kinh tế năng lượng không đồng ý với mô hình cải cách tổ hợp ngành điện đã bị thay thế bằng các chuyên gia kinh tế "chuyên môn tổng hợp", những chuyên gia này theo các điều kiện tín dụng đã nhận được (thực ra không phải của ngành điện) đã tích cực bắt tay vào việc áp dụng những nguyên tắc thị trường do Mỹ khuyến nghị về quản lý kinh doanh trong ngành điện.

Những cải cách được đi kèm theo việc tích cực ban hành các văn bản luật. Cụ thể là chỉ trong giai đoạn 1992 - 1998 trong lĩnh vực ngành điện đã ra tới 15 chỉ thị của tổng thống, 8 đạo luật liên bang và trên 60 nghị định của chính phủ Liên bang Nga. Đỉnh cao của việc ban hành pháp luật là vào tháng 5/2001, Hội đồng nhà nước đã thông qua "Khái niệm thống nhất về cải cách ngành điện của Nga", theo đó phần lớn đã duy trì cơ cấu công nghệ HNT của Nga. Tuy nhiên do không có sự nhất quán của các nghị quyết từ Đuma, Hội đồng Liên bang và đặc biệt là của chính phủ, nên chính phủ lại bị tác động ảnh hưởng hoàn toàn của Hội đồng quản trị mới LCL "HNT Liên bang Nga", năm 2003 đã thông qua những đạo luật và những nghị quyết của chính phủ, thực tế những đạo luật và nghị quyết đó đã cho phép phá tan hệ thống năng lượng thống nhất của nước Nga, một hệ thống tốt nhất trên thế giới về độ tin cậy và tính kinh tế. 

 

Hình 1. Cơ cấu quản lý tổ hợp ngành điện của Nga sau cổ phần hóa

Ghi chú:

- Liên hiệpcổ phần hệ thống năng lượng (LCHN.)

- Liên Hiệp cổ phần Liên bang “Hệ thống năng lượng thống nhất của Nga” (LCL ”HNT”).

- Cục điều độ Trung ương (CĐT).

- Các Liên hiệp cổ phần nhà máy điện thuộc Liên bang (LCNL).

- Các Liên hiệp cổ phần nhà máy điện - các chi nhánh của LCL “HNT” (LCN - chi nhánh của LCL ”HNT”

Khi lựa chọn phương hướng phát triển ngành điện thì điều quan trọng là phải đánh giá đúng vị trí của ngành này trong sự hoạt động của nền kinh tế quốc dân của nước Nga. Hiện nay đang thực hiện quan điểm của Bộ Phát triển kinh tế và thương mại (BPKT) và cả của Hội đồng quản trị của LCL "HNT Liên bang Nga", coi ngành điện của Nga như một cơ cấu kinh doanh với sự hình thành các biểu giá cạnh tranh trên cơ sở cân đối cung cầu như loại hàng hóa thông thường. Còn Nhà nước ở giai đoạn đầu bị đưa ra khỏi vai trò người hạn định các biểu giá.

Quan điểm đó là sai lầm về chiến lược bởi vì không tính đến vai trò then chốt của ngành điện trong hệ thống bảo đảm đời sống của đất nước và điều đặc biệt quan trọng là vi phạm công nghệ sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng. Đặc thù của tổ hợp ngành điện nước Nga là ở chỗ các nguồn điện và các hệ thống thông tin liên lạc phân bố trên lãnh thổ đất nước rộng lớn, điều này khiến cho ngành điện mang tính độc quyền tự nhiên kiểu cổ điển, trong đó Nhà nước có lợi nhất khi có một chủ thể khống chế hoạt động kinh doanh hơn là một nhóm các đối thủ cạnh tranh mà tổng chi phí rất đáng kể cho họ cuối cùng người tiêu thụ phải trả. Ngoài ra, với sự phân bố hợp lý đã hình thành theo các vùng đối với các nguồn điện và các hộ tiêu thụ thì sự cạnh tranh có thể có sẽ được khoanh lại trong vùng cụ thể, chừng nào khối lượng điện năng truyền tải bị hạn chế bởi các đường dây liên lạc giữa các vùng, và thông thường không vượt quá 10%. Trong trường hợp đó, cần đặc biệt lưu ý là trong mỗi vùng sự hoạt động của các nguồn điện bắt buộc phải tối ưu hóa về công nghệ để giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu cho sản xuất điện năng. Việc tối ưu hóa đó mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất so với bất kỳ điều kiện cạnh tranh nào.

Khẳng định rằng với việc hình thành giá cạnh tranh, các nhà sản xuất điện năng sẽ giảm giá điện nhờ giảm bớt chi phí sản xuất (giảm nhân lực, sử dụng vật liệu rẻ tiền hơn, giảm chi phí dịch vụ sửa chữa bằng cách tăng thời gian giữa hai lần đại tu) tức là không hiểu biết công nghệ trong ngành điện, bởi vì tất cả những chi phí đó được xác định bởi các định mức công nghệ, mà những định mức này dựa trên kinh nghiệm nhiều năm vận hành thành công. Cắt giảm chi phí đề xuất như trên sẽ dẫn tới giảm độ tin cậy vận hành, còn các tổn thất từ những lần cắt sự cố cao gấp hàng chục lần khoản tiết kiệm từ việc cắt giảm các chi phí về công nghệ.

Tình hình nguồn điện ở nga

Hình 2. Cơ cấu sở hữu các nhà máy thuỷ điện (a) và  nhiệt điện (b) của Nga năm 1999.

1 GW = 1 triệu kW = 1.000 MW

 Nguồn điện của Tổ hợp ngành điện Liên bang Nga là các nhà máy thủy điện, nhiệt điện và điện nguyên tử. Đến năm 2001, ở Nga đã có 65 nhà máy thủy điện (NMTĐ) công suất từ 30 MW trở lên bao gồm 399 máy phát thuỷ điện với tổng công suất 42,8 GW. Theo cơ cấu sở hữu, các NMTĐ này (hình 2a) được chia ra thành các LC NMĐ của LCL "HNT của Nga" (18,5 GW), các NMĐ của các LCHN con thuộc LCL "HNT của Nga" (15,2 GW), các NMTĐ của các LCHN độc lập (10,2 GW) và các NMĐ kiểu sơ đồ khối thuộc các tổng cục khác (0,3 GW).

Phần lớn các NMTĐ của Nga đã được xây dựng 30 - 40 năm trước và đến nay ở mức độ đáng kể đã bị hao mòn và tốc độ lão hóa của những NMTĐ còn lại vượt quá 1,4 GW/năm. Với chỉ tiêu đó, độ suy giảm của nguồn dự trữ từ năm 1998 đến 2005 đã tăng từ 11,4 tới 22,2 GW, nguồn dự trữ còn lại của các NMTĐ là 22,4 GW. Thực tế do kéo dài thời hạn vận hành của tổ máy thủy điện, việc thay thế những cụm chi tiết chủ yếu nhờ nguồn khấu hao nên công suất đặt của các NMTĐ đã giảm đi 17%, từ 44,1 GW xuống còn 36,3 GW. Điều đó đã làm giảm tỷ lệ của các NMTĐ trong cân bằng công suất chung từ 18,6% xuống 16,5%, tức là nằm ở giới hạn vận hành ổn định của tổ hợp năng lượng nước Nga (15 - 16%). Cần lưu ý rằng trong giai đoạn 1998 – 2005, chỉ đưa vào thêm nguồn thủy điện mới là 1,41 GW nên không bù được mức suy giảm của các NMTĐ thuộc Liên bang (0,6 GW/năm).

Ở Nga hiện nay có 49 NMNĐ công suất 1.000 MW trở lên, bao gồm 234 tổ máy với tổng công suất 65 GW, và kể cả các trung tâm nhiệt điện không phải sơ đồ khối và các NMNĐ kiểu sơ đồ khối với tổng công suất 65,4 GW. Tổng công suất của các NMNĐ của Nga năm 2000 là gần 140 GW.

Nhà máy thủy điện Krasnoyarsk (Nga)

Theo cơ cấu sở hữu, các NMNĐ đó (hình 2b) được phân chia thành các LC NMĐ nằm trong sự quản lý của LCL "HNT của Nga" (26,7 GW), các LC NMĐ Liên bang chuyển giao cho các LCHN vùng thuê (12,1 GW), các NMĐ của các LCHN con của LCL "HNT của Nga" (82,6 GW), các NMNĐ của các LCHN độc lập (9,7 GW) và các NMĐ kiểu khối thuộc các tổng cục khác (7,8 GW).

Phần lớn các NMNĐ của Nga đã được xây dựng 20 - 40 năm trước đây và đến nay phần lớn tuổi thọ đã gần hết. Tốc độ lão hóa của tất cả các NMNĐ còn lại do chế độ khai thác căng thẳng đang đạt tới 4 GW/năm. Với tốc độ đó, mức suy giảm của cả loạt NMNĐ từ 1998 đến 2005 tăng từ 27,5 lên 55,4 GW, mức dự trữ còn lại (khả dụng) là 92,1 GW. Thực tế do kéo dài thời hạn vận hành, các NMNĐ với việc thay mới các cụm chi tiết chính, đổi mới và đưa vào vận hành các tổ máy nhiệt điện, tổng công suất đặt của các NMNĐ đã giảm mất 1,2 GW. Cần lưu ý rằng ngay trong thời kỳ ổn định kinh tế 2000 - 2005 thì công suất của các nguồn nhiệt điện đã hết sinh hạn phải tháo dỡ luôn luôn vượt công suất các nguồn mới được đưa vào vận hành.

Hiện nay ở Nga đang có 10 nhà máy điện nguyên tử (NMĐNT) hoạt động với 30 tổ máy công suất mỗi tổ từ 0,44 đến 1 GW và tổng công suất 23,2 GW. Phần lớn các NMĐNT đã được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1970 đến 1990 và được bố trí chủ yếu ở phần châu Âu của Nga. Giai đoạn 1990 đến 2000 được đặc trưng bởi sự đình đốn của ngành năng lượng hạt nhân của Nga, một phần là do triệu chứng Tchernobil, mặt khác lại do bước quá độ chuyển sang các mối quan hệ thị trường khi Nhà nước thực tế đã khước từ việc cấp ngân sách cho ngành nguyên tử. Đã ngừng hẳn công trình xây dựng các tổ máy mới của các NMĐNT trên các mặt bằng đã chuẩn bị sẵn cho khối lượng 38 GW, trong số đó 18 GW đã có khối lượng thi công đáng kể (từ 20 đến 70%).

Đến năm 2005, đã có 6 tổ máy của các NMĐNT kết thúc tuổi thọ tính toán với khối lượng 3,8 GW (thời hạn vận hành chúng sau khi tiến hành những công tác sửa chữa cần thiết và hiện đại hóa đã kéo dài thêm 15 năm), và tốc độ lão hóa trung bình của chúng là 0,76 GW/năm. Theo các chương trình đầu tư được chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2001 – 2005, ngành điện hạt nhân đã trù định kéo dài tuổi thọ của 9 tổ máy với tổng công suất 4,9 GW, và tháng 12/2004 đã đưa vào vận hành tổ máy thứ ba của NMĐNT Kalininskaia công suất 1 GW.

Những số liệu trình bày ở trên cho thấy chính sách biểu giá do Bộ Phát triển kinh tế và thương mại tiến hành thực tế đang hạn chế sự phát triển của ngành điện, còn trong ngành năng lượng hạt nhân, các khoản tiền được cấp phát chủ yếu chỉ để đảm bảo duy trì vận hành các tổ máy cũ thuộc thế hệ thứ nhất và thứ hai của các NMĐNT. Như vậy, những luận điểm then chốt về Chiến lược năng lượng của Nga được chính phủ phê duyệt đã bị bỏ qua và bị vi phạm một cách thô bạo. Những luận điểm đó, ngay trong kịch bản thấp về phát triển kinh tế Nga, thì năm 2020 cũng phải đưa vào vận hành thêm 19 GW công suất mới.

Theo QLNĐ số 3/2008