Tin thế giới

Thiếu điện - Vấn đề nan giải đối với Đông Nam Âu

Thứ sáu, 6/6/2008 | 08:34 GMT+7

Đông Nam Âu và Hungari từng có ngành điện lực lớn phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp nặng, song đã bị suy thoái từ sau năm 1989. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế gia tăng kể từ năm 2000 đã thúc đẩy nhu cầu tăng cao hơn nữa. Các nhà kinh tế dự đoán tiêu thụ điện hàng năm ở khu vực này tăng 3% nhằm đảm bảo cho sự phát triển kinh tế khu vực hiện đạt mức 5-6%.

Hệ thống năng lượng quá tải của khu vực này đang gây nên những vấn đề rộng lớn cho các nước khu vực. Các công ty Hungari phàn nàn về giá điện cao, trong khi thường xuyên xảy ra tình trạng mất điện tại Anbani -quốc gia nghèo nhất khu vực này- và nước mới tuyên bố độc lập Côxôvô. Istvan Goczi, Tổng giám đốc công ty phân phối điện Emfesz, thừa nhận Hungari đang bị thiếu năng lượng nghiêm trọng do một loạt các nhà máy điện cũ có công xuất thấp. Maceđônia cũng thỉnh thoảng bị mất điện.

Vuk Hamovic, Chủ tịch EFT, công ty kinh doanh điện lớn nhất ở các nước thuộc Nam Tư cũ, thừa nhận: "Chúng tôi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện khu vực ngày càng trầm trọng". Một nghiên cứu mới công bố gần đây của công ty tư vấn quản lý KPMG kết luận rằng cần có  "những dự án đầu tư lớn" vào truyền phát điện cũng như phân phối và tiết kiệm điện.

Theo Hiệp ước Cộng đồng Năng lượng châu Âu, được ký năm 2005 giữa EU và các quốc gia Đông Nam Âu, các nước được khuyến khích cung cấp điện cho nhau trong những thời điểm cần thiết, trong đó Rumani và Bungari được xem là những nhà xuất khẩu chủ yếu. Tuy nhiên, trên thực tế, các tranh cãi pháp lý và thiếu sự kết nối xuyên biên giới, một phần do di sản chiến tranh ở các nước thuộc Nam Tư cũ, có nghĩa rằng kinh doanh điện quốc tế không giải quyết được tình trạng thiếu điện ở các địa phương.

Chính phủ các nước này đang nỗ lực cải tổ công nghiệp điện để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, các dự án lớn hơn vẫn nằm trong kế hoạch. Tại Rumani, một tổ hợp gồm các công ty điện hạt nhân Nhà nước và nước ngoài đã được thành lập năm nay để xây dựng thêm hai nhà máy điện hạt nhân với công xuất 750MW tại Cernavoda. Ở Bungari, chính phủ nước này cũng đưa kế hoạch liên doanh với Nga xây dựng một nhà máy điện hạt nhân với vốn đầu tư 4 tỷ euro tại Belene, gần biên giới Rumani.

WB ước tính rằng tổng đầu tư mới vào khu vực này, không kể Hungari, có thể là khoảng 9,5 tỷ euro, cộng với 5,8 tỷ euro cho chi phí sửa chữa các nhà máy hiện nay. Tuy nhiên, khó khăn là những dự án đầu tư lớn này chưa thể đưa vào hoạt động trước năm 2011. Ông Hamovic thuộc EFT khẳng định: "Tình trạng thiếu điện sẽ chưa giảm nhẹ cho đến năm 2013". Theo ông, dựa vào mức sản xuất và tiêu thụ được dự đoán trong 5 năm tới, khu vực này sẽ vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu điện và giá điện sẽ gia tăng./.

Mai Phương