Tin thế giới

Cách Trung Quốc giải quyết tình trạng dư thừa công suất

Thứ năm, 11/7/2024 | 08:48 GMT+7
Tình trạng dư thừa công suất năng lượng mới của Trung Quốc, hiện tượng mà các nước phương Tây rất quan tâm, có thể được giải quyết nhờ chính thị trường khổng lồ của nước này.

Tình trạng dư thừa công suất sản xuất năng lượng mới của Trung Quốc khiến các nước phương Tây lo lắng. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ South China Morning Post số ra mới đây, Giáo sư Zhao Zhongxiu, Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Kinh tế quốc tế ở Bắc Kinh, cho biết mặc dù sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương đã kích thích sự tăng trưởng bùng nổ của ngành năng lượng mới, nhưng Trung Quốc nên hạn chế sự can thiệp sâu hơn của chính phủ và để thị trường tự thực hiện công việc của mình trong việc loại bỏ công suất dư thừa năng lượng mới.

Trong bối cảnh phương Tây ngày càng phàn nàn về tình trạng dư thừa công suất năng lượng mới của Trung Quốc, ông Zhao nhận định Trung Quốc nên khai thác triệt để nhu cầu năng lượng tái tạo trong nước bằng cách giải quyết các điểm nghẽn trong tiêu dùng.

Trả lời phỏng vấn South China Morning Post vào tuần trước, ông Zhao, người cũng là chuyên gia về thương mại quốc tế và chuỗi giá trị toàn cầu, đánh giá: “Nếu so sánh năng lực sản xuất trong nước hiện tại và nhu cầu định hướng của thị trường, thực tế Trung Quốc không hề dư thừa công suất năng lượng mới”. 

Ông cho biết, tình trạng sản xuất quá mức trong lĩnh vực này ở Trung Quốc là kết quả của chuỗi cung ứng “hoàn chỉnh và cạnh tranh”, thúc đẩy những tiến bộ trong công nghệ. Ông Zhao nhấn mạnh: “Không lâu sau khi hàng hóa thế hệ trước được đưa vào sản xuất, thế hệ công nghệ mới đã ra đời và thay thế thế hệ cũ, buộc chúng phải rút khỏi thị trường. Điều này lại dẫn đến năng lực sản xuất dư thừa hoặc thậm chí lãng phí”.

Đối với lĩnh vực năng lượng xanh của Trung Quốc, ông Zhao thừa nhận sự lãnh đạo và quản lý địa phương đã thúc đẩy cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, theo ông không phải tất cả các tỉnh và thành phố đều có may mắn như nhau và thất bại sẽ đồng nghĩa với sự lãng phí rất lớn về vốn và tài nguyên, và một số nơi cuối cùng sẽ trở thành một phần của vòng đời công nghiệp.

Nhận định về việc lĩnh vực xanh của Trung Quốc phát triển nhanh chóng, đụng chạm đến năng lực cạnh tranh của Mỹ và Liên minh châu Âu (cả hai đều đã áp đặt thuế quan đối với năng lượng mới nhập khẩu từ Trung Quốc với lý do trợ cấp “không công bằng” từ chính phủ), ông Zhao cho rằng các công ty của Trung Quốc nên khám phá những cơ hội to lớn hiện diện ở các thị trường mới nổi, bao gồm cả việc đầu tư vào sản xuất địa phương.

Trong khi đó, ông nói thêm, tiềm năng tiêu dùng nội địa khổng lồ của Trung Quốc đối với các “sản phẩm xanh” (từ xe điện đến tấm pin Mặt Trời) vẫn còn rất nhiều dư địa.

Ví dụ, một trong những rào cản lớn nhất đối với việc tích hợp và tiêu thụ năng lượng gió và Mặt Trời - những nguồn năng lượng có thể không thể đoán trước ngay cả trong thời gian bình thường, là thiếu cơ sở hạ tầng như cơ sở lưu trữ và lưới điện bổ sung.

Mặc dù tình trạng phân mảnh thương mại ngày càng tồi tệ, Trung Quốc nên cam kết mở cửa thị trường bằng cách cho phép các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước trên một "sân chơi bình đẳng".

Link gốc

 

Theo: BNews