Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) - đơn vị đầu tiên của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia tiến hành thử nghiệm mô hình này.
Xác định việc xây dựng các trạm biến áp không người trực là yêu cầu cần thiết phải thực hiện trong quá trình hiện đại hóa, tăng cường khả năng truyền tải và độ an toàn, tin cậy cho hệ thống điện Quốc gia, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã lựa chọn Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) - đơn vị quản lý, vận hành hệ thống lưới điện đi qua 19 tỉnh, thành phố phía Nam là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế và nhu cầu điện năng cao nhất nước (đặc biệt là TP. HCM, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương là trung tâm phụ tải của đất nước) để tiến hành thử nghiệm Trung tâm điều khiển xa.
Thực hiện nhiệm vụ này, Công ty Truyền tải điện 4 đã tiến hành đầu tư, cải tạo nâng cấp và mở rộng trạm biến áp 220 kV Thủ Đức theo hướng điều khiển xa, thực hiện việc giám sát, điều khiển trên lưới điện truyền tải tại các Trạm biến áp 220kV Bến Tre và Mỹ Phước. Hệ thống Trung tâm giám sát, điều khiển xa này hoàn thành và đưa vào vận hành từ ngày 15/11/2014, làm tiền đề cho việc triển khai đưa vào vận hành các trạm biến áp không người trực. Có thể nói, đây là công trình đầu tiên của ngành Điện áp dụng công nghệ điều khiển tích hợp hoàn toàn, tạo bước ngoặt quan trọng trong việc chuyển đổi sang tự động hoá cao.
Đưa 100% TBA 220kV vào vận hành không người trực vào năm 2020
Theo đề án “Trạm biến áp 220kV vận hành theo tiêu chí trạm biến áp không người trực đến năm 2020”, PTC 4 sẽ triển khai ứng dụng 4 trung tâm điều khiển xa. Trạm 500kV Tân Định (đặt tại phường Phú Tân, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thuộc Truyền tải điện miền Đông 2 được xây dựng là một trạm mẫu về mặt vận hành Trung tâm điều khiển xa của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia. Trung tâm này được thi công từ cuối năm 2016, đến cuối tháng 5/2017 hoàn thành, kết nối dữ liệu và đã thực hiện thao tác điều khiển thực tế, sẵn sàng cho việc giám sát vận hành các TBA 220kV trong khu vực khi chuyển sang chế độ không người trực. “Trong dự án Trung tâm điều khiển xa đặt tại Tân Định thì có đưa vào vận hành thao tác xa đối với 4 TBA 220 kV là Mỹ Phước, Thuận An, Uyên Hưng và Trảng Bàng với mục đích để nâng cao năng suất lao động trong Tổng công ty, giảm định biên lao động tại các TBA 220kV. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong mô hình giám sát và điều khiển xa tại các Trung tâm” - ông Nguyễn Tuấn Hải, Trạm trưởng TBA 500kV Tân Định cho biết.
Hiện nay Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) đang quản lý vận hành 48 trạm biến áp 500/220kV (trong đó có 39 trạm biến áp 220KV và 09 trạm biến áp 500kV) với tổng dung lượng là 32.415 MVA, tổng chiều dài đường dây quản lý vận hành 6.631,04 km. Năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, PTC4 đã đưa được 09 trạm biến áp 220kV vào vận hành không người trực và đang tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan triển khai hoàn thành kế hoạch đưa 12 trạm biến áp vận hành không người trực trong năm 2018, phấn đầu đưa 100% trạm biến áp 220kV vào vận hành không người trực vào năm 2020. Ông Nguyễn Văn Hóa – Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 cho biết, trong các năm 2019 - 2020, PTC4 sẽ hoàn thành kế hoạch đưa 100% các trạm biến áp 220 kV vào vận hành điều khiển xa và không người trực, vượt kế hoạch do EVN giao cho PTC4 là 80% trạm biến áp 220kV vận hành không người trực. Đối với các trạm biến áp đầu tư xây dựng mới trong giai đoạn này cũng sẽ được đưa vào vận hành điều khiển xa và không người trực ngay khi đóng điện nghiệm thu.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hóa, PTC4 luôn đề cao và thực hiện việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý, sản xuất, là đơn vị đầu tiên trong nước thử nghiệm trạm điều khiển tích hợp bằng máy tính dẫn đến việc áp dụng đại trà như hiện nay. Đặc biệt, năm 2017 với chủ đề năm “Đẩy mạnh khoa học công nghệ”, Công ty đã tập trung nghiên cứu và ứng dụng các máy móc thí nghiệm, thiết bị đo công nghệ như thiết bị thí nghiệm hàm lượng khí hòa tan & khí cháy trong dầu tại phòng thí nghiệm hoặc trực tuyến (online) giúp chẩn đoán chính xác tình trạng máy biến áp để có biện pháp ngăn ngừa xử lý tránh sự cố MBA. Cũng trong năm này, Công ty đã tự thiết lập và ứng dụng IRIG-B đồng bộ thời gian, ứng dụng Flycam trong quản lý vận hành, ứng dụng dây tổn thất thấp Low Loss, ứng dụng trung tâm điều khiển xa, thử nghiệm sơn phủ cách điện thiết bị 500kV, ứng dụng thiết bị định vị điểm sự cố…
Để đáp ứng được xu thế đang diễn ra trên thế giới là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), vào tháng 4/2018, PTC4 đã tổ chức hội thảo với trường Đại học Bách khoa TPHCM và một số đơn vị đối tác, nhằm đưa ra nhận định và phương hướng thực hiện trong thời gian sắp tới. Theo kế hoạch, Công ty sẽ tập trung thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ có tính đặc thù đối với đơn vị và tận dụng các công nghệ đã có, như: Chương trình quản lý công văn E-offíce phiên bản trên 3.0, sử dụng báo cáo điện tử và chữ ký điện tử; các chương trình quản lý dự án, quản lý vật tư, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý kỹ thuật… kết hợp với các công nghệ đã có như định vị sự cố, giám sát dầu online, ứng dụng IRIG-B đồng bộ thời gian, ứng dụng Flycam trong quản lý vận hành; tăng cường ứng dụng cảm biến sensor như cảm biến sét, cảm biến nhiệt độ; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo như phân tích khí dầu online để đánh giá tình trạng máy biến áp; tăng cường kết nối vạn vật IoT. Hiện Công ty truyền tải điện 4 đang được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia giao nhiệm vụ thực hiện dự án “công nghệ GIS” để tổng hơp tất cả các thông tin quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật, quản lý nhân sự, quản lý hành chính.
Nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành hệ thống lưới điện hiện đại, được ứng dụng công nghệ cao, PTC4 xác định phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhận lực. “Hiện nay PTC4 có 1820 lao động, trong đó có 01 tiến sỹ, 43 thạc sỹ, 812 kỹ sư/cử nhân. Với lực lượng CBCNV như vậy tôi nghĩ rằng có thể đáp ứng được khối lượng công việc để đáp ứng công nghệ trong thới gian tới. Vấn đề ở đây là việc đào tạo những CBCNV này thêm các kỹ năng để phù hợp với từng lĩnh vực, công việc đảm trách. Chính vì vậy, Công ty luôn chú trọng công tác đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, tự đào tạo và hợp tác đào tạo với các trường đại học, các tổ chức, doanh nghiệp, không ngừng cập nhật và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong vận hành, thí nghiệm chuẩn đoán, bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện trên thế giới. Công ty cũng đẩy mạnh hướng đào tạo chuyên sâu các chuyên gia kỹ thuật, làm chủ công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu vận hành lưới điện an toàn, tin cậy, kinh tế trong điều kiện lưới điện ngày càng được đầu tư mở rộng quy mô và hiện đại, tự động hóa cao. Công ty đang có chương trình liên kết với trường ĐH Bách khoa TPHCM và một số đơn vị có chuyên nghành phù hợp để cùng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, giúp Công ty phát triển bền vững trong thời gian sắp tới” - ông Nguyễn Văn Hóa cho biết.
Giảm tổn thất điện năng tương đương các nước phát triển
Giảm tổn thất điện năng là một trong những thước đo hiệu quả thực tế của công tác quản ly, vận hành lưới điện. Theo dự kiến đến năm 2020, lưới điện PTC4 quản lý, vận hành sẽ tăng 35% khối lượng quản lý, vận hành với khoảng 8694km đường dây và 65 trạm biến áp, tổng dung lượng MBA 46.745 MVA, trong đó có 2.756,7 km đường dây 500kV và 16 trạm biến áp 500kV. Lưới điện ngày càng mở rộng, sản lượng điện ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ tổn thất điện năng ngày càng giảm. Tỷ lệ điện tổn thất từ 2015 đến 2017 đều thấp hơn chỉ tiêu EVNNPT giao, năm sau giảm hơn năm trước. Sản lượng điện truyền tải 05 tháng đầu năm 2018 là 36,257 tỉ kWh, tăng 10,49% so với cùng kỳ năm 2017, tổn thất chung 5 tháng đầu năm 2018 là 1,04%, thấp hơn cùng kỳ năm 2017 là 0,04%. Mức tổn thất điện năng này xấp xỉ các nước phát triển trên thế giới.
Vào tháng 12/2017, Công ty truyền tải điện 4 (PTC4) được công nhận đạt chứng chỉ ISO 9001:2015. Danh mục các thủ tục công việc thực hiện ISO 9001: 2015 của PTC4 gồm 47 thủ tục ở tất cả các mặt hoạt động như: thủ tục xem xét của lãnh đạo, quản lý chất lượng, quản lý rủi ro, quản lý sự không phù hợp, quản lý kế hoạch, thủ tục đánh giá nội bộ, quản lý hành chính, quản lý kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, quản lý dự án, quản lý thiết bị, quản lý sữa chữa, bảo dưỡng, quản lý đấu thầu, xét thầu, quản lý lưu trữ, chuẩn bị sản xuất, khiếu nại, tố cáo… Kể từ khi đưa hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 vào hoạt động đến nay, PTC4 đã đạt được nhiều kết quả như: giải quyết công việc đạt hiệu quả tốt và đúng hạn, kiểm soát tốt kế hoạch, tiến độ, chất lượng các công tác cũng như chất lượng công tác bảo dưỡng, sữa chữa thiết bị, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy hơn, qua đó năng suất lao động được tăng cao.