Tư vấn sử dụng điện

Cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả

Thứ sáu, 18/6/2021 | 09:22 GMT+7
Buổi tọa đàm "Cách tính hóa đơn tiền điện và sử dụng điện an toàn, tiết kiệm" do báo VnExpress tổ chức ngày 16/6/2021.

Ông Võ Quang Lâm (phải) và ông Lê Văn Trang (trái) trong buổi tọa đàm.
 
Chương trình có sự tham gia của Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Hồi - Giảng viên cao cấp Bộ môn Kinh tế năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội; ông Trần Tuệ Quang - Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương; ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và ông Lê Văn Trang - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc.
 
PV: Thưa các chuyên gia, nhiều độc giả có chung thắc mắc là tại sao vẫn thiết bị điện ấy, vẫn thời gian sử dụng như vậy; nhưng vào mùa nắng nóng, lượng điện năng tiêu thụ và tiền điện lại tăng cao hơn hẳn. Tình trạng này đến từ những nguyên nhân nào? 
 
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN: Thực tế cho thấy, điện năng tiêu thụ phụ thuộc chủ yếu thời gian, đặc tính thiết bị và thói quen sử dụng điện của người tiêu dùng. Ngoài ra, các thiết bị điện sử dụng lâu ngày nếu không được bảo dưỡng, sữa chưa định kỳ, sử dụng không đúng cách sẽ gây tiêu tốn điện năng hơn so với bình thường.
 
Ngoài ra, còn tác động từ môi trường bên ngoài làm giảm hiệu quả năng lượng của thiết bị. Tôi lấy dẫn chứng cụ thể là việc sử dụng điều hoà để làm mát trong mùa nắng nóng:
 
Thời tiết càng nắng nóng thì hiệu quả năng lượng của máy càng giảm, thực tế cho thấy nhiệt độ ngoài trời cứ tăng 1 độ C thì điện năng tiêu thụ của điều hoàn tăng thêm 2-3%;
 
Chênh lệch nhiệt độ trong phòng và ngoài trời càng lớn, điều hoà càng tiêu tốn điện năng, chúng ta cứ hạ thấp nhiệt độ phòng xuống 1 độ C, tiêu thụ điện của điều hoà sẽ tăng từ 1,5-3%;
 
Ngoài ra, những thói quen của người sử dụng của điều hoà cũng làm tiêu tốn điện hơn như: Chỉ tắt điều hoà bằng điều khiển từ xa, không ngắt aptomat, cài đặt điều hoà quá thấp.
 
Để tránh tình trạng tiền điện tăng cao trong mùa nắng nóng, khách hàng nên tìm hiểu, sử dụng thiết bị đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, lưạ chọn các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng và đặc biệt là tìm nên sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
 
PV: Bác Nông Văn Trường ở Cao Bằng có hỏi, trong các thiết bị gia dụng, đâu là những thiết bị tốn nhiều điện năng nhất? 
 
PGS. Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi: Trong gia đình thì điều hoà là thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng nhất, điện năng tiêu thụ của điều hoàn có thể chiếm từ 30-60% điện tiêu thụ của gia đình, thậm chí một số gia đình sử dụng điều hoà liên tục trong nhiều giờ có thể lên đến hơn 70%.
 
Để chứng minh điều đó, chúng ta có thể lập bảng tính chi tiết để nhìn thấy điện năng tiêu thụ của các thiết bị điện trong gia đình 3 người, 1 phòng ngủ, 1 phòng khách, với thiết bị sau: 
 
- Điều hoà: 9.000 BTU, sử đụng 6 tiếng/ngày, điện tiêu thụ: 5,4 kWh. 
 
- Quạt: 2 chiếc, dùng 3 tiếng, điện tiêu thụ: 0,4 kWh
 
- Tủ lạnh: vận hành liên tục, điện tiêu thụ khoảng 2,5 kWh.
 
- Ti vi 40 inch bật liên tục 6 giờ tiêu tốn khoảng 0,5 kWh.
 
- Lò vi song sử dụng khoảng 20 phút tiêu thụ khoảng 0,3 kWh
 
- Bóng đèn: 3 chiếc x0,1 kWx6 giờ= 1,8 kWh
 
- Nồi cơm điện: sử dụng 1,5 giờ, điện tiêu thụ khoảng 0,75 kWh.
 
Với ví dụ nêu trên thì tổng điện năng tiêu thụ 1 ngày 11,65 kWh và điện năng tiêu thụ của điều điều hoà chiếm đến 46% tổng điện năng tiêu thụ của hộ gia đình.
 
PV: Xin cảm ơn các chuyên gia. Như vậy chúng ta đã nắm được nguyên nhân gây tốn điện vào mùa nóng, vậy từ đó, có những cách nào để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả giai đoạn nắng nóng tăng cao? 
 
Ông Lê Văn Trang - Phó Tổng Giám đốc EVNNPC: Như quý vị đã biết, mùa hè là mùa cao điểm sử dụng điện, đặc biệt là đối với sinh hoạt và sản xuất do nhu cầu sử điện cho các thiết bị làm mát tăng, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng cao. Để lựa chọn thiết bị thiết bị có khả năng tiết kiệm điện, vận hành an toán và hiệu quả, tôi này tôi xin đưa một vài khuyến cáo tới người tiêu dùng sử dụng điện.
 
Thứ nhất là về việc lựa chọn thiết bị điện, người tiêu dùng cần tính toán để lựa chọn tính toán, lựa chọn mua thiết bị điện của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất uy tín, có dán nhãn tiết kiệm điện, phù hợp với nhu cầu sử dụng. Các dòng sản phẩm tiết kiệm điện sẽ có chứng chỉ Ngôi sao năng lượng Việt được dán ngay trên sản phẩm hoặc trên sản phẩm sẽ ghi sử dụng công nghệ ion, nano, inverter ( đối với điều hoà)… Mặc dù giá cả các thiết bị này cao hơn so với sản phẩm thông thường, nhưng đêm lại hiệu quả lợi ích kinh tế lâu dài khi sử dụng vì đây là những công nghệ hiện đại, sản phẩm sử dụng công nghệ này ngoài khả năng tiết kiệm điện, máy điều hoà còn chạy êm, ổn định nhiệt, làm lạnh nhanh và sâu.
 
Nhãn tiết kiệm điện dán cho các sản phẩm, thiết bị được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng, đánh mức từ 1 đến 5 sao, càng nhiều sao càng tiết kiệm năng lượng, sản phẩm dán nhãn 5 sao là sản phẩm tiết kiệm năng lượng nhất.
 
Ngoài ra, người tiêu dùng cần đọc kỹ hướng dẫn, các thông số vận hành, lắp đặt và vận hành thiết bị theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng theo đúng quy định.
 
Thứ hai là việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, nên tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên, trước khi lắp đặt thiết bị cần tìm hiểu để lựa chọn mua các thiết bị phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Thay đổi thói quen sử dụng thiết bị điện, đặc biệt đối với các thiết bị có mức tiêu thụ điện lớn như điều hòa và tủ lạnh. Điều hòa nên để nhiệt độ trong khoảng 25-28 độ C, tủ lạnh không nên để quá nhiều thực phẩm, không đóng mở nhiều lần, không để thực phẩm còn nóng vào tủ lạnh. Sử dụng rèm cửa để chắn ánh nắng ban ngày và dùng cửa sổ để đón gió mát vào ban đêm. Khi đêm xuống, nhiệt độ sẽ giảm đáng kể so với nhiệt độ ban ngày, thay vì sử dụng điều hòa suốt đêm, mở cửa sổ trong lúc ngủ sẽ tận dụng đươc luồng khí mát từ gió trời và điều hòa không khí trong nhà.
 
Đối với doanh nghiệp sản xuất, bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm hàng ngày, không nên để các thiết bị điện hoạt động không tải. Đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện như: lắp đặt thêm các máy biến tần cho hệ thống máy nén, điều hòa công nghiệp, quạt gió, mô tơ có công suất lớn trong dây chuyền sản xuất.
 
Ngoài các giải pháp trên, với cơ chế khuyến khích của Chính phủ hiện nay, khách hàng hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất có thể đầu tư lắp đặt thêm điện mặt trời mái nhà để sử dụng luôn nguồn điện mặt trời tại chỗ, tiết kiệm chi phí tiền điện, làm mát nhà xưởng và có thời gian hoàn vốn đầu tư tốt.
 
PV: Khi đã lựa chọn được thiết bị, việc lắp đặt hợp lý cũng góp phần không nhỏ trong việc giảm điện năng tiêu thụ, xin mời các chuyên gia đưa ra các khuyến cáo về lắp đặt cho từng loại thiết bị điện dân dụng? 
 
Ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực: Ngoài việc lựa chọn thiết bị có dán nhãn tiết kiệm điện, có công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng thì việc lắp đặt thiết bị đúng cách cũng rất cần thiết giúp sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu qủa, tôi có thể đưa ra một số khuyến cáo cho khi sử dụng thiết bị điện:
 
Đối với điều hoà: Dàn nóng đặt ngoài trời nên chọn vị trí râm mát, tránh nơi kín gió, không có vật cản trước mặt; dàn lạnh phải tránh nơi ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào, nơi có sự chênh lệch nhiệt độ cao như cửa ra, cửa sổ.
 
Tủ lạnh: không nên lắp đặt tủ lạnh ở những nơi gần bình gas, không khí ẩm thấp nhiều bụi hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước. Nên đặt tủ lạnh cách tường phía sau khoảng 10cm và hai bên là 2cm để đảm bảo không khí đối lưu xung quanh vì tủ lạnh cần tỏa nhiệt.
 
Đối với các thiết bị điện nói chung: Đảm bảo nguồn điện luôn phải đủ công suất và điện áp; Không sử dụng chung ổ cắm với nhiều các thiết bị khác để tránh sự cố quá tải; Không sử dụng ổ điện bị lỏng hoặc để đầu dây điện hướng lên trên dễ gây chập điện, cháy nổ.
 
PV: Vậy trong khi sử dụng, chúng ta cần có những lưu ý gì? Đặc biệt với các thiết bị tốn nhiều năng lượng như điều hòa, máy lạnh, tủ lạnh? 
 
PGS. Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi: Khi sử dụng thiết bị điện, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ thông số, đặc tính kỹ thuật và vận hành thiết bị theo đúng khuyến cáo của nhả xuất. Đồng thời nên tìm hiểu, thay đổi các thói quen để sử dụng thiết bị một cách hiệu quả và điện tiết kiệm, đảm bảo hiệu suất sử dụng năng lượng, vận hành thiết bị an toàn, ổn định. Tôi có thể đưa ra một số khuyến cáo đối với việc sử dụng điều hoà, tủ lạnh:
 
** Đối với điều hoà:
 
- Chỉ nên dùng điều hòa ở mức nhiệt độ từ 25-28 độ C. Thực tế cho thấy cứ đặt thấp hơn 1 độ C là tốn điện tăng 3%; Nên đặt điều hòa ở mức mát vừa đủ, không quá lạnh vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và khiến máy tiêu thụ nhiều điện năng hơn.
 
- Sử dụng điều hòa kết hợp với quạt để đối lưu gió đều trong phòng và cảm thấy mát hơn.
 
- Đảm bảo là phòng điều hòa luôn kín.
 
- Tránh để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào cục nóng điều hòa.
 
- Thường xuyên vệ sinh tấm lưới lọc bụi và nên vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ 3-6 tháng/lần giúp điều hòa có thể làm lạnh nhanh chóng, hoạt động ổn định, bền bỉ và tiết kiệm điện.
 
- Nên tắt điều hoà nếu không sử dụng từ 30 phút trở lên.
 
- Liên hệ với cơ sở dịch vụ điện lạnh để kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu bất thường (máy kêu to, không có hơi lạnh, tự động bật tắt…) để kiểm tra và sửa chữa bảo trì.
 
**Đối với tủ lạnh: 
 
- Hạn chế bật tắt tủ lạnh;
 
- Hạn chế đóng mở tủ nhiều lần trong ngày;
 
- Không để tủ lạnh quá trống không nên để quá nhiều thực phẩm, không để thực phẩm còn nóng vào tủ lạnh.
 
- Nhiệt độ bên trong tủ lạnh nên để ở chế độ từ 3 – 6 độ C. Đối với chế độ đông lạnh thì để ở mức từ âm 15 – âm 18 độ C. 
 
- Chú ý, kiểm tra gioăng cao su, nếu bị hở thì bộ phận nén khí của tủ lạnh sẽ phải làm việc nhiều.
 
PV: Bạn Lê Thị Oanh ở phường Kim Tân - thành phố Lào Cai hỏi: chuyên gia giải thích cho tôi việc tiêu thụ điện của một số đồ gia dụng trong gia đình? Mọi người cứ cho rằng tiền điện tăng cao do máy điều hòa là “thủ phạm” ngốn điện và khiến hóa đơn tăng cao? Tôi thấy công suất của bình nóng lạnh còn cao hơn, mùa đông nhà tôi dùng bình nóng lạnh bật suốt ngày, mùa hè dùng điều hòa chỉ có mấy tiếng buổi tối, nhưng bao giờ tiền điện mùa hè cũng cao hơn mùa đông rất nhiều, đề nghị tư vấn rõ ràng hơn.
 
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN: Thiết bị điện gia dụng phổ biến trong các gia đình hiện đại hiện nay bao gồm: Tủ lạnh, ti vi, nồi cơm điện, lò vi sóng, điều hoà, bình nóng lạnh, quạt, điều chiếu sáng. Trong 1 ngày, mức tiêu thụ phổ biến của các thiết bị điện:
 
- Tủ lạnh hoạt động liên tục, thông thường tiêu tốn khoảng 2-3 kWh;
 
- Nồi cơm điện sử dụng 1,5-2 giờ tiêu tốn khoảng 0,75 kW-1 kWh;
 
- Ti vi 40 inch bật liên tục 15,4 giờ tiêu tốn khoảng 1 kWh.
 
- Lò vi sóng sử dụng khoảng 20 phút tiêu thụ khoảng 0,3 kWh
 
- Bình nóng lạnh sử dụng 30 phút, thông thường tiêu thụ khoảng 1 -2 kWh.
 
-  Với một máy điều hòa nhiệt độ 12000 BTU, dùng khoảng 6 giờ tiêu tốn khoảng 7,2 kWh.
 
Qua ví dụ nêu trên, chung ta thấy nhu cầu sử dụng điện của 1 gia đình thì điều hòa là thiết bị sử dụng thường xuyên, thời gian dài, là thiết bị tiêu tốn điện nhất trong gia đình, chiếm khoảng từ 30-60%.
 
Đối với bình nóng lạnh, mặc dù công suất tiêu thụ lớn nhưng thời gian sử dụng trong ngày không nhiều nên lượng điện tiêu thụ sẽ nhỏ hơn so với điều hoà.
 
PV: Tôi thường được nghe khuyến cáo hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm, lý do là gì và có những cách nào để giúp hạn chế? Đây là câu hỏi của bạn Phạm Văn Dũng ở Thị xã Từ Sơn - Bắc Ninh.
 
Ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực: Vào giờ cao điểm, nhu cầu sử dụng điện nhiều, hệ thống điện phải huy động hết hoặc gần hết công suất để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của phụ tải. Khi đó, Ngành điện lực phải huy động nguồn từ nhiều nhà máy điện, thậm chí huy động cả nguồn điện chạy bằng dầu với mức chi phí cao.
 
Bên cạnh đó, nếu chúng ta sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng cùng lúc vào giờ cao điểm còn có thể làm hỏng các linh kiện bên trong thiết bị đó. Bởi khi dòng điện suy yếu cũng đồng nghĩa điện áp cung cấp không đủ để thiết bị hoạt động.
 
Do đó, hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm không chỉ giúp nguồn điện năng duy trì trạng thái ổn định, nâng cao chất lượng điện, mà còn tăng hiệu suất kinh doanh, sản xuất, bảo đảm sinh hoạt của người dân.
 
Để giải quyết vấn đề này tôi xin đưa một vài khuyến cáo tới người tiêu dùng sử dụng điện:
 
Thứ nhất: Nên tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên, trước khi lắp đặt thiết bị cần tìm hiểu để lựa chọn mua các thiết bị phù hợp với nhu cầu của người sử dụng.
 
Thứ hai: Thay đổi thói quen sử dụng thiết bị điện, đặc biệt đối với các thiết bị có mức tiêu thụ điện lớn như điều hòa và tủ lạnh. 
 
Thứ ba: Vận hành thiết bị điện theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, thường xuyên bào dưỡng định kỳ theo khuyến cáo ủa nhà sản xuất.
 
Thứ tư: Đối với doanh nghiệp sản xuất nên xem xét bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm hàng ngày, không nên để các thiết bị điện hoạt động không tải. Đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm.
 
Ngoài các giải pháp trên, với cơ chế khuyến khích của Chính phủ hiện nay, khách hàng hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất có thể đầu tư lắp đặt thêm điện mặt trời mái nhà để sử dụng luôn nguồn điện mặt trời tại chỗ, tiết kiệm chi phí tiền điện, làm mát nhà xưởng và có thời gian hoàn vốn đầu tư tốt.
 
PV: Người ta cứ nói đủ điện, thừa điện nhưng có vẻ chỉ đúng ở các thành phố lớn, còn nhiều khi ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn vẫn còn nhiều nơi bị mất điện nhiều lần hoặc điện rất yếu. Đây là câu hỏi của bà Lò Thị Nhung ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa.
 
Ông Lê Văn Trang - Phó Tổng Giám đốc EVNNPC: Như đã nêu ở trên Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) quản lý lưới điện lớn nhất trong các Tổng công ty phân phối, với địa hình trải rộng, địa hình phức tạp từ miền núi đến duyên hải, phân bố nguồn/phụ tải không đồng đều, lưới điện tại nhiều khu vực độ dự phòng còn thấp, đang trong quá trình đầu tư, cải tạo nâng cao năng lực cấp điện đặc biệt là sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. 
 
Đối với các khu vực nông thôn, miền núi do bán kính cấp điện dài (các đường dây có chiều dài cấp điện lớn, xa nguồn) dẫn tới tình trạng điện áp thấp vào giờ cao điểm. Ngoài ra chịu nhiều thách thức diễn biến bất thường của thời tiết cực đoan (mưa sét, giông lốc trên diện rộng) dẫn tới nguy cơ sự cố lưới điện cao, gây gián đoạn cấp điện.
 
Thực hiện chỉ đạo của EVN, EVNNPC đã triển khai xây dựng các chương trình đầu tư, cải tạo lưới điện giai đoạn 2021 – 2023; đặc biệt các chương trình đa chia – đa nối, cấy thêm các TBA phân phối, lắp đặt tụ bù... để nâng cao năng lực cấp điện, vận hành ổn định và chất lượng điện năng sẽ ngày càng được cải thiện. 
 
PV: Bạn Trần Văn Toản ở Phủ Lý - Hà Nam cho biết họ đang dự định lắp đặt điện mặt trời mái nhà để vừa có điện sử dụng mà không phải trả tiền cho EVN, lại vừa giúp làm mát nhà, giảm lượng điện tiêu thụ. Xin hỏi khách mời đây có phải là một giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả hay không? Là một chuyên gia về kinh tế năng lượng, PGS. Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi có tư vấn gì về cách tiết kiệm điện toàn diện cho người dân?
 
PGS. Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi: Đúng vậy, đây là giải pháp tiết kiệm và hiệu quả bởi vì khi khách hàng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ làm mát cho ngôi nhà; hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ cung cấp điện cho gia đình hàng ngày, nếu cung cấp không đủ thì mới cần đến nguồn điện lưới. Việc sử dụng điện mặt trời mái nhà sẽ làm giảm điện năng mua của ngành điện do đó giảm điện năng ở bậc thang giá cao vì vậy sẽ giảm được chi phí tiền điện hàng tháng của khách hàng.
 
Quý khách hàng nên lắp đặt điện mặt trời mái nhà hoặc bình nước nóng năng lượng mặt trời, các thiết bị như điều hòa và tủ lạnh và thiết bị tiêu tốn nhiều điện, vì vậy cần sử dụng các thiết bị này hợp lý, đặc biệt là vào mùa hè. Điều hòa nên để nhiệt độ trong khoảng 26-28 độ C, tủ lạnh không nên để quá nhiều thực phẩm, không đóng mở nhiều lần, không để thực phẩm còn nóng vào tủ lạnh.
 
Khi không sử dụng điện, nên tắt tất cả các thiết bị, tận dụng ánh sáng và gió tự nhiên để giảm lượng điện tiêu thụ và luôn quan tâm đến việc kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện thường xuyên.
 
PV: Anh Quang Thành ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ lại có băn khoăn như sau: Tôi và em trai của tôi 2 nhà gần nhau, đều dùng thiết bị điện như nhau mà tiền điện hàng tháng của tôi toàn cao hơn, từ hơn 100 nghìn trở lên. Khách mời có thể giải thích giúp không ạ? 
 
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN: Đây là câu hỏi chúng tôi rất thường gặp từ khách hàng, trên thực tế, 2 gia đình sử dụng điện dùng dù có thiết bị điện giống nhau cả về số lượng, công suất nhưng điện năng tiêu thụ vẫn khác nhau vì điện năng tiêu thụ phụ thuộc rất nhiều vào thời gian sử dụng và thói quen sử dụng điện của người tiêu dùng.
 
Tôi có thể đưa ra ví dụ cụ thể để bạn thấy: Cùng 1 chiếc tủ lạnh giống nhau, nhưng nếu gia đình bạn có nhiều đồ cần bảo quản trong tủ lạnh, số lần mở tủ lấy đồ nhiều lần trong ngày, trong khi đó tủ lạnh gia đình của em bạn tủ chứa ít đồ, ít mở tủ, khi đó tủ lạnh nhà bạn sẽ tiêu thụ điện lớn hơn nhà em bạn. Hoặc bình nóng lạnh nếu gia đình em bạn chỉ bật bình 30 phút trước khi sử dụng và tắt bình trước khi dùng, trong khi gia đình bạn để bình đun suốt ngày, không tắt như vậy bình nóng lạnh của gia đình bạn tiêu thụ điện lớn hơn nhà em bạn.
Vì vậy, để tiền điện phải trả ít nhất, chúng ta nên sử dụng, vận hành thiết bị theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, lựa chọn các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng và áp dụng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả theo khuyến cáo của ngành điện. Để được tư vấn thêm bạn có thể gọi điện đến tổng đài 19006769.
 
PV: Gia đình tôi gồm 8 người: ông bà, vợ chồng tôi, 2 con nhỏ và thêm 2 người em. Một tháng dùng hết gần 3 triệu tiền điện (nếu có dùng điều hòa). Tôi đọc hóa đơn thấy phần tính lũy tiến rất cao. Vậy để tiết kiệm chi phí chúng tôi có nên tách hộ để giảm bớt phần tính lũy tiến tiền điện được không? Đây là câu hỏi của chị Trần Thị Hà ở thành phố Nam Định.
 
Ông Lê Văn Trang - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Đối với ngành Điện, tại 1 địa điểm sử dụng điện hợp pháp sẽ ký kết 1 hợp đồng mua bán điện và lắp đặt một công tơ bán điện. Theo như nội dung trao đổi của chị Hà, tại 1 địa điểm sử dụng điện gia đình chị Hà đang sinh sống gồm 2 gia đình: Gia đình bố mẹ và gia đình chị Hà. Đối với trường hợp này, nếu gia đình chị Hà và bố mẹ có hộ khẩu riêng thì có thể liên hệ với Điện lực sở tại để kiểm tra, áp dụng số hộ dùng chung để tăng định mức số hộ sử dụng điện.
 
Ngoài ra, chị Hà cũng có thể liên hệ qua tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc 1900.6769 để được hướng dẫn, hỗ trợ và tiếp nhận yêu cầu liên quan đến việc sử dụng điện của gia đình.
 
PV: Bác Bùi Thị Pha ở quận Kiến An, thành phố Hải Phòng hỏi: Nhà tôi rất hay bị nhảy aptomat làm cúp điện cả nhà, vậy phải sử dung điện như thế nào để tránh xảy ra trường hợp tương tự. Nhà tôi có 2 máy lạnh, máy nước nóng, đồ gia dụng, 3 tivi, quạt, bình nước nóng lạnh. Về băn khoăn này của bác Pha, ông có tư vấn như nào để gia đình bác sử dụng điện được an toàn? 
 
PGS. Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi: Ở đây bác Bùi Thị Pha không nói rõ là nhảy aptomat tổng của hệ thống điện gia đình hay aptomat được lắp đặt sau công tơ. 
 
Trường hợp thứ nhất, nếu do aptomat tổng của hệ thống điện gia đình thì bác nhờ thợ điện kiểm tra lại hệ thống điện, đặc biệt là các mối nối, tiếp xúc hoặc thay aptomat tổng có dòng điện định mức lớn hơn và phù hợp với tổng công suất sử dụng của các thiết bị điện. 
 
Trường hợp thứ hai, nếu nhảy aptomat ngoài hòm công; đề nghị khách hàng gọi điện đến số tổng đài chăm sóc khách hàng 1900.6769 để được tư vấn, hỗ trợ. Ngành Điện sẽ kiểm tra giúp gia đình dây sau công tơ, đặc biệt là các mối nối, tiếp xúc và thay thế công tơ và aptomat với dòng điện định mức phù hợp với tổng công suất sử dụng của các thiết bị điện gia đình bác.
 
Hiện tượng nhảy Aptomat làm mất điện do các thiết bị trong gia đình sử dụng quá dòng điện định mức của aptomat, đặc biệt trong mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện năng của người dân và toàn xã hội tăng cao. Để hạn chế việc nhảy aptomat, mỗi người dân cần nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm như dùng điều hòa ở mức nhiệt độ hợp lý từ 25 đến 26 độ, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, đặt nhiệt độ bình nước nóng phù hợp… EVN và các đơn vị thành viên có nhiều kênh tuyên truyền điện và cẩm nang hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả, mọi người dân có thể đọc và tham khảo tại các tờ rơi hoặc trên website, các kênh thông tin để nắm bắt. 
 
PV: Chị Đào Thị Phương ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên hỏi: Hiện tại tôi có xây 1 dãy nhà trọ cho công nhân khu công nghiệp thuê. Việc đăng ký định mức hàng năm gây khá nhiều khó khăn, tốn kém vì phải làm danh sách tạm trú. Tôi muốn hỏi nếu tôi lắp công tơ cho từng phòng trọ để người thuê trả tiền điện trực tiếp theo giá của Nhà nước cho ngành điện thì có được không, thủ tục như thế nào? Hiện tại tôi có giấy xác nhận tạm trú của 40 công nhân đang tạm trú.
 
Ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng  Cục điều tiết Điện lực: Trường hợp của chị Đào Thị Phương thì không thể áp dụng việc lắp đặt công tơ để người thuê trọ ký hợp đồng, trả tiền trực tiếp cho ngành điện được. Vì tại 1 địa điểm sử dụng điện hợp pháp chỉ ký 1 hợp đồng và lắp đặt 1 công tơ riêng.
 
Đối với trường hợp của gia đình chị Đào Thị Phương, nếu thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và do số lượng công nhân thuê trọ biến động thường xuyên và gia đình không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ như vậy sẽ không phải đăng ký và kê khai định mức hàng năm.
 
PV: Bạn Hoàng Mạnh Hùng ở Quảng Ninh có hỏi: Mùa mưa bão ở miền Bắc đang đến rất gần, ông có khuyến cáo khách hàng những giải pháp đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão ông Lê Văn Trang - Phó Tổng Giám đốc EVNNPC?
 
Ông Lê Văn Trang - Phó Tổng Giám đốc EVNNPC: Trong các năm qua Tổng công ty Điện lực miền Bắc luôn quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai nói chung, mưa bão nói riêng, coi đây là nhiệm vụ song hành với hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa lưới điện để đảm bảo ổn định cho khách hàng trong mùa mưa bão, Tổng công ty luôn quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn điện cho khách hàng với nhiều giải pháp: (i) Phối hợp với các quan báo chí/truyền thông và chính quyền địa phương tuyên truyền, trao đổi, tọa đàm để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp, kiến thức về an toàn điện cho bà con nhân dân, khách hàng; (ii) Phát những cẩm nang nhận diện các mối nguy hiểm về điện có thể xảy ra khi mưa bão. Đối với mùa mưa bão năm 2021 sắp đến gần, khuyến cáo khách hàng: Nắm bắt những mối nguy hiểm về điện có thể xảy ra khi mưa bão để phòng tránh; Khi mưa bão xảy ra tuyệt đối không đến gần lưới điện, đặc biệt các vị trí bị hư hại không đảm bảo điều kiện an toàn; Thông báo kịp thời cho ngành Điện các vị trí, những nơi có nguy cơ mất an toàn về điện để ngành Điện kịp thời nắm biết, xử lý.
 
PV: Thưa ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN, thời gian gần đây thấy đài, báo đưa tin rất nhiều vụ tai nạn điện thương tâm; đã có nhiều người dân và công nhân ngành điện tử vong do nhiều yếu tố? Ngành điện sẽ làm gì để hạn chế những tai nạn điện trong dân cũng như đảm bảo an toàn cho người công nhân lao động, câu hỏi của bạn Nguyễn Văn Tuyên huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình.
 
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN: Đối với người dân, để xảy ra nhiều vụ tai nạn điện thương tâm đối với người dân xuất hiện ở các tình huống sau: Người dân tự ý chặt cây trong và ngoài hành lang lưới điện, để cây đổ vào đường dây, gây tai nạn; Người dân trèo lên các cột điện, trèo vào các trạm điện bắt chim, tháo dỡ trộm cắt thiết bị, dây điện, câu cá dưới gầm đường dây…Người dân, doanh nghiệp dùng xe cẩu, xe ben… thi công các công trình dưới đường dây, bị phóng điện, gây tai nạn; Người dân cơi nới nhà cửa, mang vác vật liệu xây dựng gần đường dây, bị phóng điện, gây tai nạn; Thả diều bay vào đường dây; Người dân sử dụng điện sinh hoạt (trong nhà) không đúng cách, bị điện giật; Kéo dây ra ruộng, ao… để bơm nước, đánh bắt cá, nối vào hàng rào làm điện bảo vệ… không đảm bảo an toàn, bị điện giật.
 
EVN và các đơn vị thuộc EVN đã có rất nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn điện trong dân. Cụ thể, hằng năm các đơn vị trong EVN đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền an toàn điện trong dân, bảo vệ hành lang lưới điện. Theo đó, các hình thức cơ bản sẽ được áp dụng là: Phát tờ rơi, cẩm nang an toàn điện đến bà con khối phố, làng xóm thông qua chính quyền xã học tại các điểm thu tiền điện; Lập danh sách thống kê các điểm nguy hiểm trên lưới điện, thông báo với chính quyền các xã để cảnh báo bà con về các điểm nguy hiểm đó; Phối hợp với truyền thông địa phương tổ chức tuyên truyền tập trung (tại các trường học, khu công nghiệp…) hoặc tuyên truyền trên Tivi, đài phát thanh về an toàn điện trong dân, bảo vệ hành lang lưới điện; Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm hành lang lưới điện, gây mất an toàn điện. Có kế hoạch khắc phục các điểm nguy hiểm trên lưới điện;
 
Đối với Người lao động trong EVN, các nguyên nhân để xảy ra tai nạn lao động về điện đối với người lao động thuộc EVN: Lỗi chủ quan của người lao động (chiếm 70%): Không tuân thủ quy trình, quy định về an toàn điện trong việc thiết lập vùng làm việc an toàn, cắt điện, làm nối đất, đặt rào chắn, treo biển báo…Lỗi chủ quan của người sử dụng lao động (chiếm 20%): Không tuân thủ quy trình, quy định về an toàn điện, khu vực làm việc chưa được chuẩn bị tốt, đảm bảo an toàn, trang thiết bị, dụng cụ làm việc và dụng cụ an toàn thiếu, kém chất lượng, lạc hậu; Lỗi khách quan (chiếm 10%): Do thiên tai, sơ xuất trong thao tác công việc của người lao động.
 
EVN và các đơn vị thuộc EVN đã có rất nhiều biện pháp nhằm giảm tai nạn lao động. Cụ thể: Tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện, giáo dục người lao động thực hiện đúng và đủ các quy định của pháp luật, quy trình quy phạm về an toàn, nâng cao kỹ nặng làm việc. Đặc biệt là việc nhận diện (tìm kiếm) mối nguy trước khi làm việc, đưa ra biện pháp khắc phục; Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm quy trình an toàn điện; Thường xuyên rút kinh nghiệm, tổng kết công tác an toàn qua các vụ tai nạn lao động; Tăng cường giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các đơn vị trong EVN.
 
PV: Thưa ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực, ông có thể chia sẻ doanh nghiệp và người dân nếu vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp như thả diều, làm nhà, hoặc thi công ảnh hưởng đến công trình điện thì có bị xử phạt hoặc bồi thường gì không? Câu hỏi của bạn Lê Thị Hoa ở Hiệp Hòa - Bắc Giang.
 
Ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực: Căn cứ theo Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 về “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp như thả diều, làm nhà, hoặc thi công ảnh hưởng đến công trình điện thì sẽ bị kiểm tra viên Điện lực lập biên bản và cơ quan quản lý nhà nước các cấp ra quyết định xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại, thậm chí nếu có dấu hiệu hình sự sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
 
PV: Anh Hồ Văn Tân ở Quỳnh Lưu - Nghệ An có hỏi: Tình trạng tồn tại các công trình điện như đường dây và TBA hạ thế ở trong khu đất ở của các gia đình, đã gây khó khăn và dẫn đến mất an toàn cho người dân; nếu như người dân đề nghị ngành Điện di chuyển đường dây và TBA ra khỏi khu đất ở của họ thì thủ tục như thế nào và ai là người phải chịu chi phí thưa  ông Lê Văn Trang - Phó Tổng Giám đốc EVNNPC?
 
Ông Lê Văn Trang - Phó Tổng Giám đốc EVNNPC: Theo quy định, trước khi xây dựng các công trình điện như đường dây và Trạm biến áp hạ thế để cấp điện cho dân sinh, các công trình này được các cơ quan quản lý trên địa bàn thông qua.
 
Trong quá trình quản lý vận hành, kinh doanh bán điện, các đơn vị luôn tuân thủ nghiêm túc quy định, đảm bảo an toàn. Đối với các đề nghị di chuyển công trình điện, phải được các cơ quản lý trên địa bàn đồng ý, đồng thời ngành điện sẽ lập dự toán chi phí thực hiện. Chi phí di chuyển này do phía có yêu cầu phải chi trả.
 
Về thủ tục thực hiện, khi có yêu cầu về di chuyển công trình điện thì gửi yêu cầu cho ngành điện và cơ quan quản lý trên địa bàn để xem xét, xử lý. 
 
Trần Phương