Đảm bảo điện mùa khô năm 2019

Cần quyết liệt thực hiện dự án trong kế hoạch

Thứ sáu, 29/11/2019 | 17:18 GMT+7
Trong quá trình thực hiện chuyên đề về nguy cơ thiếu điện mùa khô 2020, phóng viên trang tin ngành điện ICON đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia Thái Phụng Nê - Nguyên Bộ trưởng Năng lượng, nguyên Phái viên của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu. 

Ông Thái Phụng Nê.
 
Xin được giới thiệu đến độc giả ý kiến của ông.
 
Năm 2015, lần đầu Hệ thống điện Quốc gia (HTĐQG) có được 20% dự phòng công suất. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tới việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện bằng cơ chế đặc biệt “797” và “400”, giúp rút ngắn đáng kể thời gian chuẩn bị đầu tư của nhiều dự án. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng phụ tải hằng năm từ 11%-14%/năm, lại không có dự án nguồn điện nào đưa vào vận hành, thì với mức công suất dự phòng nói trên cũng chỉ đủ “tiêu” hơn một năm. Rõ ràng, không phải đến cuối năm 2019 mới nhìn thấy nguy cơ thiếu điện vào mùa khô 2020, mà ngay từ năm 2017, 2018 và cả năm 2019, hệ thống điện đã vận hành trong tình trạng hết sức khó khăn mới đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân.  
 
Chậm tiến độ các dự án nguồn do các cơ quan quản lý chậm chạp trong tháo gỡ khó khăn là một vấn đề cần rút kinh nghiệm nghiêm túc. Thí dụ như Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1, ngay sau khi tiếp nhận Dự án bàn giao từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiến hành các bước khảo sát, tìm hiểu nguyện vọng của bà con sống trong vùng dự án; đồng thời sớm huy động nguồn vốn để thực hiện dự án đúng tiến độ. Dự kiến, cuối năm 2017 khởi công dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1, đồng thời, kiến nghị với Bộ Công thương cho phép đẩy nhanh tiến độ của Nhiệt điện Quảng Trạch 2, phấn đấu đưa vào vận hành sớm hơn 5 năm so với Quy hoạch nhằm bảo đảm cấp điện cho giai đoạn 2025 trở về sau.
 
Thế nhưng, trên thực tế, Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 đã bị chậm hai năm bởi vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư xây dựng. EVN đã trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) phê duyệt điều chỉnh Thiết kế cơ sở dự án và đề án thu xếp vốn. Tuy nhiên, UBQLV có văn bản yêu cầu EVN thực hiện lại toàn bộ các bước mà EVN thực hiện trước khi chuyển tiếp từ Bộ Công thương sang UBQLV, như vậy lại sẽ mất một khoảng thời gian nữa, đã chậm sẽ càng chậm. Điều đáng nói, không phải chỉ riêng Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 mà hầu hết các dự án có vướng mắc đều trong tình trạng “án binh bất động”. 
 
Hiện nay, EVN thực hiện phương án tích nước các hồ thủy điện, đồng nghĩa với việc phát điện cao bằng nguồn than, khí và dầu. Tuy nhiên, than cho sản xuất điện cũng đang gặp khó khăn. Năm 2019, sản lượng điện sản xuất từ than chiếm 39%. Theo kế hoạch năm nay, nguồn từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cấp 22,67 triệu tấn than; nhập khẩu là 7,8 triệu tấn. Hiện nay, than để sản xuất điện chỉ dự trữ được bình quân từ 7-10 ngày,  thậm chí có thời điểm chỉ hai ngày là hết than, thay vì phải có than dự phòng dự trữ từ 20 ngày đến một tháng. Không có than thì phải dừng chạy máy. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm TKV và Tổng công ty Đông Bắc không còn khả năng cung cấp thêm than nữa. 
 
Trước đây, việc nhập khẩu than, Chính phủ giao cho TKV, nhưng TKV không có cảng sâu để cập cảng cho các tàu có trọng tải từ 3 vạn tấn trở lên, nên không ký được hợp đồng mua than dài hạn. Trong khi đó, EVN dù mới được giao nhập khẩu than và có lợi thế về cảng nước sâu nhưng lại chưa ký được hợp đồng nhập than dài hạn. Muốn ký hợp đồng loại này lại phải có bảo lãnh của Chính phủ.
 
Phát điện bằng dầu tưởng đơn giản, nhưng trong điều kiện hiện nay việc mua dầu không đơn giản bởi sẽ phải đặt trước hai tháng. Bởi nếu đặt mua dầu rồi mà nước về các hồ thủy điện thì sẽ là mạo hiểm về bài toán kinh tế. Vậy nên, các tổ máy hiện vẫn trong tình trạng khan dầu. 
 
Để giảm nguy cơ tình trạng thiếu điện vào mùa khô năm 2020, các công trình lưới điện cần phải hoàn thành trước mùa khô 2020, như: Trạm 220kV Phước Thái, Vĩnh Hảo (trạm do khách hàng đầu tư), đường dây 220kV Tháp Chàm - Hàm Tân; tăng công suất hai trạm 500kV Vĩnh Tân, Duy Ninh; xây dựng các trạm phân phối: Phan Rí, Ninh Phước, Phước Thái… phấn đấu quý II-2020 hoàn thiện, để tiêu thụ hết công suất điện mặt trời, phục vụ mùa nắng nóng năm 2020. Bên cạnh đó, hoàn thành đường dây 220kV Điện Biên - Sơn La, đường dây 220kV Than Uyên nối với Phong Thổ - Bảo Thắng - Lục Yên về Việt Trì để gom khoảng 2.000MW thủy điện nhỏ tại Tây Bắc. Cũng cần đẩy nhanh tiến độ dự án điện gió Cà Mau; thực hiện giải pháp quản lý phía nhu cầu sẽ giảm được khoảng 1.600MW từ phía khách hàng…
Thanh Mai/Icon.com.vn (thực hiện)