Sự kiện

Cần xử lý hành vi đưa thông tin sai sự thật về tăng giá điện gây hoang mang dư luận

Thứ bảy, 21/3/2020 | 21:17 GMT+7
Lợi dụng những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, gần đây, trên mạng xã hội lan truyền tin đồn về việc tăng giá điện. 

Tuyên truyền tiết kiệm điện cho các hộ dân đồng bào dân tộc H' Mông tại Lào Cai. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Hành vi này không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành và ban hành chính sách.  Do đó, xử lý kiên quyết việc đưa thông tin sai sự thật là hết sức cần thiết.
 
Nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận
 
Lợi dụng vào dư luận xã hội về ngành Điện còn khá nhiều định kiến, quan niệm về một ngành độc quyền ắt sẽ là cửa quyền còn khá nặng nề. Điện năng còn vừa là tư liệu sản xuất, vừa là tư liệu tiêu dùng và khách hàng ít có khả năng lựa chọn; các hộ dùng điện đa dạng, bao gồm mọi ngành nghề sản xuất, mọi gia đình từ người giàu đến người nghèo. Nói tóm lại, điện là mối quan tâm của toàn xã hội và đặc biệt là giá điện. Vì vậy, đây không phải là lần đầu tiên các thế lực thù địch lợi dụng vào “sự quan tâm” của toàn xã hội để phát tán các thông tin gây hoang mang dư luận. Trong khi Chính phủ cùng toàn xã hội ra sức đẩy lùi dịch Covid-19 thì trên mạng xã hội lại xuất hiện và lan truyền thông tin tăng giá điện. Thông tin này đã được khẳng định là sai sự thật nhằm làm ảnh hưởng đến những nỗ lực của Chính phủ về chống dịch Covid – 19.
 
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Công Thương chiều 20-3, đại điện Cục Điều tiết Điện lực khẳng định không có kế hoạch điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện trong năm 2020.
 
Năm 2020, xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, khó khăn cho việc cung cấp điện, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ vào vận hành…Ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã phê duyệt phương án cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 và về cơ bản là đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện hạn hán tiếp tục xuất hiện kéo dài sang năm 2020, thì các nguồn nhiệt điện than, thủy điện và nguồn nhiệt điện tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
 
Để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến phải huy động tới 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao, trong đó riêng mùa khô năm 2020 dự kiến phải huy động khoảng 3,153 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu do tình hình thủy văn không thuận lợi và việc phải vận hành phát điện các nhà máy thủy điện lớn (Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà) phục vụ đổ ải trong tháng 1 và  2-2020, sẽ không đảm bảo khả năng huy động cao các nhà máy này trong các tháng cao điểm mùa khô. Lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu sẽ tăng thêm nếu xảy ra những tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí.
 
Theo số liệu của EVN, tính đến hết ngày 19-3-2020, sản lượng điện tiêu thụ bình quân của cả nước đạt khoảng 623 triệu kWh/ngày, thấp hơn so với kế hoạch đã xây dựng là 690,7 triệu kWh/ngày, theo đó, sản lượng điện sinh hoạt tăng cao nhất; còn lại sản lượng điện phục vụ cho sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ có sự suy giảm, thấp hơn so với kế hoạch. Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay, chưa xuất hiện tình trạng phụ tải tăng cao đột biến, mà ngược lại, sản lượng tiêu thụ còn thấp hơn so với kế hoạch, sức ép về huy động nguồn điện giá thành cao không lớn nên chưa xuất hiện các yếu tố tăng chi phí ở mức độ phải tăng giá điện.
 
Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sẽ theo dõi sát tình hình tiêu thụ điện thực tế trong thời gian tới để vận hành hệ thống điện một cách hợp lý và chi phí vận hành kinh tế nhất. Đồng thời, thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ trướng Chính phủ và Chỉ thị số 06 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị điện lực khác thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chi phí, giảm tổn thất điện năng và nâng cao năng suất lao động; thực hiện việc tiết kiệm chi phí thường xuyên để giảm giá thành sản xuất kinh doanh điện để  không tăng giá điện trong năm 2020.
 
Cần xử lý nghiêm việc đưa thông tin sai sự thật
 

Công nhân Công ty Điện lực Cà Mau lắp bóng đèn tiết kiệm điện cho hộ ông Ngô Văn Út sống ở kênh Đất Cày- Phú Tân  sau khi xoá "câu đuôi". Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Có thể thấy, những thông tin sai sự thật đã có nhiều tác động tiêu cực đối với dư luận xã hội và tâm lý cộng đồng. Hệ lụy đầu tiên của những thông tin sai về tăng giá điện mang đến đó là làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong dư luận về các chủ trương của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ nói chung và trước mắt là phòng chống dịch bệnh Covid – 19 nói riêng, tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn trong các tầng lớp nhân dân.
 
Dường như mỗi lần có thời sự "nóng" là trên mạng xã hội lại xuất hiện những tin giả được... chuẩn bị kỹ lưỡng. Sau đó, đám đông trên mạng sẵn những hòn đá vô hình để mạt sát người khác dưới vỏ bọc "đòi công bằng" hay "quyền phản biện". Việc thể hiện cái đúng trên mạng xã hội dường như rất khó khăn, khi ở đó có quá nhiều người thích a dua, gây hấn, luôn tỏ ra mình rất hiểu, rất mạnh và rất đúng. Việc "đòi công bằng" trên không gian này cũng bất chấp đúng sai.
 
Mạng xã hội mang đến nhiều thông tin nhanh, đa dạng góc cạnh hơn, nhưng mặt trái của nó là thao túng ta bằng những tin giả được tạo như tin thật. Mức phạt 10-20 triệu đồng có thể là một con số lớn, nhưng xem đó là một bước đi cần thiết để tạo ra một không gian sạch trên mạng. Ở đó, không ai có thể giấu mình để nói xấu hay vì một mục đích nào đó để làm hại đến người khác dù trực tiếp hay gián tiếp.
 
Các chuyên gia an ninh mạng đã cảnh báo, việc xuất hiện tin giả trên mạng xã hội cũng tương tự như sự lây lan của virus, bởi nó sẽ tác động trực tiếp đến người dùng. Rõ ràng mạng không ảo, phát ngôn trên không gian mạng không hề ảo bởi đứng đằng sau đều là những con người thật, cuộc sống thật. Phát ngôn sai trái, thông tin chưa chính xác, tiêu cực lan truyền có thể gây tác động xấu đến người khác, đến xã hội (nhất là người có ảnh hưởng đến cộng đồng).
 
Cần kiên quyết thực thi nghiêm để làm sạch không gian mạng. Bất kể là ai cũng phải tuân thủ quy định pháp luật, có trách nhiệm hơn về những kiểu phát ngôn, đưa tin của mình. Nghị định 15 với mức xử phạt cao đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội hi vọng là liều thuốc "dã tật" ngăn ngừa loại thông tin này. Việc ban hành thời điểm này càng đúng lúc để mọi người dân từ đây nghiêm túc, có ý thức hơn mỗi lần chạm bàn phím chia sẻ thông tin.
Thanh Mai