Sự kiện

Bài 4: Sử dụng hiệu quả năng lượng: Giải pháp đảm bảo điện trong dài hạn

Thứ ba, 31/12/2019 | 08:41 GMT+7
Trong khi nhu cầu tiêu dùng điện vẫn không ngừng tăng cao. Các đối tượng tiêu dùng không chỉ yêu cầu phải được đáp ứng đủ điện, mà còn đòi hỏi việc cung cấp điện không bị gián đoạn, chất lượng điện ổn định, với giá cả hợp lý. 

Công nhân Công ty Điện lực Điện Biên tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện và đảm bảo chất lượng dịch vụ khách hàng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Theo các chuyên gia, giải pháp căn cơ nhất chính là phải sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Và để làm được điều đó, cần có một quyết tâm chính trị trong chính sách năng lượng ở Việt Nam. 
 
Đã có không ít doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nằm trong danh sách “cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm” (có mức tiêu thụ năng lượng trong một năm quy đổi ra một nghìn tấn dầu tương đương -1000 TOE trở lên) chia sẻ rằng, không phải họ không muốn tiết kiệm năng lượng, nhưng do việc vay vốn để đầu tư đổi mới công nghệ khó khăn, trong khi giá năng lượng trong chi phí giá thành sản xuất vẫn có thể chấp nhận được nên “chưa tính đến”. 
 
Theo tính toán của các chuyên gia, thực tế tiêu dùng điện của Việt Nam vẫn chưa có sự cải thiện nhiều. Để tăng trưởng GDP từ 6,8-7%/năm thì tăng trưởng điện vẫn khoảng 10%. Mặc dù GDP năm 2019 tăng trưởng hơn 6,8%, tăng trưởng điện chỉ gần 9%, tuy có giảm đáng kể so với mức tăng 9,6% của năm 2018, nhưng là do khối công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng thấp hơn nhiều so với năm trước chứ không phải đến từ việc sử dụng hiệu quả năng lượng.
 
Đã rất nhiều lần tại các diễn đàn năng lượng, TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu rằng, cần phải định giá năng lượng theo đúng với giá trị của sản phẩm trong nền kinh tế thị trường để đảm bảo cho các doanh nghiệp vừa quan tâm đầu tư vào sản xuất điện, vừa quan tâm tới việc sử dụng năng lượng tiết kiệm. Việc định giá năng lượng thấp sẽ dẫn đến tiêu dùng lãng phí, sẽ luôn luôn thiếu hụt.
 
Đồng quan điểm này, TS Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng chia sẻ thêm, việc tính toán các kịch bản cung ứng năng lượng phải gắn với các kịch bản tăng trưởng kinh tế theo hướng tiêu dùng hiệu quả, cung cấp tới hạn chứ không phải đáp ứng bằng mọi giá. Trong khi thủy điện đã tới hạn và khí hậu, thời tiết, biến đổi bất thường, hạn hán khó lường. Việc đầu tư nhiệt điện than hay nhiệt điện khí cũng phải tính đến khả năng đáp ứng nguồn cung nhiên liệu. Việt Nam đã là nước nhập khẩu năng lượng và đã khó khăn trong nhập khẩu năng lượng. Sẽ nhập ở đâu với nhu cầu lên tới hàng trăm triệu tấn than và nhiều triệu tấn khí? 
 
TS Đoàn Văn Bình thẳng thắn nhìn nhận, chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đang đứng ở phía cung. Hiện nay cả nền kinh tế đang đè nặng lên ngành năng lượng. Nền kinh tế chỉ cần biết là năm nay, 5 năm tới phát triển kinh tế là 5% hay 7% và yêu cầu hết 200 triệu TOE năng lượng và yêu cầu là ngành năng lượng phải đáp ứng làm sao đủ 200 triệu TOE ấy. Tại sao chưa ai đặt vấn đề là ngành năng lượng giới hạn chỉ được 150 triệu TOE thôi, nền kinh tế phải lựa chọn thông minh như thế nào đó để có sự phát triển tốt nhất trong giới hạn nguồn cung chỉ có thế thôi. Trong bất cứ bài toán kinh tế nào người ta cũng phải đưa ra các ràng buộc. Nhưng chúng ta có lẽ xét quá ít về sự ràng buộc của ngành năng lượng. Nếu tiếp tục cả nền kinh tế cứ đè nặng như thế thì không thể nào đào bới đâu ra đủ năng lượng để đáp ứng cả. Và tôi nghĩ tương lai của ngành năng lượng nếu cứ tiếp tục tiếp cận theo hướng như thế này thì rất ít niềm tin là nó có thể thành công".
 

Công nhân Công ty Điện lực Cà Mau lắp bóng đèn tiết kiệm điện cho hộ ông Ngô Văn Út sống ở kênh Đất Cày- Phú Tân  sau khi xoá "câu đuôi"Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Không phải ngẫu nhiên mà Diễn đàn năng lượng Việt Nam được tổ chức thường niên, năm 2019 lại đặt trọng tâm vào chủ đề “Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững”. Và mở đầu cho phát biểu của mình, ông Nguyễn Quân - Chủ tịch Hôi tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ lại dẫn chứng về điện tiêu dùng trong chiếu sáng và sinh hoạt. 
 
Theo ông Nguyễn Quân, hiện nay khoảng 30% sản lượng điện là dành cho chiếu sáng (bao gồm cả chiếu sáng dân dụng và công cộng), nếu tiết kiệm được một nửa số điện hiện dùng cho chiếu sáng thì sẽ tiết kiệm tương đương với việc không phải xây dựng một nhà máy điện công suất khoảng 4.000MW. Thế nhưng việc ứng dụng các sản phẩm tiết kiệm điện từ công nghệ mới ít tiêu tốn điện năng vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Ông Nguyễn Quân đơn cử, chỉ cần thay thế các loại bóng đèn compac sang công nghệ đèn LED, hay ở những nơi có nguồn năng lượng mặt trời nếu ứng dụng được cũng sẽ tiết kiệm rất lớn lượng điện chiếu sáng. Trong lĩnh vực sản xuất cũng vậy, ông Nguyễn Quân khẳng định, nếu được nghiên cứu và có các giải pháp đồng bộ thì hiệu quả tiết kiệm điện sẽ lớn. Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, không chỉ ý thức về tiết kiệm điện còn thấp mà ngay cả các chương trình nghiên cứu khoa học về sử dụng năng lượng hiệu quả còn chưa được quan tâm đúng mức.
 
"Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước (KC-05) mà Bộ KHCN đã duy trì từ nhiều năm là một chương trình KHCN trọng điểm dành cho nghiên cứu về năng lượng nói chung, trong đó có 2 mảng lớn, trước đây có năng lượng hạt nhân và một mảng nữa là năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo. Từ khi chúng ta dừng chương trình điện hạt nhân thì chương trình KC-05 chỉ còn lại các đề tài, dự án nghiên cứu 1 số lĩnh vực về năng lượng truyền thống và tái tạo. Thế nhưng số lượng công trình tham gia vào chương trình này rất là khiêm tốn, chất lượng cũng có thể nói là còn yếu kém. Tôi không hiểu là vì các nhà khoa học không quan tâm hay còn những khó khăn, vướng mắc gì lớn như về địa chỉ ứng dụng, về đầu ra của các đề tài nghiên cứu… Hơn nữa, tôi cũng biết ngay ở các bộ, ngành thì các đề tài nghiên cứu cấp bộ, ngành, cấp cơ sở cũng rất ít đề tài nghiên cứu về tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng có hiệu quả".
 
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, công suất nguồn điện hiện tại mới đạt 55.000 MW nhưng các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước đã không đáp ứng được. Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) từ năm 2023. Với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm, hệ thống điện năm 2020 cần khoảng 60.000MW công suất nguồn, đến năm 2030 cần 130.000 MW công suất nguồn điện. Đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam nếu không có các giải pháp mạnh để buộc phải sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 
 
“Cấp quota và cần phải có quyết tâm chính trị trong chính sách năng lượng ở Việt Nam” - đó là khuyến nghị của PGS. TS. KTS Nguyễn Hồng Thục hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu định cư & Năng lượng bền vững. "Đây là những giải pháp chiến lược mà tất cả các quốc gia phát triển đô thị trong thế kỷ 21 này đều phải tính đến. Bởi vì trong Chiến lược phát triển Năng lượng quốc gia, chúng ta thấy là sự thiếu hụt năng lượng gần kề. Phải nói rằng hiệu quả năng lượng trong các đô thị gần như là cứu cánh. Bởi vì đến năm 2030 thì năng lượng dùng cho đô thị phải lên tới 45-50% trong toàn bộ năng lượng sử dụng của Việt Nam. Trong các công trình về đô thị - đặc biệt là các tòa nhà cao tầng và những tòa nhà có quy mô lớn hàng nghìn người làm việc - như hiện nay của Việt Nam thiết kế, cứ hễ đưa lên cái mô phỏng kỹ thuật về năng lượng thì đều thấy rằng chúng ta đang lãng phí từ 40-60% năng lượng. Có nghĩa rằng, chúng ta sử dụng để làm mát hay làm nóng thì thất thoát năng lượng rất là nhiều, rất là lớn. Và không hề có một bộ tiêu chuẩn nào về năng lượng hay là đô thị kiểm soát. Rõ ràng chúng ta không thể nào để cho các ngôi nhà và toàn bộ đô thị của Việt Nam không gắn với chính sách về tiết kiệm năng lượng. Nếu chúng ta không đặt bài toán này thì không thể nào có điện đủ để cung cấp cho đô thị".
 
Xác định tầm quan trọng của năng lượng trong phát triển kinh tế - xã hội, ngày 25/10/2007, Bộ Chính trị đã đề ra Nghị quyết Trung ương 18-NQ/TW nhằm xây dựng định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Năm 2010, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng và ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nhiều năm qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm thực thi có hiệu quả nguồn năng lượng. Song, kết quả vẫn chưa được như mong muốn.  
 
Xin được nhắc lại lời của ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương rằng: “Các chương trình hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nếu được tổ chức và thực hiện tốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nguồn năng lượng của quốc gia, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, giúp thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu…” - thay cho lời kết của bài viết “Sử dụng hiệu quả năng lượng: Giải pháp đảm bảo điện trong dài hạn” cũng như loạt bài phân tích “Lời giải nào cho bài toán thiếu điện ở Việt Nam?”. 
 
Hết
Nguyên Long