Nhân viên ngành điện kiểm tra nguồn điện tại Công ty CP Khải Toàn (Khu công nghiệp Tam Phước, TP. Biên Hòa).
Hiện tại đang trong cao điểm mùa khô, cũng là thời điểm các doanh nghiệp (DN) tăng tốc sản xuất sau thời gian hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, do đó, cam kết của ngành điện sẽ giúp DN chủ động lên phương án sản xuất, đón nhận các đơn hàng lớn, bà con nông dân yên tâm xuống giống.
* Nhu cầu sử dụng điện tăng
Theo PC Đồng Nai, 4 tháng đầu năm 2020, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh tăng thấp hơn dự báo của ngành điện. Cụ thể, tổng sản lượng điện thương phẩm 4 tháng đầu năm đạt gần 4,5 tỷ kWh, tăng 1,76% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng thấp hơn mức tăng dự báo 6%. Trong đó, sản lượng điện tiêu thụ trong sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản tăng trên 12% và điện tiêu dùng tăng gần 10%; sản lượng điện tiêu thụ trong sản xuất công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, dự kiến cuối quý II và đầu quý III nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt là điện sản xuất công nghiệp sẽ tăng mạnh do DN bước vào giai đoạn tăng tốc sản xuất; nhu cầu điện cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt vẫn chưa hạ.
Theo kế hoạch, từ tháng 6 tới, toàn bộ khu nhà xưởng 9ha của Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền (Khu công nghiệp Giang Điền, H.Trảng Bom) sẽ đi vào hoạt động thay vì 1 nhà xưởng như hiện tại nên nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng gấp 3 lần.
Ông Lương Ngọc Hồi, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền cho biết, hiện tại chỉ có một phân xưởng hoạt động nên nhu cầu sử dụng điện của công ty chưa cao. Chỉ cần vận hành đường dây truyền tải điện công suất 6 MVA đủ cho sản xuất. Tuy nhiên, vào cuối tháng 6 tới, khi toàn bộ nhà xưởng ở TP.Biên Hòa của công ty dời về đây thì nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng lên gấp 3 lần. “Hiện tại nguồn điện cho sản xuất tương đối ổn định. Tuy nhiên, sắp tới sẽ tăng đáng kể. Chúng tôi mong rằng đường dây 110kV tại khu công nghiệp này sớm được xây dựng để các DN yên tâm mở rộng quy mô sản xuất” - ông Hồi chia sẻ.
Tại Công ty CP Khải Toàn, Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa), do vừa sản xuất thiết bị điện vừa cho thuê nhà xưởng nên nhu cầu sử dụng điện rất lớn, trung bình khoảng 20 tỷ đồng tiền điện/tháng. Để giảm áp lực cho ngành điện, hạn chế tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến sản xuất của các DN thuê đất, năm 2019, công ty đầu tư trên 60 tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 3.743kWp đấu nối với hệ thống điện lưới quốc gia. Từ đó đến nay, công ty không những chủ động được nguồn điện sản xuất, mà còn bán ngược lại cho ngành điện trên 3,2 triệu kW điện/năm thu về hơn 6 tỷ đồng.
Ông Lê Linh Quân, quản lý tài sản Công ty CP Khải Toàn cho biết, hầu hết các DN thuê xưởng của Khải Toàn ở Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch đều có kế hoạch tăng sản xuất vào đầu quý III từ 10-30% so với quý I. Ngoài lắp đặt điện mặt trời, công ty còn chủ động thay thế máy móc, thiết bị cũ, tiêu tốn điện năng bằng những thiết bị máy móc hiện đại, thay thế hệ thống bóng đèn tiết kiệm; sắp xếp lại quy trình sản xuất để giảm chi phí, trong đó có chi phí về điện.
Trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, do năm nay mùa khô kéo dài hơn so với các năm nên nhu cầu điện cho tưới và sinh hoạt dự báo vẫn duy trì mức khoảng 10% trong tháng tới.
* Nhiều phương án đảm bảo đủ điện
Nếu như nhiều năm trước, vào cao điểm mùa khô, nhiều cánh đồng không thể xuống giống do hạn hán, do điện cho sản xuất nông nghiệp không đảm bảo, thì năm nay, tình trạng này gần như không còn.
Ông Dương A Nhì có 5ha đất trồng cam, bưởi tại ấp 3, xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) cho biết, những năm trước, vào cao điểm mùa khô, ông thường phải chạy máy phát điện để tưới cây vì nguồn điện không đảm bảo. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, nguồn điện rất ổn định. “Đối với sản xuất nông nghiệp, nguồn điện cũng quan trọng như bón phân, xịt thuốc. Nguồn điện ổn định giúp người dân chủ động trong sản xuất, tiết kiệm chi phí” - ông Nhì chia sẻ.
Ông Trương Đình Quốc, Phó giám đốc PC Đồng Nai cho rằng, để đảm bảo điện cho sản xuất cao điểm mùa khô, ngay từ đầu năm PC Đồng Nai đã lên phương án cung cấp điện mùa khô 2020 và được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Trong đó có hoàn thành và đưa vào vận hành các công trình lưới điện phân phối, nâng cấp các trạm biến áp; đầu tư trang thiết bị, hệ thống điện, ứng dụng những thành tựu về công nghệ thông tin trong cung ứng điện, đảm bảo mục tiêu cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hiện tại, nhu cầu điện cho sinh hoạt và tưới nước cho cây trồng vẫn cao, cùng với đó, việc khôi phục sản xuất của DN sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội dễ dẫn đến quá tải cục bộ trong khung giờ cao điểm. Để đảm bảo cung ứng nguồn điện liên tục, ổn định, PC Đồng Nai đã có phương án rà soát, cân đối phụ tải phù hợp; đẩy nhanh tiến độ các công trình điện đang đầu tư; tuyên truyền để người dân, DN, các chủ đầu tư lắp đặt, kinh doanh điện mặt trời theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ. “Với những phương án cụ thể, rõ ràng, PC Đồng Nai khẳng định, từ nay đến hết mùa khô năm 2020, trên địa bàn tỉnh không xảy ra thiếu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt” - ông Quốc nhấn mạnh.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, PC Đồng Nai kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện hỗ trợ đơn vị giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án nâng cấp, cải tạo công trình điện trên địa bàn tỉnh, trong đó có trạm 110kV tại Khu công nghiệp Giang Điền, trạm 110kV tại H.Định Quán nhằm hạn chế tình trạng quá tải, gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, DN.