Quản lý năng lượng

Cấp bách tiết kiệm năng lượng

Thứ tư, 12/6/2019 | 10:01 GMT+7
Với 2.409 doanh nghiệp trong danh sách sử dụng năng lượng trọng điểm, cơ hội để tiết kiệm năng lượng còn rất nhiều.
Trong điều kiện nhu cầu tăng mạnh mà nguồn cung không tăng kịp, việc tiết kiệm năng lượng ngày càng trở nên cấp bách.

108 giải pháp
 
Có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được đánh giá có tiềm năng tiết kiệm năng lượng rất lớn. Kết quả kiểm toán năng lượng do các chuyên gia đến từ Hàn Quốc và Tổng công ty Bảo dưỡng - Sửa chữa công trình dầu khí (PVMR) thực hiện từ ngày 26/11/2018 đến ngày 21/12/2018 cũng đã khẳng định suy nghĩ nói trên.
 
Có 25 giải pháp bao gồm lắp đặt thêm bộ tách nóng, thu hồi và tận dụng nhiệt thải, sử dụng hệ thống phát điện độc lập PRT đã được các chuyên gia đề xuất cho BSR với chi phí đầu tư dự kiến sơ bộ khoảng 78,2 triệu USD. Kết quả, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được 27,3 Gcal/h nhiên liệu và 22,5 MW điện năng, tương đương 51,4 triệu USD và thời gian hoàn vốn từ 0,3-5,7 năm.
 
Ngoài BSR, còn 9 doanh nghiệp khác cũng được Dự án Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam lựa chọn để kiểm toán năng lượng,  nhằm đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng phù hợp.
 
Đó là Công ty Giấy An Hòa, Công ty Xi măng Bỉm Sơn, Công ty Gang thép Cao Bằng, Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty Cao su Đà Nẵng, Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty Nhiệt điện Phả Lại, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng và Tổng công ty Việt Thắng. Đây đều là những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn, được lựa chọn sau khi Dự án gửi phiếu khảo sát tới 400 doanh nghiệp và nhận được sự sẵn sàng tham gia của 94 doanh nghiệp.
 
Tổng năng lượng mà 10 doanh nghiệp này đang tiêu thụ là 3.635.305 TOE/năm với chi phí lên tới 672.768 USD/năm.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở 10 doanh nghiệp này là 173.412 TOE/năm (khoảng 77.752 USD/năm) với chi phí đầu tư dự kiến là 199.621 USD/năm và thời gian hoàn vốn bình quân là 2,6 năm, cũng như giúp cắt giảm 606.000 tấn CO2/năm.
 
Ép tiết kiệm năng lượng
 
Ông Kim Jinoh, Giám đốc quốc gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam cho hay, Dự án này sẽ xây dựng những giải pháp kỹ thuật và tài chính, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện cam kết của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
 
Dự án có 3 hợp phần chính gồm xây dựng năng lực phát triển dự án đầu tư tiết kiệm hiệu quả năng lượng trong công nghiệp; xác định các dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp; hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 12/2017 đến tháng 12/2019.
 
Không chỉ đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng thông qua kiểm toán năng lượng thực tế, các bên còn nhắc tới việc hiện thực hóa  các giải pháp này trong thực tế thông qua giới thiệu các nguồn tài chính rõ ràng để doanh nghiệp tiếp cận.
 
Cũng trong một nỗ lực khác, để nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là điện trong điều kiện nhu cầu tăng mạnh mà nguồn cung không tăng kịp, Bộ Công thương cũng lên kế hoạch tập trung thanh tra các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo Quyết định số 1305/2017/QĐ-TTg ngay năm 2019.
 
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững  (Bộ Công thương) cho hay, các doanh nghiệp này sẽ phải có trách nhiệm với đất nước, có cán bộ làm về tiết kiệm năng lượng, thực hiện kiểm toán năng lượng 3 năm/lần, có báo cáo thực trạng dùng năng lượng, kế hoạch cải thiện sử dụng năng lượng lên các sở chuyên ngành tại địa phương mà đơn vị hoạt động.
 
Với thực tế hiện nay các Tổng công ty Điện lực đang nỗ lực làm việc với các khách hàng tiêu thụ điện lớn để khuyến khích, động viên họ tham gia chương trình quản lý phụ tải bên sử dụng nhằm giảm bớt tiêu thụ điện  thời gian cao điểm, tránh gây mất điện trên diện rộng khi nguồn cung hạn hẹp, việc tiết kiệm năng lượng ngày càng trở nên cấp bách.
Theo: Báo Đầu tư