Tin trong nước

Cấp điện trong năm 2021: EVN sẵn sàng 2 phương án

Thứ năm, 10/9/2020 | 10:43 GMT+7
Nhằm bảo đảm cấp điện ổn định cho nền kinh tế những tháng cuối năm 2020 và năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp cụ thể.
 
Bảo đảm cung cấp đủ điện phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo đảm cấp điện
 
Trong 8 tháng đầu năm 2020, hệ thống điện quốc gia được vận hành an toàn, liên tục, ổn định; đặc biệt trong dịp lễ, tết, các ngày diễn ra sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội quan trọng và đảm bảo cung cấp điện trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
 
Báo cáo của EVN cho thấy, 8 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến; tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 163,4 tỷ kWh, tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, điện cấp cho công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 0,72%; dịch vụ - thương mại giảm 11,75%. Mặc dù vậy, điện cấp cho quản lý tiêu dùng vẫn tăng 6,54% do tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng.
 
Trong 4 tháng còn lại của năm 2020, EVN sẽ khai thác tối ưu các nhà máy thủy điện đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du cho các địa phương và mức nước giới hạn các hồ thủy điện theo quy trình vận hành liên hồ chứa. Huy động hợp lý, linh họat các nguồn nhiệt điện theo khả năng nguồn nhiên liệu đầu vào và năng lượng tái tạo. Tiếp tục nâng cao độ khả dụng các nhà máy điện; vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc – Nam.
 
Bên cạnh đó, EVN tiếp tục chỉ đạo các tổng công ty/công ty điện lực chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24h; chủ động ứng phó với thiên tai mùa mưa bão; đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, các công trình điện và đảm bảo an toàn hồ đập, các nhà máy thủy điện, vùng hạ du hồ chứa...
 
Các phương án thực hiện
 
Đối với năm 2021, tình hình kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng được dự báo sẽ từng bước hồi phục sau dịch Covid-19. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi và kỳ vọng đạt 7% vào năm 2021, khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được dỡ bỏ; cùng với đó là việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, những nền tảng vững chắc trong kinh tế vĩ mô và mức cầu hàng hóa từ các thị trường bên ngoài dần phục hồi. EVN dự báo, nhu cầu phụ tải tiêu thụ điện cũng sẽ hồi phục với tốc độ tăng trưởng khoảng 8 - 10%/năm.
 
Trên cơ sở số liệu đầu vào và dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, EVN đã dự báo nhu cầu phụ tải điện năm 2021 theo 2 phương án. Phương án cơ sở, nhu cầu điện thương phẩm 235,2 tỷ kWh, tương ứng điện sản xuất toàn hệ thống 267,9 tỷ kWh. Phương án cao, nhu cầu điện thương phẩm 236,97 tỷ kWh, tương ứng điện sản xuất toàn hệ thống 269,9 tỷ kWh (cao hơn 2 tỷ kWh so với phương án cơ sở).
 
Để thực hiện kế hoạch trên, EVN sẽ thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình thủy văn của các hồ chứa thủy điện; xây dựng kế hoạch tích nước các hồ chứa phù hợp, đảm bảo đủ nước cho phát điện mùa khô năm 2021. Đồng thời, tiếp tục tính toán, dự báo phụ tải điện chi tiết theo từng thành phần phụ tải trên cơ sở cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 với diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, cập nhật tiến độ các công trình nguồn điện mới, đặc biệt tiến độ đóng điện của các nhà máy điện Sông Hậu 1, Duyên Hải 2, Thái Bình 2 và các nguồn điện năng lượng tái tạo; xây dựng kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa nâng cao độ khả dụng các tổ máy và biện pháp quản lý, kỹ thuật khác…

EVN nhận định, dù việc cung cấp điện được đảm bảo, song hệ thống vẫn còn nhiều rủi ro. Vì vậy, EVN mong muốn Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị cung cấp than, khí ưu tiên cấp đủ nhiên liệu cho sản xuất điện; đảm bảo tiến độ các dự án điện và tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện.
Theo: Báo Công thương