Dây dẫn điện trong nhà cần được đặt trong ống, hộp bảo vệ.
Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra không ít vụ việc tai nạn điện, chập điện gây cháy nổ tại một số cơ sở sản xuất và nhà ở. Chỉ tính riêng năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy, trong đó 2 vụ cháy nhà dân, 2 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mà nguyên nhân chính được xác định là do chập điện.
Ðặc biệt, tình trạng hở, nhiễm từ dây dẫn cùng các thiết bị chất lượng kém làm cho một số người dân bị điện giật. Một số trường hợp may mắn chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, nhưng cũng có trường hợp tử vong. Hầu hết những trường hợp bị điện giật xảy ra đều xuất phát từ việc người dân không hiểu hoặc chủ quan trước các khuyến cáo về an toàn điện.
Ông Nguyễn Văn Toản, Ấp 3, xã Tân Thành, TP Cà Mau, đến nay vẫn còn bị ám ảnh bởi một lần thoát nạn từ điện. Ông Toản nhớ lại: "Lần đó do sửa chữa lại căn nhà sau nên tôi kéo điện cho thợ làm. Cứ nghĩ chỉ có dây nóng mới giật nên mối nối chỉ quấn dây nóng bằng bọc ni lông. Tuy nhiên, trong quá trình tới lui lúc làm nhà, tôi đụng phải mối nói đó và bị giật. May mắn là khi ngã vào dây khiến chuôi điện tuột khỏi ổ cắm, điện bị ngắt nên tôi mới thoát nạn".
Theo Công ty Ðiện lực Cà Mau, thời gian qua, ngành điện thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương, tiến hành nhiều đợt kiểm tra an toàn điện, an toàn phòng chống cháy nổ đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Quá trình kiểm tra kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn để khách hàng hiểu và tuân thủ những điều kiện an toàn về điện. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế cho thấy tình trạng người dân tự ý câu móc điện, sử dụng các loại dây dẫn cầu dao, ổ cắm điện không đủ tải so với các loại máy móc, thiết bị điện sử dụng xảy ra khá phổ biến. Việc đấu nối, câu móc điện không đảm bảo rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tai nạn điện, cháy nổ do chạm chập điện bất cứ lúc nào.
Ðã có không ít khuyến cáo được các đơn vị chuyên môn đưa ra để bảo đảm an toàn khi sử dụng điện trong gia đình, như: vị trí đặt cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ cắm điện phải là nơi cao ráo, bảo đảm thuận tiện khi sử dụng. Các thiết bị này cũng như đường dây và cả dụng cụ điện trong nhà... phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có tem kiểm định an toàn... Bên cạnh đó, tốt nhất hãy ngắt nguồn điện các thiết bị khi không sử dụng.
Việc lắp đặt và sử dụng hệ thống điện sau đồng hồ điện thuộc trách nhiệm của các hộ sử dụng điện, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn khi sử dụng điện, tránh quá tải, ngành điện khuyến cáo, cần tính toán, lựa chọn dây dẫn điện phù hợp với khả năng chịu tải tiêu thụ điện, cần có thiết bị bảo vệ (aptomat) tổng, thiết bị bảo vệ cho từng khu vực, từng thiết bị điện. Không câu, mắc dây điện tuỳ tiện, nếu có thì các mối nối dây dẫn phải đảm bảo đúng kỹ thuật (nối so le và được quấn băng cách điện), dây dẫn phải được đặt trong ống, hộp bảo vệ. Không đặt các thiết bị điện gần các đồ dùng dễ cháy, trực tiếp trên mái tôn hoặc hệ thống sắt thép của mái nhà. Tắt thiết bị điện khi không sử dụng...
Ðể đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình sử dụng điện, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn chỉ đạo về tăng cường biện pháp đảm bảo tai nạn điện và giảm thiểu vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Theo đó, trong công văn, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương, Sở Giáo dục và Ðào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông; Công ty Ðiện lực Cà Mau; UBND các huyện, TP Cà Mau theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao nhận thức pháp luật về an toàn điện; đưa chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật vào trong nhà trường để giáo dục học sinh nhận biết được các mối nguy hiểm, rủi ro, nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện.
Ðể đảm bảo an toàn điện, giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra, ngoài nỗ lực của các ngành, chính quyền địa phương, người sử dụng điện cần trang bị cho mình những hiểu biết kỹ năng cơ bản nhất về điện.
Link gốc