Đây là lời tâm sự của của anh Phạm Văn Phi, kỹ thuật viên phân xưởng Sửa chữa cơ nhiệt thuộc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (nay anh đã chuyển sang làm việc tại Cty CP Dịch vụ sửa chữa Nhiệt điện miền Bắc). Anh đã từng là “cây sáng kiến” được Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí thưởng đặc cách từ công nhân bậc 4/7 lên bậc 6/7 thời chiến tranh chống Mỹ và là “người có nhiều sáng kiến nhất” trong 10 năm (1996 - 2006) hưởng ứng phong trào thi đua lao động sáng tạo của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại.
Anh cho rằng: Dù làm bất cứ công việc gì, ở cương vị nào, nếu ta chỉ làm việc bằng sự cần cù chịu khó và cố gắng hết mình thì chưa đủ, mà điều có ý nghĩa và quan trọng hơn nhiều đó là làm việc với sự nhiệt tình, trách nhiệm và sáng tạo. Sáng kiến, cải tiến không những cho năng suất lao động cao mà còn giúp vượt qua mọi khó khăn trở ngại và làm nên những điều kì diệu. Những sáng kiến tiêu biểu của anh là: Sáng kiến “Gia công chế tạo gối đỡ bơm đọng gia nhiệt hạ áp”, gối đỡ dầu kiểu mới đã khắc phục khiếm khuyết của thiết bị cũ, đáp ứng yêu cầu làm việc trong điều kiện nhiệt độ cao phù hợp hơn, nhờ đó bơm đọng gia nhiệt hạ áp của nhà máy làm việc ổn định, kéo dài tuổi thọ, góp phần nâng cao độ tin cậy của dây chuyền sản xuất.
Sáng kiến “Chế tạo thiết bị thông rửa ống đồng bình ngưng”: trong quá trình vận hành, ống đồng bình ngưng bị cáu bẩn, khi đại tu phải tiến hành thông rửa bằng cách mở các nắp lớn của bình ngưng rồi thông rửa từng ống trong tổng số 15.000 ống đồng. Đây là một công việc hết sức khó khăn nặng nhọc, đặc biệt tốn rất nhiều thời gian và nhân công. Nhờ có thiết bị thông rửa chuyên dùng là khẩu súng bắn nước có áp lực cao, viên đạn bằng cao su có đường kính gần bằng đường kính của ống đồng, phía sau viên đạn kéo theo bối rửa bằng kim loại mềm, đủ khả năng làm sạch ống đồng, mỗi đợt có thể bắn hàng trăm viên đạn vào ống đồng. Sáng kiến này giúp công nhân đỡ vất vả, nâng cao hiệu suất làm việc gấp nhiều lần và điều quan trọng là rút ngắn thời gian đại tu, sớm đưa tổ máy vào vận hành, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện trong thời gian qua. Các sáng kiến “Thiết kế, chế tạo thiết bị chống tắc rác ở bình ngưng tụ của tuabin”, “Chế tạo thiết bị xử lý tắc các bộ phận làm mát kiểu xoắn”... vừa góp phần khắc phục khó khăn, đáp ứng yêu cầu sản xuất, vừa cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và nâng cao độ tin cậy của dây chuyền sản xuất điện.
Ngoài ra, anh còn nghiên cứu và bảo vệ thành công 2 đề tài khoa học cấp Tổng công ty (nay là Tập đoàn Điện lực VN), làm lợi hơn 1 tỉ đồng. Trong đó, đề tài “Nâng cao hiệu quả hệ thống thải xỉ nhà máy điện Phả Lại” đã đạt giải tại hội thi Sáng tạo kĩ thuật của tỉnh Hải Dương năm 2006. Nội dung chủ yếu của đề tài là: thiết kế, chế tạo và đưa vào sử dụng thiết bị khai thác xỉ zon, thiết bị thu tạp vật trên mương xỉ trước khi vào đầu hút của các bơm thải xỉ, thiết bị xả nước trong cát te đầu gối trục bơm thải xỉ; nghiên cứu công nghệ hàn hàn cho van đầu đầy của bơm thải xỉ và lắp đặt bơm đọng trục đứng cho trạm thải xỉ. Sự thành công của đề tài đã tạo cơ sở để công ty có những quyết định hợp lý về cải tạo hệ thống thải xỉ hiện có, kéo dài tuổi thọ thiết bị, nâng cao tính an toàn trong vận hành, góp phần tiết kiệm điện tự dùng, giảm cường độ lao động và chi phí nhân công do không phải thường xuyên sửa chữa và mỗi năm công ty có thể thu được từ nguồn xỉ zon khoảng 600 - 800 triệu đồng, đặc biệt đã tạo cho dây chuyền 1 sản xuất ổn định, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện của hệ thống. Nhiều năm làm Bí thư Đảng bộ và là ủy viên thường trực tiểu ban hỗ trợ sáng kiến của phân xưởng Sửa chữa Cơ nhiệt thuộc nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Trong 2 năm 2005 - 2006 phân xưởng Sửa chữa cơ nhiệt có 44 sáng kiến, tổng kết 10 năm phong trào thi đua Lao động sáng tạo 1996 - 2006 phân xưởng Sữa chữa cơ nhiệt là đơn vị lá cờ đầu của Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại được giám đốc Công ty khen thưởng.
Vì sao anh lại có được nhiều sáng kiến như vậy, tôi hỏi. Anh bộc bạch: Để có sáng kiến, đôi khi chỉ là do tích luỹ kinh nghiệm, chịu đầu tư suy nghĩ là được. Nhưng cũng có khi là cả một quá trình làm việc hết sức nghiêm túc, phải giành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi và thử nghiệm mới đạt được. Vất vả là thế, nhưng mỗi khi nhìn thiết bị được đưa vào làm việc an toàn ổn định, anh em làm việc nhẹ nhàng hiệu suất cao, tôi lại thấy mình là người vui hơn, hạnh phúc hơn. Quả là vậy, niềm vui và hạnh phúc của anh càng được nhân lên khi sự cố gắng nỗ lực và kết quả lao động của anh thường xuyên được lãnh đạo chuyên môn và công đoàn các cấp ghi nhận. Vừa qua anh đã được tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vì “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo” nhiều năm qua.