Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa 13, đó là giải pháp đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống, tiếp tục đưa điện về nông thôn, biên giới và hải đảo, nâng cao chất lượng điện năng gắn với tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và phát triển thị trường điện cạnh tranh… Sau khi nghe đại diện cơ quan quản lý Nhà nước trả lời chất vấn, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, cần những giải pháp cụ thể và thiết thực hơn.
Đến năm 2016, EVN sẽ cơ bản hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện nông thôn. Ảnh minh họa.
Đã có khá nhiều câu hỏi của các đại biểu liên quan đến vấn đề điện năng được Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa 13. Trong đó, một nội dung quan trọng được đại biểu Nguyễn Thị Dung (đoàn TP Hồ Chí Minh) đưa ra, đó là vẫn còn tới 514 nghìn hộ dân nông thôn chưa có điện, giải pháp nào để sớm đưa điện về nông thôn, vùng sâu vùng xa cho người dân. Ông Vũ Huy Hoàng khẳng định, theo QĐ 2081/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình đưa điện về nông thôn giai đoạn đến năm 2020, đến nay đã có hơn 96% số xã, hơn 97% số hộ dân nông thôn có điện. 55 xã, hơn 1000 thôn bản với hơn 500 nghìn hộ dân còn lại chưa có điện sẽ cơ bản được đảm bảo vào năm 2020.
Liên quan đến chất lượng điện của hơn 2000 xã do HTX dịch vụ điện đang quản lý và việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn của ngành điện, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, ở nhiều nơi chất lượng điện xuống cấp, không đảm bảo an toàn, vì vậy Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang tiếp tục tiếp nhận nốt các số xã còn lại này, theo đó, đến năm 2016 sẽ cơ bản hoàn thành.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hiến - Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, có 2 vấn đề quan trọng nhất trong lĩnh vực điện nông thôn cần được quan tâm, đó là chất lượng điện gắn với giảm tổn thất điện năng. Cần nghiên cứu sử dụng năng lượng tại chỗ như như thủy điện nhỏ, điện gió, mặt trời để giảm khoản tiền đầu tư tương đối lớn cho việc kéo điện lưới tới các hộ vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Điều đó cũng đồng thời giúp giảm tổn thất điện năng trên đường truyền tải. Đồng thời, phải cấp bách giải quyết đầu tư lưới điện hạ áp đối với các khu vực nông thôn ở nhiều nơi.
Liên quan đến một nội dung quan trọng đã được các đại biểu quan tâm đó là tiến độ thị trường điện cạnh tranh. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương cho biết, đến nay đã kết thúc các công đoạn của Dự án xây dựng thị trường bán buôn điện cạnh tranh để chuẩn bị cho việc thực hiện thí điểm giai đoạn 2 của thị trường này. Để bảo đảm tính cạnh tranh cao hơn, tại thị trường bán buôn điện cạnh tranh được thí điểm trong thời gian tới sẽ mở rộng hơn các đối tượng mua buôn điện. Theo đó, trước mắt sẽ có 05 Tổng Công ty điện lực trực tiếp mua điện và bán cho các khách hàng. Ngoài ra, các khách hàng lớn đấu trực tiếp vào lưới điện truyền tải cũng sẽ có cơ hội tham gia thị trường điện bán buôn, được tự do lựa chọn đối tác ký hợp đồng hoặc mua bán điện trên thị trường điện giao ngay.
Nguyên Long/Icon.com.vn