Công nhân PC Đà Nẵng khắc phục hậu quả cơn bão số 11 (cuối năm 2013). Ảnh: Xuân Tư/Icon.com.vn
Viết đúng, trúng và nhanh
Công tác truyền thông đối với ngành Điện - ngành có tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, có vai trò rất quan trọng. Làm được nhưng cũng cần phải nói được, để xã hội hiểu, thông cảm và chia sẻ những khó khăn của ngành. Muốn vậy phải viết đúng, trúng và nhanh mới đáp ứng được tiêu chí của công tác truyền thông. Đúng là tất yếu bởi tin, bài phản ánh không thể sai mà luôn cần sự chính xác. Nếu không có sự chính xác, bạn sẽ làm mất niềm tin từ độc giả và cao hơn là những điều bạn đang tâm huyết không đưa lại hiệu quả như mong muốn. Phải viết trúng điều mình đề cập và phải nhanh (kịp thời). Nếu không đảm bảo những yếu tố cơ bản đó thì tin, bài sẽ không đáp ứng tính thời sự mà bạn đọc mong chờ.
Muốn có bài viết hay cần phải đầu tư công sức, trí tuệ
Để bài viết có chất lượng không hề đơn giản. Đó là sự đầu tư công sức, trí tuệ, kể cả trang thiết bị (máy ảnh, máy tính xách tay, máy ghi âm ...). Tìm hiểu và thu thập thông tin nhiều chiều. Cách viết thế nào để bạn đọc thấy hay, đối tác được viết thì thấy khen đúng mức, trường hợp có “chê” thì cũng tâm phục, khẩu phục. Hạn chế sự trùng lặp trong cách viết. Luôn tạo sự mới lạ trong cách thể hiện để tạo sự hấp dẫn đối với người đọc. Ngoài ra rất cần có ảnh minh họa đúng chủ đề bài viết để tạo nên hiệu ứng cao đối với người đọc. Một bức ảnh tốt, phù hợp có giá trị truyền thông rất lớn.
Phải đi thực tế và có niềm đam mê
Những người thợ điện ở lưng trời. Ảnh: Xuân Tư/Icon.com.vn
Để có bài viết chân thực và sống động cần phải đi thực tế (không ít người ngồi nhà, khai thác thông tin trên mạng để viết bài, những bài dạng này khó có thể hay và thuyết phục). Đi thực tế giúp người viết cảm nhận, thu thập thông tin, chụp ảnh, ghi lại những hình ảnh đẹp minh họa cho bài viết của mình. Bên cạnh đó niềm đam mê là yếu tố không kém phần quan trọng. Nếu thiếu nó thì không thể tranh thủ được mọi lúc, mọi nơi, kể cả lúc người khác đang nghỉ ngơi nhưng mình vẫn miệt mài khi có những sự kiện cần khai thác. Do đam mê nên bản thân tôi có những lúc quên cả nắng mưa, trưa tối để tác nghiệp, nhất là những lúc chụp ảnh. Ngoài những bức ảnh phản ánh đa dạng các mặt hoạt động của ngành tôi còn chú trọng chụp các bức ảnh về vai trò của điện đối với sản xuất và đời sống. Cuối năm 2013, cơn bão số 11 có sức tàn phá rất lớn đổ bộ vào Đà Nẵng. Ngay sau bão, tôi tạm dẹp chuyện nhà, xách máy đi chụp những cột điện gãy đổ, và sau đó là hình ảnh CBCNV Công ty Điện lực Đà Nẵng khắc phục hậu quả cơn bão để phản ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để có những bức ảnh đẹp, tổng thể, tôi phải nhiều lần leo lên các điểm cao để chụp. Các bức ảnh của tôi chụp những người thợ điện đang miệt mài làm việc ở lưng chừng trời, nếu không có niềm đam mê mãnh liệt thì không dễ bất chấp hiểm nguy, trèo cột điện lên rất cao để thu vào ống kính những khoảnh khắc tuyệt đẹp mà không dễ lúc nào cũng có thể ghi lại được. Đó còn là lòng yêu nghề, yêu ngành, muốn phản ánh chân thực và sống động những nét đẹp đời thường của những người làm điện.
Bài viết cần có tính mới và phát hiện
Cùng một sự kiện, có nhiều người viết, mỗi người khai thác ở những góc cạnh khác nhau. Tôi nhớ ngày 28.3.2013 ( trước một ngày cầu Rồng, Đà Nẵng khánh thành) tôi may mắn nghe được thông tin: có một đơn vị ngành Điện đã tham gia và góp phần quan trọng trong việc thi công hoàn thành cầu Rồng. Tôi lập tức đến tận nơi để tìm hiểu và thu thập thông tin. Đó là Công ty Cổ phần Cơ Điện Miền Trung (CEMC). Đây là đơn vị vinh dự được chủ đầu tư và nhà thầu CIENCO 1 chọn chế tạo và hoàn thiện 6 hạng mục quan trọng của cầu Rồng gồm: Dầm hộp thép; Dầm cong xon; Vòm thép (thân con rồng); Đuôi rồng; Vảy rồng; Dầm UB và UC với tổng cộng hơn 2.330 tấn thép nguyên liệu. Trong đó lớn nhất là 10 dầm hộp thép nặng 959 tấn và Vòm thép 1.073 tấn. Được biết trước đó Chủ đầu tư cùng nhà thầu đã cất công tìm kiếm các đối tác nước ngoài để thi công phần Vòm thép của cầu Rồng. Bởi đây là công nghệ lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam nên sợ nhà thầu trong nước không thể thực hiện được. Bằng sự tự tin và năng lực làm việc cao, CEMC chấp nhận phương án thi công thử một đoạn Vòm thép làm mẫu. Có được kết quả tốt và được các bên có thẩm quyền chấp thuận, sau đó CEMC mới chính thức bắt tay vào thi công vòm thép cầu Rồng và thành công mỹ mãn... Tôi tranh thủ và hoàn thành bài viết trong đêm. Sáng hôm sau tôi có mặt tại công trường để chụp ảnh giờ phút cầu Rồng được khánh thành. Bài và ảnh được gửi đi và ngay trưa hôm đó các báo đều đăng bài và ảnh về sự kiện này. Đây là bài học quý đối với tôi bởi nếu chỉ đơn thuần nghe được thông tin mà không nhiệt thành thì khó có thể dành thời gian, công sức để tìm hiểu và quan trọng là phát hiện ra những nhân tố mới cần phản ánh...
Trách nhiệm với bài viết của mình
Bài viết là đứa con tinh thần của mình do đó không được dễ dãi. Hạn chế tối đa sai lỗi chính tả, câu cú logic, ngữ pháp chuẩn mực. Bản thân tôi thường đọc đi, đọc lại bản thảo nhiều lần, chỉnh sửa câu chữ, dấu chấm, phẩy đến lúc không thể chỉnh sửa được nữa. Luôn viết từ cái tâm, cái tình của mình, mong muốn nhiều người xem, hiểu, tin và ủng hộ. Luôn có trách nhiệm cao với bài viết của mình.Thực tế cho thấy: nếu có 100 bài viết tốt nhưng chỉ 01 bài viết không chuẩn thì bao công sức, uy tín như bị đổ sông, đổ biển. Xây dựng và duy trì tên tuổi là điều không kém phần quan trọng đối với người làm công tác truyền thông...