Tin trong nước

Giàu lên nhờ... điện

Thứ hai, 22/6/2015 | 10:03 GMT+7
Các con sông Vu Gia và Thu Bồn hợp lưu ngay địa đầu xã Duy Châu (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) đã tạo nên những bãi bồi màu mỡ. Từ ngày đưa điện ra đồng, đóng máy bơm tưới tiêu chủ động, cây trồng trên những cánh đồng này quay vòng quanh năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân Duy Châu giàu lên thấy rõ.


Nhờ dòng điện ổn định, nông dân dùng nước tưới tiêu đồng ruộng tăng năng suất cây trồng.
 
Có điện là có nước
 
Duy Châu có 2 đồng đất lớn là Lệ Bắc và Thanh Châu rộng hơn 200 ha. Đất ở đây thuộc loại màu mỡ, nhưng hàng trăm năm qua do không có nước tưới chủ động nên năng suất cây trồng thấp. Vào mùa khô, nước sông cạn kiệt, nếu dùng gầu tưới thủ công thì không thể nào đưa nước từ sông Thu Bồn lên bờ dốc đứng để đưa nước đi xa hơn cho những đám đất nằm sâu trong bãi bồi. Một thời, Hợp tác xã Duy Châu tính phương án dùng máy nổ công suất lớn dẫn nước vào đồng, nhưng kinh phí đầu tư quá lớn nên địa phương đã gác lại dự án này.
 
Hơn mười năm trở lại đây, với việc đưa điện ra đồng, đóng giếng bơm tại chỗ để lấy nước chủ động tưới cho các cánh đồng đã cải thiện đáng kể năng suất cây trồng và con vật nuôi, góp phần đẩy nhanh tốc độ quay vòng của đất, đa dạng hóa các loại cây trồng, tăng sản phẩm hàng hóa trong nông nghiệp. Nhờ chủ động nước tưới, nông dân tập trung chuyên canh các loại cây trồng. Qua nhiều năm phát triển ổn định, giờ đây Duy Châu đã trở thành hình mẫu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trước kia, trên những cánh đồng này bà con nông dân chỉ sản xuất duy nhất một vụ dựa vào nước trời, còn hơn chục năm nay đồng đất hầu như quay vòng quanh năm.
 
Đó là kết quả của việc thực hiện chương trình “Thủy lợi hóa đất màu” do UBND huyện Duy Xuyên khởi xướng, hỗ trợ kinh phí để chính quyền xã Duy Châu kéo điện ra đồng, nhân dân đóng giếng, lắp đặt máy bơm chủ động tưới cho cây trồng. Có điện là có nước, vì thế vào mùa khô, trong khi khắp nơi trong tỉnh đều khô hạn thì trên hai cánh đồng Lệ Bắc, Thanh Châu nước phun ào ào, hoa màu xanh tốt, hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung. Hơn 350 hộ dân canh tác trên cánh đồng này, đã luân canh quanh năm với các loại cây trồng chủ lực như đậu phụng, đậu xanh, bắp, ớt, dưa hấu, dưa leo và một ít rau bồ ngót, cải, xà lách. Có hộ còn dành một ít đất để trồng cỏ nuôi bò quanh năm.
 
Giàu lên nhờ… điện!
 
Bác Nguyễn Chương ở thôn Thanh Châu cho biết, trước đây cánh đồng này chẳng mang lại giá trị thu nhập gì lớn. Người dân chủ yếu dựa vào trồng lúa nên đời sống rất khó khăn, con cái không có điều kiện học hành phải bỏ lớp bươn chải kiếm ăn. Bác Chương nói: “Đối với gia đình tôi, bình thường, vụ bắp Đông Xuân thu hoạch 2 triệu đồng/sào; đậu xanh 1,5 triệu đồng xen canh bắp cho 1,5 triệu đồng; đậu phộng 3 triệu đồng; ớt cho giá trị 5 - 8 triệu đồng. Tính cả năm mỗi sào đất thu về 3 - 5 triệu đồng”. Còn gia đình anh Nguyễn Thân, ở thôn Lệ Bắc, với 5 sào đất, mỗi năm sản xuất liên tục 3-4 vụ, thu hoạch 20-25 triệu đồng.
 
Theo ông Hồ Quốc Vương, Chủ tịch UBND xã Duy Châu, từ ngày kéo điện ra đồng cải thiện chế độ canh tác, ngành nông nghiệp của xã phát triển mạnh. Ngoài hoa màu, nhiều hộ dân còn dành đất trồng cỏ, nhờ vậy đàn lợn, đàn trâu bò và gia cầm tăng gấp 4-5 lần so với 10 năm trước. Giá trị sản xuất nông nghiệp hơn 114 tỷ đồng, chiếm 30,7% giá trị tổng sản lượng toàn xã. Mỗi hecta đất màu cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người 16 triệu đồng/năm; hộ nghèo toàn xã giảm còn 5,48% vào năm 2014. “Những năm qua, cuộc sống của nông dân trong xã ngày càng ấm no, sung túc. Nhiều hộ giàu có đã mua được xe ô tô, làm nhà kiên cố, mua sắm được nhiều vật dụng gia đình có giá trị” - ông Vương vui vẻ nói.
 
Hơn 8km lưới điện hạ áp kéo từ trạm biến áp dân sinh ra đồng; hàng trăm giếng được khoan tại chỗ. Khi cần tưới, người dân chỉ cần câu máy bơm vào lưới điện. Thế là có nước tưới suốt ngày, phủ phê các cánh đồng. Hơn mười năm qua, nông dân Duy Châu không còn phải vất vả trong khâu tưới tiêu cho cây màu; nhờ có điện đã giảm lao động nặng nhọc, tiết kiệm được chi phí sản xuất và người dân có nhiều thời gian nghỉ ngơi hoặc dành cho những công việc khác.
 
Ông Phan Văn Vinh, thợ điện ở xã Duy Châu, cho biết: Địa phương bán điện cho nông dân bơm nước tưới theo phương thức khoán gọn, không qua đo đếm. Mỗi ngày cấp điện từ 5h30 đến 6h00 tối. Hộ dân nào có nhu cầu tưới thì cứ móc dây vào lưới điện, mỗi máy bơm tưới suốt ngày chỉ tốn 24 nghìn đồng; tưới một buổi phải trả 12 nghìn đồng. Hằng ngày, ông Vinh phải “dong” xe đi khắp các cánh đồng kiểm tra, ghi danh sách những hộ dùng điện trong ngày để cuối tháng tính thu tiền điện.
 
Đang cắt cỏ trên đồng, chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Thanh Châu, ngẩng lên cho biết, từ ngày đóng giếng trên ruộng, gia đình chị không còn phải vất vả gánh nước tưới hoa màu suốt ngày như trước nữa. “Để tận dụng đất, gia đình tôi luôn xen canh, gối vụ nhiều loại cây, trước khi thu hoạch cây này thì đã trồng ngay cây khác. Rau màu có đủ nước nên sinh trưởng tốt hơn. Thời gian, công sức bỏ ra giảm đáng kể; tiền điện mỗi vụ chưa đến 100 nghìn đồng cho 10 sào đất; mỗi năm thu lợi hơn 50 triệu đồng, năm nào được giá thì thu nhập hơn 100 triệu đồng. Riêng một sào trồng cỏ, gia đình nuôi luân phiên 5 con bò, để dành tiền cho con ăn học” - Chị Dung nói.
 
Khởi sắc nông thôn mới
 
Cụ Hồ Lục, ở thôn Thanh Châu, năm nay gần 80 tuổi cho biết: “Nếu gánh nước tưới cây như trước thì chắc tôi bỏ ruộng lâu rồi. Từ ngày đưa điện ra đồng, việc làm ruộng khỏe hơn nhiều. Tuổi già, tôi đảm nhận phần tưới nước, chỉ cần lắp ống nhựa, điều chỉnh dòng chảy, chẳng nặng nhọc gì. Tới đợt tưới cây, tôi tranh thủ dậy sớm, kéo máy bơm, ống nước ra đồng, cắm máy bơm vào ổ điện là có nước tưới”.
 
Ông Nguyễn Quang San, Giám đốc Điện lực Duy Xuyên cho biết, việc đưa điện ra đồng thực hiện chủ trương thủy lợi hóa đất màu được UBND huyện Duy Xuyên triển khai từ hơn mười năm trước trên địa bàn toàn huyện, đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhiệm vụ quản lý, bán điện trực tiếp cho bà con nông dân được lãnh đạo huyện giao các địa phương thực hiện qua mua điện từ công tơ tổng. Điện lực Duy Xuyên luôn ưu tiên cấp điện để nông dân canh tác, và chỉ thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, công tác trên lưới điện vào những lúc nông nhàn hoặc khi các cánh đồng không cần tưới nước nữa.
 
Mùa này đi ngang qua xã Duy Châu, đứng trên Tỉnh lộ 610 phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể nhìn thấy một màu xanh ngút ngàn trải rộng, thấp thoáng những hàng trụ điện căng dây thẳng tắp. Có thể nói, dù đất đai màu mỡ, dù nông dân có nỗ lực bao nhiêu đi chăng nữa, nếu không có nước tưới chủ động thì mọi toan tính cũng đành chịu. Có điện là có nước! Điện không chỉ tạo động lực tăng trưởng ngành trồng trọt mà ngành chăn nuôi trong xã Duy Châu cũng có điều kiện phát triển nhanh hơn. Người nông dân không bỏ đất hoang, không còn toan tính ly hương để kiếm kế sinh nhai như trước mà ngày càng gắn chặt hơn với ruộng đồng.
 
Không chỉ ở xã Duy Châu mà trong toàn huyện Duy Xuyên, nông thôn thực sự đã khởi sắc. Sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu, hướng đến một nền sản xuất hàng hoá chuyên canh cao, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích ngày càng lớn. Cuộc sống ổn định, người nông dân có điều kiện tham gia, hưởng ứng tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới; xây dựng làng quê ngày càng giàu, đẹp.
Theo: EVNCPC