Tổng mức đầu tư ở các dự án năng lượng tái tạo (đường màu xanh) ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt hơn 30 tỉ đô la vào năm sau, cao hơn tổng mức đầu tư vào các dự án dầu khí ở khu vực này. Ảnh: Rystad Energy
Theo báo cáo của Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) công bố hôm 27-5, tổng mức đầu tư ở các dự án năng lượng tái tạo ở châu Á - Thái Bình Dương (không tính Trung Quốc) sẽ đạt hơn 30 tỉ đô la Mỹ vào năm sau, cao hơn tổng mức đầu tư vào các dự án dầu khí ở khu vực và xu hướng này sẽ tiếp tục củng cố trong những năm tới.
Báo cáo cho biết Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ là những điểm đến hàng đầu của dòng tiền đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.
“Tất cả các nước này đều có các kế hoạch phát triển mạnh mẽ các dạng năng lượng tái tạo bao gồm điện gió xa bờ. Điều quan trọng là hầu hết các nước này đều vạch ra các mục tiêu lớn để bổ sung các nguồn năng lượng tái tạo vào cơ cấu năng lượng của họ và đi kèm theo đó là các chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo”, Gero Farruggio, Giám đốc bộ phận năng lượng tái tạo của Rystad Energy, nói.
Theo kế hoạch phát triển điện quốc gia của Thái Lan trong giai đoạn 2018-2037, nước này đặt mục tiêu nâng công suất điện mặt trời lên 12.725MW vào năm 2027, trong đó bao gồm 10.000MW điện mặt trời áp mái và 2.725MW điện mặt trời nổi ở các hồ thủy điện.
Rystad Energy cho biết đầu tư năng lượng tái tạo ở châu Á được hỗ trợ nhờ chính sách khuyến khích của các chính phủ khắp khu vực chẳng hạn như biểu giá bán điện hỗ trợ dành cho điện mặt trời và điện gió.
Trong bối cảnh cả châu Á chuyển động theo hướng năng lượng tái tạo, các ông lớn trong ngành dầu khí buộc phải nhập cuộc chơi.
Một trang trại điện mặt trời ở tỉnh Lopburi, Thái Lan. Ảnh: Carbon Partners Asiatica
Rystad Energy cho biết một sự thay đổi lớn trong ngành năng lượng tái tạo ở châu Á là sự xuất hiện của các ông lớn trong ngành công nghiệp dầu khí với tư cách là nhà đầu tư.
"Đến năm 2020, có khả năng các ông lớn dầu khí sẽ là các nhà phát triển năng lượng tái tạo dẫn đầu ở Úc”, Gero Farruggio nói.
Ông cho biết các ông lớn dầu khí đang xây dựng các hệ thống pin trữ điện khổng lồ và phát triển một danh mục dự án năng lượng mặt trời và điện gió xa bờ ở Úc.
Chẳng hạn, công ty phát triển năng lượng tái tạo Total Eren, công ty liên kết của tập đoàn dầu khí lớn thứ tư thế giới Total (Pháp), đang xây dựng một trang trại điện mặt trời có công suất 400MW cùng hệ thống pin trữ điện ở bang Victoria, Úc.
Tập đoàn khí đốt Enel (Ý) thông qua công ty con Enel Green Power, đang đầu tư vào dự án trang trại điện mặt trời có công suất 220MW ở bang Nam Úc.
Ông Gero Farruggio cho biết tập đoàn dầu khí quốc gia Petronas của Malaysia và tập đoàn dầu khí Shell (Anh-Hà Lan) gần đây cũng đã xâm nhập vào thị trường năng lượng tái tạo ở Ấn Độ.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, năm ngoái, lần đầu tiên, Ấn Độ chứng kiến mức đầu tư cho năng lượng mặt trời lớn hơn năng lượng than. Chi phí các tấm năng lượng mặt trời giảm mạnh cũng như các chính sách ưu đãi của chính phủ Ấn Độ trong những năm gần đây đã giúp năng lượng mặt trời trở thành ngôi sao sáng trong ngành công nghiệp năng lượng ở đất nước đông dân thứ hai thế giới.
Mới đây, Công ty Mạng lưới điện Ấn Độ đề xuất xây dựng các dự án truyền tải điện trị giá 1,8 tỉ đô la ở 3 bang Maharashtra, Gujarat và Rajasthan để hỗ trợ các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió có tổng công suất 25,4GW ở 3 bang này.
Trong những tháng gần đây, nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính ở châu Á thông báo chấm dứt cho vay đối với các dự án nhiệt than mới.
Hồi tháng 3-2019, Công ty Đầu tư phát triển quốc gia Trung Quốc (SDIC) là tổ chức tài chính đầu tiên của Trung Quốc tuyên bố sẽ không tài trợ cho các dự án điện than nữa.
Đến tháng 5, Ngân hàng Mitsubishi UFJ Financial Group (Nhật Bản), một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới, cho biết bắt đầu từ tháng 7-2019 sẽ ngừng cho vay đối với các dự án nhiệt điện than. Trong khi đó, chỉ trong vòng một tháng qua, ba ngân hàng lớn của Singapore gồm DBS, United Overseas Bank (UOB) và OCBC cũng đưa ra các thông báo tương tự.
Trao đổi với báo chí hồi tháng trước, Giám đốc điều hành OCBC Samuel Tsien cho biết hai nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam: Nghi Sơn 2 và Vân Phong 1 là những dự án nhiệt điện than cuối cùng mà OCBC cung cấp vốn vay.