Một hệ thống năng lượng mặt trời nổi trên mặt nước tại Thái Lan - Ảnh: CGTN
Các kênh phân phối tấm pin năng lượng mặt trời cũng sẽ được mở rộng để phục vụ nhu cầu phát điện độc lập lẫn nối lưới.
Báo Bangkok Post ngày 27-5 cho biết kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia Thái Lan (PDP) đã thay đổi mục tiêu cho kế hoạch năng lượng mặt trời trong 20 năm tới.
Theo đó, kế hoạch hướng tới đạt 10.000 megawatt (MW) từ chương trình lắp đặt điện mặt trời tại hộ gia đình và 2.725 MW từ các nông trại năng lượng nổi tại 9 con đập dưới sự quản lý của Cơ quan phát điện Thái Lan (Egat).
Trong năm nay, chương trình năng lượng mặt trời tại hộ gia đình dự kiến đạt 100 MW và Egat đã bắt đầu xây dựng hệ thống năng lượng nổi tại đập Sirindhorn thuộc Ubon Ratchathani.
Nhiều chuyên gia dự đoán Thái Lan có thể tạo ra 3.500 MW điện mặt trời vào cuối năm nay.
Tăng nhiệt
Trước khi Thái Lan thông qua PDP mới, hầu hết các công ty đều không quan tâm mảng năng lượng mặt trời, cho rằng lĩnh vực này chưa đủ lớn mạnh để mở rộng và đầu tư thêm. Tuy nhiên, nhiều công ty đã đổi ý khi nhìn thấy kế hoạch mới.
Công ty SPCG cho biết sẽ tham gia đấu thầu cung cấp tấm pin mặt trời cho dự án nông trại năng lượng nổi tại Ubon Ratchathani, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2020.
Công ty này cũng mở rộng kênh phân phối để đáp ứng nhu cầu tấm pin mặt trời cho các hộ gia đình.
Công ty Gunkul Engineering cũng nhìn thấy tiềm năng từ kế hoạch mới, ước tính thu lợi 50 - 70 triệu baht (khoảng 1,6 - 2,2 triệu USD) trong năm nay từ việc bán tấm pin mặt trời cho khoảng 300 đối tác.
Gunkul cũng hợp tác với hai đối tác tài chính Siam Commercial Bank và Kasikornbank để cung cấp khoản vay cho người mua từ 179.000 - 2,3 triệu baht (khoảng 5.600 - 72.000 USD).
Bà Sopacha Dhumrongpiyawut - lãnh đạo công ty Gunkul - tin rằng sản phẩm tấm pin mặt trời có thể hoạt động đến 25 năm và giúp người dùng thu hồi vốn trong vòng 8-10 năm.
Trong khi đó, ông lớn cung cấp vật liệu xây dựng SCG đặt mục tiêu bán được 4 tỉ baht (khoảng 125 triệu USD) trong năm 2019.
"Nhu cầu hệ thống năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái nhà ngày càng tăng bởi nhiều chủ bất động sản muốn tạo ra năng lượng riêng để xài" - ông Thongchai Sopon, quản lý mảng lắp mái của SCG, giải thích.
Công ty cũng đang đàm phán các dự án lắp đặt cho các nhà phát triển bất động sản trong nước.
SCG dự đoán thị trường năng lượng mặt trời tại Thái Lan có thể đạt 40-50 tỉ baht (khoảng 1,25-1,57 tỉ USD) trong năm 2019.
Cuộc chiến về giá
Hệ thống năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái một hộ dân ở Thái Lan - Ảnh: BLUESOLAR
Sự cạnh tranh giữa các công ty được dự đoán sẽ dẫn đến một cuộc chiến về giá trong thời gian tới. Ước tính có đến 400 công ty sẽ nhảy vào cuộc chiến cung cấp hệ thống năng lượng mặt trời.
"Nhiều nhà phân phối dự kiến giảm giá đến 30% để thu hút các chủ bất động sản" - báo Bangkok Post dẫn nguồn tin từ một công ty cung cấp dịch vụ lắp đặt.
Với nhiều lựa chọn, người mua sẽ càng cân nhắc kỹ, đặc biệt là dịch vụ hậu mãi như bảo trì, sửa chữa khi mà các tấm pin mặt trời được quảng cáo có thể sử dụng đến 20-40 năm.
Cuối tuần trước, chính quyền Thái Lan đã bắt đầu chương trình thí điểm hệ thống năng lượng mặt trời lắp trên mái nhà dân.
Bộ trưởng năng lượng Siri Jirapongphun cho biết bất cứ ai quan tâm cũng có thể đăng ký.
Chính quyền yêu cầu chi phí lắp đặt cho hệ thống 5-10kW điện vào khoảng 350.000-400.000 baht (khoảng 11.000-12.500 USD).
Điện bán lại cho lưới điện nhà nước sẽ được mua với giá 1,68 baht (0,053 USD) mỗi kWh. Bộ Năng lượng Thái Lan khuyến khích các nhà cung cấp hỗ trợ bộ chuyển đổi và đồng hồ đo điện cho người mua.