Tin thế giới

Châu Âu chạy đua dự trữ năng lượng, tránh kịch bản như mùa đông năm 2022

Thứ bảy, 18/11/2023 | 09:49 GMT+7
Để tránh kịch bản phải “quay cuồng” vì giá khí đốt tăng cao như mùa đông năm 2022, năm nay, châu Âu đã nhanh chóng lấp đầy tới 90% kho dự trữ khí đốt từ hồi tháng 8.

Châu Âu đã nhanh chóng lấp đầy tới 90% kho dự trữ khí đốt từ hồi tháng 8/2023. Ảnh: Les Echos

Mặc dù vậy, châu Âu vẫn chưa thể yên tâm bởi giá khí đốt có thể tăng mạnh nếu cuộc xung đột Hamas – Israel tiếp tục lan rộng tại Trung Đông. Hơn nữa, nếu mùa đông năm nay không ôn hòa như năm 2022, giá khí đốt trên thị trường có thể biến động khó lường. Vậy châu Âu đã chuẩn bị những kịch bản gì để đảm bảo năng lượng trong mùa đông năm nay?  

Tâm lý của người dân châu Âu khi bước vào mùa đông

Vào thời điểm này cuối năm 2022, châu Âu vẫn đang lo lắng và đầy chật vật trong quá trình chuẩn bị tích trữ năng lượng cho mùa đông sắp tới. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng sâu sắc đến toàn khối và các nhà lãnh đạo buộc phải yêu cầu người dân tiết kiệm, thậm chí là tính đến phương án cắt điện luân phiên để có thể đảm bảo nguồn điện đủ cung ứng cho mùa đông lạnh giá. Chưa kể đến giá năng lượng lúc đó đã leo thang, lên gấp đôi, thậm chí là gấp 3 trong vòng mấy tháng ở một số quốc gia gây nên hoang mang cực độ cho người dân bản địa.

Tính đến thời điểm hiện tại, châu Âu đã rút ra nhiều kinh nghiệm xương máu cho bài học đắt giá của mình. EU đã có sự chuẩn bị khá chắc chắn về năng lượng dự trữ cho mùa đông sắp tới. Khối hiện đang có 100 lò phản ứng hạt nhân hoạt động tại 12 quốc gia thành viên với tổng công suất gần 100 Gigawatt. Một số nước thành viên nhóm 27 đang tiến hành xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân mới như Phần Lan, Pháp, Slovakia và Hungary. Điện hạt nhân hiện đang chiếm khoảng 22,1% tổng số năng lượng sản xuất của EU.

Ngoài ra, theo dữ liệu tổng hợp từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), tính đến thời điểm hiện tại, các cơ sở lưu trữ châu Âu đã lấp đầy trung bình hơn 99% kho lưu trữ khí đốt, tương đương khoảng hơn 100 tỷ mét khối. Và theo Ủy ban châu Âu, tỷ lệ 99% có thể đáp ứng tới 1/3 nhu cầu khí đốt của EU trong mùa đông sắp tới. Điều này sẽ giúp khối có thể ổn định thị trường khí đốt trong thời gian tới.

Hơn nữa, các quốc gia thành viên đã cam kết giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt trong khoảng thời gian từ tháng 4/2023 đến hết tháng 3/2024 so với mức trung bình được ghi nhận trong các năm 2017-2022. Phần lớn họ đã vượt mục tiêu này vào năm ngoái nhờ thời tiết tốt và giá cả cao đã thúc đẩy các hộ gia đình và doanh nghiệp phải tiết kiệm. EU cũng đã giảm mức tiêu thụ khí đốt xuống 18% trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 5/2023 so với mức trung bình của 5 năm trước đó.

Đặc biệt, với việc sớm lấp đầy các kho lưu trữ, EU còn tính đến việc dự trữ khí đốt tại các kho ở Ukraine. Các doanh nghiệp châu Âu hiện sở hữu hơn 2 tỷ mét khối khí đốt tại các hồ chứa nằm dưới lòng đất ở phía tây Ukaine. Và điều này đã giúp cho giá khí đốt giảm mạnh trong thời gian gần đây, góp phần làm giảm lạm phát và ổn định đời sống người dân châu Âu. Với các dự liệu trên, các chuyên gia cho rằng Liên minh châu Âu có đủ cơ sở để có thể hoàn toàn tự tin trước mùa đông đang đến.

Nguy cơ đẩy giá năng lượng tại châu Âu trong mùa đông

Châu Âu đã chú trọng tới việc dự trữ năng lượng sau bài học đắt giá đến từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Và với tỷ lệ 99% lấp đầy, các kho lưu trữ có thể thỏa mãn tới 1/3 nhu cầu khí đốt của EU trong mùa đông sắp tới. Trong trường hợp biến động xảy ra khiến các nguồn cung bị gián đoạn, châu Âu có thể chịu đựng tối đa đến 3 tháng mà không cần nhập khẩu bất kỳ nguyên liệu khí đốt nào từ bên ngoài.

Thế nhưng mùa đông ở châu Âu rất dài, tại một số nơi, mùa lạnh cần khí đốt có thể lên tới 7-8 tháng. Việc chỉ có thể đáp ứng 3 tháng vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù mức lưu trữ hiện tại có thể đảm bảo một khoảng thời gian ngắn hạn, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng những đợt lạnh cực độ hoặc các vấn đề về nguồn cung ở Na Uy (nhà cung cấp khí đốt quan trọng cho châu Âu), có thể nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn dự trữ này, từ đó khiến thị trường khí đốt châu Âu rơi vào một cuộc khủng hoảng mới.

Ngoài ra, các biến động địa chính trị ở khu vực Trung Đông và châu Phi hoàn toàn có khả năng làm gián đoạn các nguồn cung cấp khí đốt, khiến giá năng giá năng lượng bị đẩy lên cao và gây ra các cuộc khủng hoảng mới. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà các nhà lãnh đạo châu Âu đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.

Hơn thế nữa, việc giá khí đốt hạ thấp trong thời gian gần đây ở châu Âu cũng một phần liên quan đến việc nhu cầu giảm mạnh do lãi xuất đồng Euro liên tục tăng cao trong vòng 2 năm qua khiến các doanh nghiệp hạn chế sản xuất để giảm thiểu chi phí không cần thiết. Đây có thể coi là một hiện tượng giảm giả tạo bởi một khi Ngân hàng Trung ương châu Âu giảm lãi xuất, kích cầu kinh tế. Nhu cầu sử dụng khí đốt của các doanh nghiệp tăng cao vượt quá nguồn cung hiện giờ. Giá khí đốt hoàn toàn có thể mất kiểm soát và dẫn đến hiệu ứng domino, khiến lạm phát tăng cao và làm sụp đổ nền kinh tế châu Âu chỉ trong thời gian ngắn.

Một vấn đề đáng lo ngại khác ở châu Âu, đó là các kho lưu trữ chỉ tập trung ở một số quốc gia chính như Đức, Pháp, Italy, Hà Lan hay Séc. Việc các nước còn lại không có đủ nguồn đảm bảo có thể gây chia rẽ trong nội bộ Liên minh châu Âu bất cứ lúc nào. Ví dụ như trong trường hợp có sự cố gián đoạn nguồn cung trong thời gian dài, các nước có lượng lưu trữ lớn có sẵn sàng chia sẻ với các nước thành viên khác hay không? Chia sẻ để rồi phải đối mặt với cơn khủng hoảng thiếu khi đốt hay dự trữ, bỏ mặc các đồng minh để tranh thủ thời gian tìm giải pháp khác? Ai sẽ là người chịu các chi phí phát sinh…

Mùa đông năm nay châu Âu chỉ tự tin hơn so với năm 2022 một chút và họ có tối đa là 3 tháng để có thể giải quyết mọi vấn đề phát sinh.    

Kế hoạch ứng phó của châu Âu

Hiện, châu Âu đang tập trung hoàn thiện một số giải pháp để đề phòng việc thiếu khí đốt như tăng cường các nhà máy điện hạt nhân. Một loạt các nhà máy điện hạt nhân đã bắt đầu được khởi động ở Pháp. Hà Lan, Thụy Điển và Ba Lan đều hy vọng phục hồi mạnh mẽ của loại hình năng lượng này trong những năm tới. Hàng loạt các dự án xây dụng các nhà máy điện hạn nhân mới đã được 3 nước này công bố trong thời gian qua.

Tại Anh, hồi tháng 4/2022, cựu Thủ tướng Boris Johnson đã công bố kế hoạch xây dựng tám nhà máy hạt nhân mới như một phần trong kế hoạch bảo vệ đất nước khỏi “sự biến động thất thường của giá dầu và khí đốt toàn cầu”. Châu Âu đặt niềm tin vào việc điện hạt nhân có thể thay thế cho khí đốt để sưởi ấm cũng như duy trì một số hoạt động thiết yếu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và cạn kiệt khí đốt. Tuy nhiên hiện cơ sở hạ tầng ở nhiều nước trong khối 27 vẫn chưa thể đáp ứng được việc sử dụng điện như nguồn năng lượng duy trì chủ yếu. Hơn thế nữa, những vấn đề liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân như nguy cơ ô nhiễm phóng xạ cũng khiến người dân quan ngại.

Ngoài ra, các nước châu Âu cũng đang cố gắng để có thể tái khai thác các mỏ dầu tự nhiên như trường hợp của Anh, hồi cuối tháng 9, đã cấp giấy phép khai thác và sản xuất cho một mỏ dầu nằm ngoài khơi Biển Bắc, nhằm đảm bảo nguồn cung cho chính mình. EU cũng hướng đến năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời để dần thay thế cho các năng lượng truyền thống. Thế nhưng sản lượng điện tái tạo ở châu Âu vào thời điểm hiện tại vẫn còn khá là khiêm tốn. Chúng ta phải chờ ít nhất đến năm 2030 để bước đầu có đủ dữ liệu và phân tích cũng như đánh giá hiệu xuất của các phương án này.

Châu Âu cũng đang hướng đến các quốc gia có lưu lượng dự trữ khí đốt thừa thãi như một số quốc gia ở châu Phi (Nigeria, Ghana…) nhằm tăng cường nguồn cung cho các nước thành viên. Đơn cử như Đức trong thời gian gần đây liên tục có những động thái xích lại gần châu Phi để tìm nguồn cung cần thiết cho nền công nghiệp vốn yêu cầu nhiều khí đốt của mình.

Nhưng nhìn một cách tổng thể thì châu Âu vẫn chưa có nhiều biện pháp hữu hiệu để có thể chống lại việc thiếu hụt năng lượng khí đốt trong thời gian ngắn. Hầu hết các biện pháp đều cần nhiều thời gian để có thể triển khai và đem lại hiệu quả cần thiết.

Giới chức châu Âu đánh giá hiện châu lục đang ở tình thế tốt hơn nhiều so với mùa đông năm 2022: các kho dự trữ năng lượng đầy hơn; cuộc xung đột Israel – Hamas chưa có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát; nhiệt độ ấm kỷ lục đã ghi nhận trên toàn cầu trong 4 tháng qua làm dấy lên hi vọng về một mùa đông không quá khắc nghiệt ở châu Âu.

Nhưng dù vậy, diễn biến phức tạp giữa cung và cầu trên thị trường, căng thẳng địa chính trị và tâm lý của giới giao dịch đang ảnh hưởng rất lớn đến giá khí đốt tại châu Âu. Bởi vậy, các chuyên gia cảnh báo châu Âu vẫn cần tập trung vào việc kiểm soát nhu cầu, sử dụng nguồn năng lượng dự trữ một cách tiết kiệm để có thể ứng phó với những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

Link gốc

 

Theo: VOV