Thủ đô Berlin (Đức) đã tắt hệ thống chiếu sáng bên ngoài lâu đài Charlottenburg - địa điểm lịch sử để tiết kiệm điện.
Song song duy trì các nỗ lực tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế khí đốt từ Nga, châu Âu đã bắt đầu xúc tiến các kế hoạch tiết kiệm, “thắt lưng buộc bụng” về năng lượng. Việc này nhằm ứng phó sớm với những khó khăn và rủi ro tiềm ẩn do thiếu hụt năng lượng trong bối cảnh mùa đông lạnh lẽo đang tới gần.
Với châu Âu, những rủi ro từ cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông năm nay đã hiển hiện, khi nhu cầu sưởi ấm dần tăng cao, còn Nga đã cắt giảm phần lớn nguồn cung khí đốt. Lục địa già cũng đang gặp một số khó khăn nội tại về nguồn cung năng lượng, khi Pháp đã dừng hoạt động một số nhà máy điện hạt nhân, trong khi mực nước các sông xuống thấp khiến việc vận chuyển than đá đến nhà máy nhiệt điện gặp khó. Đó là chưa kể việc hầu hết các nhà máy điện gió của châu Âu đều nằm ở những khu vực xa xôi, khiến hoạt động truyền tải trở thành thách thức. Tất cả những yếu tố này đều như “đổ dầu vào lửa”.
Để ứng phó sớm, nhiều biện pháp tiết kiệm đã được gấp rút triển khai. Từ tuần trước, các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch tiết kiệm điện toàn diện, trong đó bắt buộc giảm 5% lượng điện tiêu thụ trong giờ cao điểm và giảm tự nguyện 10% nhu cầu tổng thể. Trên cơ sở đó, các trụ sở của Nghị viện châu Âu (EP) tại Brussels (Bỉ) và Strasbourg (Pháp) từ tuần này đã hạn chế đèn chiếu sáng ngoài trời; tắt hệ thống sưởi trong các tòa nhà 3 ngày/tuần và trong các kỳ nghỉ lễ; điều chỉnh nhiệt độ vào các ngày còn lại trong tuần, sưởi ấm không vượt quá 19 độ C và làm mát không dưới 25 độ C. EP kỳ vọng các biện pháp này giúp tiết kiệm gần 2 triệu USD/năm.
Bản thân mỗi quốc gia thành viên khối cũng đã chủ động bước đi riêng. Tại Pháp, nhiều doanh nghiệp đã công bố kế hoạch tiết kiệm năng lượng; thủ đô Paris cũng sẽ tắt điện tháp Eiffel sớm hơn thường lệ. Tại Na Uy, cơ quan quản lý mạng lưới đường sắt quốc gia Bane Nor thông báo hạ nhiệt độ tại 334 ga tàu từ 21 xuống 17 độ C, ước tính giúp tiết kiệm 1,25 triệu USD/năm. Đan Mạch sẽ hạ nhiệt độ sưởi ở những nơi công cộng xuống 17 độ, trong khi Đức tiếp tục ngừng chiếu sáng một số địa danh, song song dừng việc đun nóng nước trong các tòa nhà công cộng...
Không nằm ngoài guồng quay chung, nhiều mảng sản xuất quan trọng của châu Âu cũng đã triển khai các biện pháp cắt giảm, tập trung ở lĩnh vực đòi hỏi nhiều năng lượng như hóa chất, giấy, gia công kim loại, cao su và nhựa… Tại Hà Lan, nhà sản xuất nhôm Aldel đã ngừng sản xuất nhôm sơ cấp, còn nhà sản xuất phân bón Yara Sluiskil tạm đóng cửa. Theo Hiệp hội Kim loại màu châu Âu (Eurometaux), 50% công suất nhôm và kẽm của EU đã mất đi do khủng hoảng điện năng, trong khi sản lượng silic và sắt cũng bị cắt giảm đáng kể.
Một số nước cũng tìm cách bảo đảm phương án năng lượng dự phòng. Chính phủ Pháp hiện kêu gọi Tập đoàn Điện lực EDF khởi động lại 32 lò phản ứng hạt nhân - vốn ngừng hoạt động từ đầu năm nay để bảo trì - càng sớm càng tốt. Trong khi đó, Giám đốc kỹ thuật Hendrik Neumann của Amprion - nhà điều hành lưới điện hàng đầu của Đức cho biết, Berlin có kế hoạch giảm lượng điện xuất khẩu sang các nước láng giềng trong từng giai đoạn ngắn để bảo đảm nguồn cung trong nước, đặc biệt trong giờ cao điểm.
Giới quan sát đánh giá, cách tiếp cận theo hướng giảm tiêu thụ nêu trên là điều không thể tránh khỏi đối với châu Âu, trong bối cảnh nguồn cung năng lượng tồn tại nhiều ẩn số khó lường. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", cần có cơ chế điều tiết và phân phối năng lượng hài hòa trong những tháng mùa đông lạnh giá, không chỉ để bảo đảm sự ổn định của các hoạt động sản xuất, mà còn giúp người dân vượt qua giai đoạn đầy khó khăn an toàn.