Để đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng, nhiều nơi ở Đức đã thực hiện các biện pháp để tiết kiệm điện. Ảnh chụp Tòa thị chính cũ của thành phố Munich (Đức) vào tối ngày 30/7/2022. Ảnh: Tân Hoa xã
Trang Phương Hoàng của Trung Quốc đưa tin, một cuộc khảo sát đối với gần 600 công ty quy mô vừa của Đức do Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) thực hiện vào tháng 9 cho thấy, hiện nay cứ 10 công ty quy mô vừa ở Đức thì có 1 công ty đã giảm hoặc ngừng sản xuất do giá khí đốt tự nhiên tăng cao.
Theo tiêu chuẩn của Đức, doanh nghiệp có dưới 250 lao động và doanh thu hàng năm từ 40 triệu đến 600 triệu euro là công ty quy mô vừa. Ước tính có khoảng 5.900 công ty quy mô vừa ở Đức. Các công ty này cùng với các doanh nghiệp nhỏ đóng góp 54% GDP của Đức và 62% cơ hội việc làm. Tuy nhiên, nhiều công ty trong số này đang đối mặt với khó khăn không nhỏ.
Giá điện ở Đức tăng gấp 10 lần
Theo trang Phương Hoàng, Đức là một trong những quốc gia châu Âu có sự phụ thuộc vào năng lượng nước ngoài cao nhất. Năm ngoái, Đức nhập khẩu 56% khí đốt tự nhiên, 50% than và 30% dầu từ Nga.
Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, tuy đã có những do dự lúc ban đầu, nhưng Đức cuối cùng cũng đứng vào hàng ngũ nói "không" với năng lượng của Nga, giảm tỷ trọng khí đốt Nga trong tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Đức xuống còn 26%, và ngừng nhập than Nga từ ngày 1/8, cũng như quyết định ngừng nhập dầu Nga từ ngày 31/12.
Bởi vậy, trang Phương Hoàng nhận định, mô hình cung cấp năng lượng ở Đức đã thay đổi hoàn toàn. Mặc dù ban đầu chính phủ Đức không nghĩ rằng điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất, vì lấy khí đốt tự nhiên làm ví dụ: khí đốt của Nga mà Đức nhập khẩu chủ yếu được sử dụng để sưởi ấm, và chỉ 6% được sử dụng để sản xuất điện công nghiệp.
Chính phủ Đức tin rằng khai thác dầu khí trong nước và nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ nước khác có thể lấp đầy khoảng trống năng lượng. Nhưng kế hoạch dự phòng đã bị Đảng Xanh phản đối.
Theo trang Phương Hoàng, Đảng Xanh không cho phép chính phủ Đức tự khai thác dầu khí, thậm chí còn phản đối việc xây dựng các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại các cảng. Mà sau khi mất nguồn cung khí đốt của Nga, vận chuyển LNG sẽ là hy vọng lớn nhất.
Tệ hơn nữa, trong những năm gần đây, chính phủ Đức tiếp tục hạn chế phát triển năng lượng hạt nhân. Đến thời điểm hiện tại, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 12% tổng nguồn cung cấp năng lượng của Đức.
Nguồn cung năng lượng không theo kịp nhu cầu khiến giá điện tăng cao ngay lập tức. So với cùng kỳ năm ngoái, giá điện ở Đức đã tăng gấp 10 lần. Trong bối cảnh đó, các công ty hóa chất, thép và phụ tùng ô tô của Đức, vốn tiêu thụ nhiều điện nhất, bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các tập đoàn lớn cũng đang tìm lối thoát
Theo trang Phương Hoàng, các công ty lớn của Đức đó tỏ ra kiên cường hơn, nhưng giờ đây họ đều đang cố gắng tìm biện pháp giải quyết vấn đề cho mình.
Ví dụ, BMW đã tắt đèn chiếu sáng bên ngoài một số tòa nhà và biển quảng cáo, đồng thời tìm cách mua điện từ các quốc gia khác - mặc dù làm như vậy chắc chắn sẽ làm tăng chi phí sản xuất của hãng. Nhưng giờ đây, Pháp - nước xuất khẩu điện lớn nhất châu Âu - cũng không "thừa điện". Một nước xuất khẩu điện truyền thống khác là Cộng hòa Séc cũng đã thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu.
Hai gã khổng lồ hóa chất là BASF và Covestro cũng đang tìm cách. BASF hiện đang tìm nguồn cung ứng amoniac từ bên ngoài châu Âu vì giá thấp hơn. Covestro thì thử nghiệm xem dầu có thể được sử dụng thay thế ở khâu nào đó trong quy trình sản xuất. Một phát ngôn viên của Covestro thậm chí còn ám chỉ rằng, khi cần thiết, họ sẽ chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi châu Âu.
Mercedes và Volkswagen thì cắt giảm không đáng kể mức tiêu thụ khí đốt của họ, chủ yếu bằng cách kiểm soát nhiệt độ trong nhà, dùng than và dầu làm nhiên liệu thay thế, mà cách tiếp cận thứ hai chắc chắn không được Đảng Xanh ủng hộ, mặc dù đảng này gần đây cũng đã lặng lẽ giảm dần những ý kiến phản đối.
Phát ngôn viên của nhà sản xuất thép Thyssenkrupp đại diện cho ý kiến của nhiều công ty lớn tại Đức cho biết: "Chúng tôi đang thực hiện nhiều biện pháp mà trong thời buổi kinh tế bình thường sẽ không bao giờ thực hiện."
Tình trạng thu hẹp sản xuất không thể đảo ngược
Theo trang Phương Hoàng, hoàn cảnh hiện tại của các công ty Đức phản ánh rằng nền kinh tế Đức cũng đã bị "bật đèn đỏ cảnh báo". Và điều này phù hợp với tín hiệu từ các chỉ số kinh tế khác của Đức.
Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho thấy, kể từ tháng 2, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của Đức đã cắt giảm sản lượng 6,9%.
Dữ liệu về xu hướng phá sản từ Viện Nghiên cứu Kinh tế IWH cho thấy, trong tháng 8 năm nay, số lượng các công ty hợp doanh và công ty trách nhiệm hữu hạn của Đức phá sản lên tới 718 trường hợp, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, và số trường hợp phá sản trong tháng 9 và tháng 10 dự kiến tiếp tục tăng lần lượt 25% và 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, năm 2023, GDP của Đức sẽ giảm 0,7%, trong khi lạm phát sẽ duy trì ở mức 7,5%. Đây là dự báo lạc quan hơn so với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
IMF hồi tháng 7 từng cảnh báo rằng, Đức sẽ mất gần 5% sản lượng kinh tế nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt. Và với sự cố nghiêm trọng của đường ống dẫn khí Nord Stream, những dự đoán của IMF đang dần trở thành hiện thực.
Theo trang Phương Hoàng, đáng lo ngại hơn cả một cuộc suy thoái theo giai đoạn là liệu tình trạng thu hẹp sản xuất của ngành công nghiệp Đức có thể đảo ngược hay không.
Đầu tháng 9, Đức đã đưa ra kế hoạch cứu trợ đợt 3 nhằm giúp các công ty sống sót sau cuộc khủng hoảng năng lượng, với tổng số tiền lên tới 65 tỷ euro. Nhưng kế hoạch cứu trợ mới dường như không khôi phục được nhiều niềm tin của các công ty Đức. So việc bổ sung 100 tỷ euro vào quỹ quốc phòng đặc biệt hồi tháng 6, rõ ràng những nỗ lực cứu trợ của Đức dành cho các công ty là chưa đủ.