Tin thế giới

Trung Quốc trở thành nước sản xuất năng lượng lớn nhất toàn cầu

Thứ năm, 6/10/2022 | 10:20 GMT+7
Sau nhiều năm phát triển, Trung Quốc đã trở thành cường quốc số một toàn cầu về sản xuất năng lượng, thông qua việc xây dựng hệ thống cung ứng năng lượng đa dạng và sạch.
 
Nhà máy điện Mặt Trời tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
 
Theo trang hkcna.org, Trung Quốc đã hình thành mạng lưới hạ tầng năng lượng từ Đông sang Tây, từ Nam sang Bắc, bao phủ toàn quốc, kết nối với bên ngoài, đảm bảo mạnh mẽ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội.         
 
Vụ phó Vụ quy hoạch của Cục Năng lượng thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Tống Văn nhấn mạnh gần 10 năm nay, sản xuất năng lượng của Trung Quốc tăng trưởng bình quân 2,4% mỗi năm, hỗ trợ tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,6%/năm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
 
Trung Quốc đã hoàn thành hệ thống điện lực có quy mô lớn nhất thế giới, công suất các tổ máy phát điện vượt tổng công suất lắp đặt của các nước Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7); chiều dài các tuyến đường dây truyền tải điện từ 35 KV (ki-lô-vôn) trở lên đạt 2,26 triệu km, hoàn thành và đưa vào vận hành 33 đường dây truyền tải điện cao áp, công suất các tổ máy phát điện, đường dây truyền tải điện và truyền tải điện từ Tây sang Đông lần lượt tăng 1,2 lần, 0,5 lần và 1,6 lần so với 10 năm trước.
 
Mạng lưới dầu khí toàn quốc bước đầu hình thành, quy mô mạng lưới đường ống dài hơn 180.000 km, tăng gấp đôi so với cách đây 10 năm, bốn tuyến đường chiến lược nhập khẩu dầu khí Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam và trên biển được tăng cường củng cố.    
 
Trong quá trình sản xuất năng lượng tổng thể của Trung Quốc, tỷ lệ sản xuất năng lượng mới liên tục gia tăng, điều này không chỉ thể hiện chiến lược phát triển năng lượng xanh, ít phát thải carbon của Trung Quốc, mà còn phản ánh việc triển khai chiến lược dài hạn của Trung Quốc nhằm ứng phó với khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
 
Vụ phó Tống Văn nhấn mạnh trong vòng 10 năm, Trung Quốc đã tăng tốc xây dựng hạ tầng năng lượng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Tổng công suất lắp đặt các tổ máy phát triển năng lượng tái tạo đã tăng gần 3 lần so với 10 năm trước, quy mô công suất lắp đặt các nhà máy thủy điện, phong điện, quang điện, điện sinh khối và quy mô các nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng đứng đầu thế giới.
 
Trung Quốc đã hoàn thành khoảng 4 triệu hệ cơ sở sạc điện, hình thành mạng lưới sạc điện có quy mô lớn nhất toàn cầu. Lũy kế đã xây dựng xong hơn 270 trạm tiếp nhiên liệu hydro, chiếm khoảng 40% toàn cầu, đứng đầu thế giới. Lượng tiêu thụ năng lượng phi hóa thạch chiếm gần 1/4 tổng lượng thế giới, đứng đầu toàn cầu.  
 
Tiếp đó, hạ tầng năng lượng mới phát triển mạnh. Mức độ số hóa, thông minh hóa cơ sở hạ tầng năng lượng tiếp tục nâng cao, tăng tốc xây dựng lưới điện thông minh, tỷ lệ bao phủ tự động hóa phân phối điện năm 2021 đạt hơn 90%.
 
Trung Quốc cũng đẩy nhanh tốc độ xây dựng các mỏ than thông minh, đã hoàn thành hơn 800 mỏ khai thác lộ thiên thông minh, phát triển đa dạng và nhanh chóng các cơ sở dự trữ năng lượng mới.
 
Từ trước đến nay, các nhân tố như quan hệ quốc tế phức tạp, địa chính trị biến động, phí bảo hiểm các khu vực không giống nhau, các tuyến đường vận chuyển không ổn định… đều gây ra ảnh hưởng không nhỏ đối với hoạt động sản xuất năng lượng của Trung Quốc, đặc biệt là phương diện đảm bảo nguồn cung nhập khẩu dầu thô, khí đốt tự nhiên thường đối diện với bất ổn. 
 
Giáo sư Hà Thanh thuộc Học viện Tài chính thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định do mức độ lệ thuộc bên ngoài về năng lượng của Trung Quốc khá cao, nhất là dầu thô (70%) và khí đốt thiên nhiên (40%), nên đợt tác động mới lên giá dầu thô và khí đốt tự nhiên do hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến chi phí năng lượng của Trung Quốc.
 
Để ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu lần này, Trung Quốc nên chú trọng thúc đẩy thương mại năng lượng, tăng cường dự trữ năng lượng, đẩy nhanh chuyển đổi sang năng lượng xanh và ít phát thải carbon, hỗ trợ cung cấp năng lượng hóa thạch trong nước, tăng cường hợp tác chính sách quốc tế, hỗ trợ định giá và thanh toán năng lượng bằng đồng nhân dân tệ…
 
Chẳng hạn, Trung Quốc có thể tăng cường dự trữ chiến lược dầu mỏ, duy trì quy mô dự trữ dầu mỏ quốc gia phù hợp với quy mô tiêu thụ dầu mỏ, đồng thời khuyến khích các nguồn vốn xã hội tham gia xây dựng và vận hành các cơ sở dự dữ dầu mỏ, nâng cao năng lực dự trữ và điều tiết khí đốt tự nhiên, thúc đẩy xây dựng các cơ sở dự trữ khí đốt tự nhiên...
 
Giáo sư Hà Thanh nhấn mạnh, việc đẩy nhanh chuyển đổi sang năng lượng xanh và ít phát thải carbon một mặt cần phát triển các loại năng lượng mới như quang điện, phong điện…, mặt khác phải nâng cao địa vị của năng lượng sinh học.
 
Ngoài ra, cần hỗ trợ cung cấp năng lượng hóa thạch trong nước, thúc đẩy khai thác và sử dụng than an toàn, thông minh và sạch, nâng cao năng lực sản xuất khí đốt tự nhiên, tập trung đột phá thăm dò và khai thác các loại khí đốt tự nhiên đặc biệt như khí đá phiến, khí vỉa than…
 
Song song với đó, việc thúc đẩy khai thác quy mô hóa khí đá phiến để tăng cường nguồn cung khí đốt tự nhiên trong nước cũng rất quan trọng./.
Theo: Bnews