Ảnh: cleantechsolarvietnam.vn
Thay vì tính điện mặt trời với giá cố định 9,35 cent/kWh (tương đương 2.134 đồng/kWh, chưa gồm VAT) theo dự thảo của Bộ Công Thương, sau ngày 30.6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ mua điện dựa vào vùng bức xạ (4 vùng, theo địa lý) và loại dự án (nổi trên mặt nước, mặt đất, tích hợp hệ thống lưu trữ và dự án điện mặt trời áp mái). Trong đó, điện mặt trời áp mái sẽ có giá cao nhất, từ 1.803-2.486 đồng/kWh.
Dòng điện dịch chuyển
Chính điều này đã khiến cả thị trường có một cuộc chạy đua để đưa các dự án vận hành trước ngày 30.6. Tuy nhiên, vì thời gian có hạn (chỉ khoảng 1 năm rưỡi) nên nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp tham gia vào các dự án điện mặt trời quy mô lớn không tăng tốc kịp. Kết quả, Ninh Thuận, địa phương có nhiều dự án điện mặt trời nhất (29 dự án được cấp phép, với tổng công suất thiết kế 1.938MW), đã xin gia hạn hưởng giá mua điện ưu đãi đến năm 2020. Các doanh nghiệp như GEC, Fujiwara, Trí Việt, Bách Khoa Á Châu... đều tìm cách tăng tốc để không bị lỡ cơ hội. Theo tiết lộ của Bộ Công Thương, dự kiến sẽ có khoảng 1.000MW từ các nhà máy điện mặt trời sẽ đưa vào vận hành đến cuối năm nay.
Mặc dù vậy, ông Mai Văn Trung, Giám đốc Phát triển kinh doanh của SolarBK, nhận định, diễn biến giá mua bán điện mặt trời chỉ thực sự nóng ở phân khúc điện mặt trời nổi và mặt đất, do quy mô đầu tư lớn. Còn trong phân khúc điện mặt trời áp mái - lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam đang tập trung tham gia và có nhiều ưu thế (về triển khai lắp đặt, chăm sóc khách hàng, tạo trải nghiệm, liên kết với EVN...) thì tác động của biểu giá mua điện mặt trời trước và sau ngày 30.6.2019 không thật mạnh mẽ.
Theo ghi nhận chung, khách hàng đầu tư vào điện mặt trời áp mái chủ yếu cho mục đích tự sử dụng hơn là bán lại điện cho EVN. Bởi vì, để tạo được nguồn điện dư thừa đủ bán cho EVN, các hộ gia đình phải sinh sống trong những không gian rộng, dạng biệt thự. Ngoài ra, hiện nay, hợp đồng mua bán điện giữa khách hàng và EVN vẫn đang trong quá trình chuẩn bị. Dự kiến cuối tháng 4 này mới có hợp đồng chính thức. Chính phủ cũng đã ban hành quy định mới về mua bán điện theo 2 chiều giao - nhận, thay vì cơ chế bù trừ điện năng như trước. Quy định này hứa hẹn tháo gỡ các vướng mắc về thanh toán, cách tính giá điện.
Đích nhắm 2 triệu hộ gia đình
Các nhà kinh doanh tin rằng, khi giá điện trên thị trường đã tăng thêm 8,36%, kể từ ngày 20.3.2019, nhu cầu tìm đến điện mặt trời để chủ động, tiết kiệm sẽ càng tăng cao. Theo tính toán của ông Mai Văn Trung, nếu đầu tư hệ thống điện mặt trời (khoảng 3kWp) có thể giúp gia đình tiết kiệm được một nửa chi phí tiền điện cũng như giảm tiêu thụ lượng điện từ mạng lưới điện quốc gia.
Trong khi đó, chi phí lắp đặt trọn gói cho hệ thống điện mặt trời áp mái của SolarGATES chỉ còn 20 triệu đồng/kWp. Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối kinh doanh của SolarBK, cho biết thêm, chi phí này sẽ còn giảm nữa vào giữa năm nay nhờ vào những giải pháp tích hợp dọc của SolarBK. Mục tiêu của SolarGATES, đơn vị thuộc SolarBK và đang nắm hơn 45% thị phần nội địa, là sẽ tăng quy mô lên gấp 10 lần trong năm nay, ước cung cấp giải pháp điện mặt trời cho 3.000-4.000 hộ gia đình. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, có hàng trăm công ty tham gia cung cấp gói giải pháp lắp đặt hệ thống điện áp mái như Ông Mặt Trời (GP Solar), Lithaco, SolarTime, Solar Store, SolarE, Mặt Trời Đỏ (Red Sun), Vũ Phong, Dat, Samtrix, Savina Power... Hầu hết các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này đều hoạt động dưới hình thức phân phối, thương mại. Chỉ một số ít công ty Việt như SolarBK, Mặt Trời Đỏ đầu tư nhà máy tấm pin riêng để chủ động và tạo dựng thương hiệu.
Thực tế, tấm pin năng lượng mặt trời là cuộc chơi của các nhà đầu tư ngoại. Bởi vì, đầu tư này đòi hỏi vốn lớn, từ hàng chục triệu USD đến cả trăm triệu USD. Đơn cử, tổng vốn đầu tư cho nhà máy tấm pin của First Solar (Mỹ) ở Củ Chi tính đến hiện nay đã lên đến 830 triệu USD. First Solar cam kết sẽ tiếp tục đầu tư với tổng vốn 1,2 tỉ USD. Ngoài First Solar còn phải kể đến HT Solar, Trina Solar (Trung Quốc), Vina Solar, Canadian Solar (Canada), JA Solar (Hồng Kông)... đã và đang xây nhà máy tại Việt Nam.
Trong một thị trường điện mặt trời áp mái dựa nhiều vào tấm pin nhập khẩu thì việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ rất khó khăn. Nhiều công ty đã nhập tấm pin, inverter... có chất lượng, hiệu quả kém về lắp đặt, tạo ra cuộc cạnh tranh về giá. Theo bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, đây là lý do để SolarBK muốn cùng các công ty trong ngành tham gia xây dựng thị trường điện mặt trời áp mái chuẩn mực. SolarGATES đã bắt tay với BIC để bảo hiểm sản lượng điện và đã kêu gọi được hơn 40 đơn vị cùng trên 100 nhà phân phối tiềm năng ngỏ ý hợp tác.
Với trên 2 triệu hộ gia đình đủ điều kiện lắp đặt, trong khi chỉ chưa tới 1.000 hộ gia đình ở TP.HCM lắp đặt điện mặt trời áp mái, tiềm năng thị trường này còn rất lớn. Đó là chưa tính đến nhóm công ty, xí nghiệp cũng có nhu lắp đặt điện cho sản xuất kinh doanh. Ngay EVN cũng tham gia lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái để giảm tải áp lực từ đầu tư và nguồn cung điện. Vì thế, cuộc đua đón điện mặt trời mới chỉ bắt đầu khởi động.