Tin thế giới

Chìa khóa cho tương lai của năng lượng Châu Phi

Thứ ba, 24/3/2009 | 10:20 GMT+7
Lục địa lớn thứ hai trên thế giới đang trông chờ vào thủy điện để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Một số dự án lớn hiện đang được triển khai hoặc đang trong giai đoạn thiết kế.

Ảnh 1. Công trình Tekeze ở Ethiopia
Là một lục địa đang phát triển, lâu nay Châu Phi vẫn tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm nhẹ thiếu hụt kinh tế và năng lượng. Các quốc gia phát triển đã chung tay hỗ trợ tài chính cho lục địa này nhằm thúc đẩy ổn định và mở rộng kinh tế, trong khi đó các tổ chức nhân đạo quốc tế cũng đã khởi xướng hàng loạt những nỗ lực cứu trợ nhằm cải thiện đời sống người dân. Mặc dù vậy, châu Phi vẫn phải đối mặt nhiều thử thách về kinh tế và xã hội, bao gồm tình trạng thiếu điện, thiếu nguồn cung cấp nước sạch tin cậy và tương đối ít cơ hội tạo việc làm.

Tuy vậy, một hệ thống kinh tế và nguồn năng lượng tin cậy, tái tạo đang ngày càng lộ rõ trên khắp lục địa đông dân đứng thứ hai trên thế giới này. Với tiềm năng là nguồn năng lượng tái tạo quan trọng, thủy điện đang thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo ở châu Phi và trên thế giới. Lý do: tình trạng nhiều người dân Châu Phi không được tiếp cận điện năng hiện nay là một vấn đề nghiêm trọng, gây ra hàng loạt hậu quả kinh tế cũng như môi trường. Ngăn cản phát triển thương mại và việc làm; thiếu khả năng làm lạnh thực phẩm và thuốc men cộng với mất điện thường xuyên là những vấn đề mà nếu khắc phục được, sẽ khuyến khích tăng trưởng thương mại và công nghiệp.

Một số quốc gia Châu Phi, trong đó có Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Uganda và Zambia đã đầu tư vào các dự án thủy điện và phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này để đáp ứng nhu cầu năng lượng của họ. Một số nước khác như Nam Phi và Ai Cập, khai thác rất ít năng lượng từ thủy điện. Tuy nhiên, trong điều kiện dân số châu Phi tiếp tục gia tăng, thủy điện sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn trong việc thoả mãn nhu cầu năng lượng ngày một cao của lục địa. Kết luận này dựa theo báo cáo năm 2006 của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund - WWF) có tiêu đề “Đáp ứng nhu cầu năng lượng của Châu Phi: Chi phí và lợi ích của thủy điện.”

Báo cáo trên nêu rõ: “Đặc biệt, tiềm năng lớn về thủy điện của châu Phi xem ra là phương án lựa chọn hấp dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng. Trong nhiều trường hợp, các đập thủy điện cũng được phát triển vì phù hợp với chức năng đa mục tiêu như kiểm soát lũ, cung cấp nước tưới tiêu và nước sạch. Không có gì đáng ngạc nhiên khi mà thủy điện đang nhận được sự chú ý ngày càng nhiều từ các sáng kiến khác nhau.”

Chẳng hạn như tại Zambia, dự án điện độc lập Kafue Gorge Lower công suất 750 MW đang bắt đầu triển khai và được Công ty Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation - IFC), thành viên của tập đoàn Ngân hàng Thế giới hỗ trợ một phần. Chính phủ Zambia và ZESCO (công ty điện lực nhà nước) hy vọng dự án sẽ đẩy lui tình trạng thiếu điện, tăng công suất để cung cấp cho ngành khai thác mỏ đang phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Zambia, đất nước có dân số đang tăng nhanh. MWH đang lập luận chứng kinh tế kỹ thuật cho dự án, đồng thời cũng giúp lựa chọn nhà sản xuất điện độc lập. Đây là một trong các dự án điện lớn nhất đã lên kế hoạch của nước này, dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 6 năm. Khi xây dựng xong, công trình sẽ đóng góp 25% nguồn điện của cả nước.

 Nhà máy thủy điện Kiira (Ugnada)

Tổng nhu cầu điện của Zambia hiện nay là khoảng 1.600 MW, dự kiến sẽ đạt 2.500 MW trong vòng 5 đến 7 năm tới.

Uganda là một quốc gia nữa ở châu Phi theo đuổi giải pháp thủy điện để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Đất nước này có tỷ lệ điện khí hóa thấp, chỉ khoảng 5% dân số được sử dụng điện. Nhu cầu trong nước giờ đây đã vượt quá công suất nguồn điện hiện có. Để góp phần giảm nhẹ tình trạng thiếu hụt năng lượng, MWH đang cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các chủ đầu tư dự án thủy điện Bujagali công suất 250 MW trên sông Nile Victoria ở Uganda. Dự án được khởi công vào tháng 8 năm 2007 và dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Sau khi được đưa vào vận hành, dự kiến nhà máy sẽ tăng gấp đôi công suất nguồn điện của cả nước và sẽ cung cấp điện năng đang được khao khát, mà theo dự kiến của các quan chức trong nước, sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu tại lễ công bố tài trợ cho dự án, ông Rashad Kaldany, giám đốc cơ sở hạ tầng của IFC cho biết: “Dự án thủy điện Bujagali là thành phần quan trọng trong chiến lược phát triển hệ thống điện tin cậy và phạm vi cung cấp rộng của Uganda, một yếu tố rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đất nước. IFC hài lòng vì dự án đã bắt đầu triển khai. Dự kiến công trình này sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu điện, cắt giảm phát thải CO2 ở Uganda, do đó nhu cầu điện năng từ nguồn nhiệt điện đắt hơn sẽ bớt đi.”

Ưu tiên thủy điện

Những năm gần đây, các cơ quan chức năng ngành điện Hoa Kỳ có phần không mặn mà với việc đầu tư vào các dự án mới về đập và thủy điện - do những quan ngại về thủ tục pháp lý - thì trong khi đó, các nước đang phát triển lại xếp thủy điện vào diện ưu tiên. Mặc dù ở một số nước châu Phi, những rào cản về pháp lý không nặng nề bằng, tuy nhiên các công ty kỹ thuật và quan chức chính quyền địa phương phụ trách các dự án này cần ưu tiên đưa vào áp dụng các quy định bắt buộc phải tuân thủ tại các nước phát triển. Thực hiện điều này sẽ giảm thiểu những cạm bẫy tiềm tàng gắn liền với thủy điện, kể cả những hiểm họa về môi trường và xã hội. Khi cân nhắc những vấn đề này, điều quan trọng đối với các công ty kỹ thuật tham gia dự án thuỷ điện tại châu Phi hoặc các nước khác là làm việc một cách trung thực và cởi mở với các quan chức sở tại và nắm vững những thông lệ tốt nhất trong ngành. Tài liệu “Hướng dẫn về đảm bảo tính bền vững tiêu chuẩn đánh giá” do Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (International Hydropower Association – IHA) lập là một ví dụ tốt.

Xu hướng sử dụng thủy điện tại các quốc gia đang phát triển cần được tiếp tục duy trì bền bỉ trong những năm tới. Tại các nước đang phát triển, hơn 70% thủy điện khả thi về mặt kinh tế vẫn chưa được khai thác trong khi nhu cầu điện năng đang bùng nổ. Theo báo cáo năm 2008 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, thì mức tiêu thụ năng lượng của thế giới dự báo sẽ tăng 50% trong giai đoạn 2005 - 2030. Tại các nước nằm ngoài Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng nhu cầu năng lượng đặc biệt cao. Tại các quốc gia không thuộc tổ chức OECD, nhóm bao gồm nhiều nước Châu Phi, tổng nhu cầu năng lượng dự báo sẽ tăng 85% trong giai đoạn 2005 - 2030, so với mức tăng 19% của các nước OECD.

Các nhà máy thủy điện ở châu Phi, ví dụ như nhà máy Kariba tại Kariba Gorge trên sông Zambezi nằm giữa các nước Zambia và Zimbabwe, và nhà máy Cahora Bassa  trên sông Zambezi tại Mozambique, đã giúp mở rộng phạm vi cung cấp điện tới các vùng đô thị và khu công nghiệp, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại đó. Các nước có những công trình thủy điện lớn cũng được hưởng lợi thông qua xuất khẩu điện sang các nước châu Phi khác, trong đó có Nam Phi, Nigeria và Ai cập.

Nhiều ngân hàng quốc tế lớn và chính phủ một số nước châu Phi đang lập kế hoặc xây dựng một dự án thủy điện lớn tại Cộng hòa Dân chủ Congo, công suất vượt xa bất kỳ công trình thủy điện hiện có nào. Tuyến đập này tại châu Phi hiện đã có hai nhà máy thủy điện Inga 1 và Inga 2. Dự án thủy điện và đập mới được đề xuất này với tổng chi phí lên tới 80 tỉ USD mang tên Grand Inga dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất điện của cả châu Phi nếu như được xây dựng. Các quan chức chính quyền cùng với một số ngân hàng trên thế giới đang thúc đẩy dự án này, mà một phần lớn là do điện năng được sản xuất từ năng lượng tái tạo và tính kinh tế của dự án. Ngoài ra có thể có những lợi ích tiềm tàng như bán tín dụng cacbon cho ngành công nghiệp tại các nước phát triển.

Tuy nhiên, các nhà phê bình lập luận rằng những dự án lớn như Grand Inga ít có tác dụng trong việc giải quyết nhu cầu của những người dân nghèo nhất ở châu Phi. Một số cho rằng việc xây dựng các dự án thủy điện và đập lớn ít có khả năng mang lại lợi ích cho người nghèo của lục địa này do dự kiến tài chính đòi hỏi phải có ít nhất một lượng điện được xuất sang các vùng công nghiệp hiện có mà tình trạng thiếu hụt năng lượng là phổ biến. Cùng với vấn đề tái định cư liên quan đến các dự án đập lớn, mối quan ngại này mặc dầu có ưu điểm nhưng phải được các nhà lãnh đạo châu Phi và kỹ sư tham gia dự án xử lý và giảm nhẹ thì những dự án này mới có thể được coi là thành công.

 Ảnh 2. Đập Tekeze

Hiện nay hơn một nửa tỷ dân châu Phi vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, và vấn đề này đặc biệt rõ nét tại các khu vực nông thôn. Tuy nhiên, nếu phối hợp các dự án thủy điện lớn và nhỏ cùng với các nguồn năng lượng khác thì có thể giải quyết khó khăn này. Các công trình thủy điện nhỏ đang được quan tâm ngày một nhiều hơn, phần lớn do các nhà hoạch định chính sách nhận thấy giá trị trong việc bổ sung các nguồn điện năng phân tán có thể sản xuất điện 24 giờ một ngày, đồng thời thúc đẩy tạo công ăn việc làm. Theo nghiên cứu của WWF, thủy điện với quy mô nhỏ hơn cũng cho thấy triển vọng, đặc biệt đối với việc điện khí hóa nông thôn khi kết hợp với các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Thủy điện có tiềm năng đáng kể trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Phi nhưng giờ đây mới được phát huy một phần, do chỉ có một tỉ lệ phần trăm thấp các dự án có thể khai thác ở lục địa này đang được triển khai. Gần đây việc xây dựng các dự án thủy điện ở châu Phi đang tăng, cụ thể là có hơn 7.500 MW công suất đang được triển khai. Cơ hội sản xuất thủy điện lớn hơn rất nhiều bởi vì tiềm năng thuỷ điện khả thi về kinh tế ở Châu Phi lên tới khoảng 850 TWh mỗi năm. Để hiểu rõ hơn con số này, lưu ý rằng trong tất cả các lục địa trên thế giới, chỉ châu Á (4.500 TWh) và Nam Mỹ (1.500 TWh) là có tiềm năng thủy điện lớn hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa, châu Phi đã sẵn sàng để hưởng lợi ích thông qua việc ứng dụng thủy điện ngày càng nhiều.

Theo QLNĐ số 2/2009