Hội nghị Khoa học và công nghệ điện lực toàn quốc năm 2017. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.
Ngày 15/11, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp cùng Hội Điện lực Việt Nam tổ chức Hội nghị Khoa học và công nghệ điện lực toàn quốc năm 2017. Hội nghị với 65 báo cáo, tham luận từ các đơn vị, được chia ra với 4 phân ban về truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và nguồn điện, sẽ giúp phổ biến, chia sẻ các kiến thức và các đề tài nghiên cứu khoa học trong ngành điện.
Theo Hội Điện lực Việt Nam, hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh ngành điện Việt Nam đang gấp rút hoàn thành các kế hoạch sản xuất kinh doanh trong điều kiện diễn biến thời tiết, thiên nhiên có nhiều bất lợi, ảnh hưởng đến các công trình điện lực và công tác quản lý vận hành lưới điện ở nhiều địa phương.
Nhiều đơn vị điện lực lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Điện lực Than – Khoáng sản đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động khoa học, công nghệ và sản xuất kinh doanh.
Hội Điện lực Việt Nam cũng cho biết, về nguồn điện, sau khi hoàn thành công trình thủy điện lớn cuối cùng trên bậc thang sông Đà – Nhà máy Thủy điện Lai Châu, công trình thủy điện lớn thứ ba của cả nước đã vượt tiến độ 1 năm, làm lợi khoảng 5.000 tỷ đồng.
Hiện nay, công cuộc phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo cũng đang được các đơn vị quan tâm. Hay như trong lĩnh vực truyền tải điện, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đang xây dựng chiến lược phát triển với công nghệ hiện đại, hiệu quả và năng suất hoạt động cao. Việc tự động hóa lưới điện phân phối, xây dựng hạ tầng đo đếm tiên tiến, nâng cao độ tin cậy và chất lượng dịch vụ cung cấp điện cũng là mối quan tâm hàng đầu của các Tổng công ty điện lực.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, EVN là đơn vị có hàm lượng khoa học công nghệ cao trong điều hành và sản xuất kinh doanh điện. Khoa học công nghệ cũng là động lực quan trọng giúp tập đoàn đảm bảo đủ điện năng cho phát triển kinh tế. Nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam trong những năm qua tăng trưởng cao. Trung bình từ năm 2010 đến 2016 là 11,5% và theo tổng sơ đồ điện, dự báo trong thời gian tới tiếp tục tăng trưởng mức trên 10% cho đến 2020. Đây là mức tăng cao so với các nước trong khu vực. Như vậy, để đáp ứng mức tăng trưởng đó, nhu cầu đầu tư vào hệ thống điện cũng tương đối cao, với tổng mức đầu tư khoảng 7,9 tỷ USD/năm.
“Khoa học công nghệ sẽ là giải pháp góp phần giúp tập đoàn thực hiện được mục tiêu nâng cao độ tin cậy và đảm bảo an ninh năng lượng hệ thống điện Việt Nam. Tập đoàn mong muốn, các đơn vị tham gia sẽ có cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực điện lực, từ đó tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển hơn nữa các hoạt động khoa học trên toàn quốc”, ông Hải nói.
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Ban Khoa học công nghệ - EVN cho biết, những năm qua, EVN đã triển khai thành lập Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học ứng dụng. Đồng thời, tổ chức lại các đơn vị chế tạo thiết bị điện theo hướng ứng dụng các công nghệ mới; khuyến khích các đơn vị chế tạo thiết bị áp dụng công nghệ mới chất lượng tốt và chủ động làm chủ công nghệ mới; khuyến khích nghiên cứu đề tài/sáng kiến có hàm lượng công nghệ cao để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.
Nhờ đó, EVN đã có hàng chục đề tài cấp Tập đoàn, hàng nghìn sáng kiến cấp đơn vị mỗi năm. Đặc biệt, các đề tài cấp nhà nước đã được EVN thực hiện trong giai đoạn 2014-2017. Chẳng hạn như đề tài Nghiên cứu lựa chọn và ứng dụng các giải pháp hợp lý áp dụng cho lưới điện phân phối Việt Nam đạt tiêu chuẩn thông minh và Đề tài Hoàn thiện thiết kế và quy trình công nghệ chế tạo MBA 220kV đạt tiêu chuẩn IEC…
Ngoài ra, còn những nghiên cứu như sản xuất thiết bị hạn chế dòng điện ngắn mạch đã được lắp đặt tại Trạm biến áp Bình An đạt hiệu quả cao, hạn chế được thiệt hại do dòng ngắn mạch tăng cao lên máy biến áp, nghiên cứu về sửa chữa điện hotline cũng giúp việc giảm thiểu thời gian cắt điện để sửa chữa, thay thế thiết bị trên lưới.
Tính chung toàn EVN, tổng thời gian mất điện trong năm của khách hàng bình quân là 1.579 phút, giảm 25% so với năm 2015. Tần suất mất điện kéo dài bình quân là 10,23 lần/khách hàng, giảm 23% so với năm trước. Tần suất mất điện thoáng qua bình quân là 1,94 lần/khách hàng, giảm 4,35% so với năm 2015.
Ngoài ra, về chỉ số tiếp cận điện năng, thời gian bình quân giải quyết cấp điện đối với lưới trung áp tại 5 Tổng công ty Điện lực là 6,52 ngày, ngắn hơn so với chỉ tiêu (10 ngày)...