Tin trong nước

Chiến lược nguồn nhân lực để thích ứng với quá trình chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi số

Thứ ba, 6/12/2022 | 20:43 GMT+7
Đó là chủ đề Hội nghị lần thứ 10, Nhóm công tác số 5 Diễn đàn lãnh đạo ngành Điện khu vực Đông Nam Á (gọi tắt là HAPUA) về công tác nhân sự, được tổ chức tại Cam Ranh (Khánh Hòa) ngày 6/12/2022.
 

Phó Tổng giám đốc EVN – Nguyễn Tài Anh phát biểu tại hội nghị.
 
Tham dự Hội nghị có ông Wahizan Abdul Rahman – Trưởng Nhóm công tác số 5 về phát triển nguồn nhân lực – HAPUA, lãnh đạo ngành Điện của các quốc gia thành viên HAPUA.
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Đinh Thế Phúc – Thành viên HĐTV EVN, ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc EVN, ông Trần Việt Anh – Trưởng ban Tổ chức và Nhân sự (EVN), lãnh đạo 32 đơn vị trực thuộc EVN.
 
Phát biểu tại Hội nghị, ông Wahizan Abdul Rahman – Trưởng Nhóm công tác số 5 về phát triển nguồn nhân lực – HAPUA cho biết: Khu vực ASEAN nơi sinh sống của 668 triệu người, đã có một giai đoạn tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững. ASEAN được ưu đãi với các nguồn năng lượng phong phú như khí đốt, dầu mỏ, thủy điện và than đá. Sự năng động của khu vực ASEAN sẽ đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho ngành Điện. Thách thức mới đối với ngành Điện là quản lý và cung cấp điện phù hợp với yêu cầu của khách hàng.

Ông Wahizan Abdul Rahman – Trưởng Nhóm công tác số 5 về phát triển nguồn nhân lực – HAPUA phát biểu tại hội nghị.
 
Các nhà lãnh đạo nhân sự ngày nay có vai trò to lớn tại doanh nghiệp để thúc đẩy năng suất, hiệu quả công việc, đồng thời duy trì quyền cá nhân, tính toàn diện và sự gắn kết các nhân viên. Vì thế, ứng dụng công nghệ trong quản trị nhân lực cần được tận dụng để đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên số.
 
Ông Wahizan Abdul Rahman đánh giá: Năm 2022 là một năm rất thành công và hiệu quả đối với Nhóm công tác số 5 của HAPUA. Tất cả các dự án theo kế hoạch của đều được hoàn thành xuất sắc, điều này phản ánh tinh thần hợp tác và cam kết giữa các đơn vị điện lực trong khu vực. Nhóm công tác số 5 khẳng định đây là một diễn đàn rất hiệu quả để nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia ASEAN nói chung và giữa các công ty điện lực của mỗi quốc gia nói riêng.
 
Tuy nhiên, ông Wahizan Abdul Rahman cũng cho rằng, hiện nay Chính phủ các nước ASEAN đều cam kết quốc tế nhằm kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Những cam kết đó của Chính phủ các nước ngày càng thể hiện rõ trong chính sách tại mỗi quốc gia. Những yếu tố này, cùng với việc áp dụng rộng rãi các phương thức làm việc kết hợp và các vấn đề từ chương trình “tăng trưởng xanh” khiến người sử dụng lao động phải xem xét lại các vấn đề về môi trường và tính bền vững.
 
Những người làm nhân sự đóng một vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện thuận lợi và cho phép thay đổi trong “chuyển dịch năng lượng xanh”, đặc biệt là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phù hợp về các vấn đề bền vững. Cuộc họp này đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền đạt những quản trị mới nhất trong ngành Điện khu vực để cộng đồng doanh nghiệp ASEAN hội nhập, giao tiếp và hợp tác tốt hơn thông qua các hoạt động đào tạo và kết nối.

Trưởng đoàn các quốc gia thành viên HAPUA và lãnh đạo EVN.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc EVN – Nguyễn Tài Anh cho biết: Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một quá trình chuyển đổi cơ bản, nổi bật là cải cách, đổi mới, với tư duy và mô hình phát triển mới gắn với tăng trưởng bền vững và cân bằng. Ngay cả khi chúng ta giải quyết những thách thức từ đại dịch, cùng với các vấn đề toàn cầu tiếp theo, chúng ta vẫn phải tiếp tục tập trung vào cuộc khủng hoảng khí hậu và coi tính bền vững là cốt lõi của mọi việc chúng ta làm. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nước ASEAN, do chúng ta rất dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế, mỗi quốc gia thành viên đều nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của chuyển đổi carbon thấp.
 
Tại Việt Nam, đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt khoảng 78.000 MW, trở thành quốc gia dẫn đầu ASEAN về quy mô hệ thống điện. Để đạt được kết quả này nhờ chính sách của Chính phủ mà nguồn năng lượng tái tạo phát triển mạnh. Mặc dù vậy, nhiệt điện vẫn chiếm tỷ trọng trên 32% trong hệ thống, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ giảm dần tỷ lệ này để đảm bảo thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26. Sự thay đổi này cùng với xu hướng chuyển đổi số đang thịnh hành trên toàn thế giới đặt ra yêu cầu đối với EVN và mọi cơ quan/đơn vị điện lực ASEAN thay đổi sâu sắc không chỉ về quy trình kinh doanh mà cả mô hình kinh doanh và đặc biệt là năng lực nguồn nhân lực.

Lãnh đạo cùng thành viên các đoàn tại Hội nghị lần thứ 10, Nhóm công tác số 5 HAPUA.
 
Chủ đề “Chiến lược nguồn nhân lực để thích ứng với quá trình chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi số” được chọn cho Hội nghị lần này nhằm khuyến khích các nước ASEAN tiếp tục các hoạt động sản xuất, đầu tư và kinh doanh để tạo điều kiện quản lý hiệu quả và tin cậy theo xu hướng chuyển đổi năng lượng lớn và chuyển đổi kỹ thuật số.
 
Để đạt được những mục tiêu chung, Cộng đồng HAPUA luôn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của các cơ quan ban ngành, hiệp hội, tổ chức và cơ quan trong khu vực và quốc tế. Sự hợp tác bền chặt của HAPUA đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn và hỗ trợ lẫn nhau về chính sách năng lượng, nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ đáp ứng tiêu chí an ninh năng lượng, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
EVN luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, hỗ trợ và hợp tác tốt nhất với các đơn vị thành viên trong HAPUA nhằm hiện thực hóa thành công các sáng kiến, dự án, nghiên cứu hợp tác của HAPUA,... góp phần vào sự phát triển của khu vực ASEAN và nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.
 
Tại Hội nghị, Ban thư ký đã sàng lọc và đưa vào danh sách 35 bài tham luận từ các đơn vị khác nhau, trong đó trình bày tại Hội nghị 20 tham luận. Các tham luận được trình bày phản ánh sự đa dạng của các sáng kiến theo chủ đề năm nay. Thông qua hội thảo với tương tác hai chiều, giúp các đơn vị tối đa hóa và tối ưu hóa lợi ích của các chương trình này. 
Lã Linh