Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh đặt tại Voronezh Oblast, Nga.
Xây dựng chính sách năng lượng dài hạn và minh bạch
Ở bất cứ quốc gia nào, việc xây dựng và thực thi chính sách năng lượng cũng cần tầm nhìn và minh bạch, đặc biệt với Nhật Bản, quốc gia phải hứng chịu tai nạn nhà máy điện Fukushima 2011 và là tấm gương phản chiếu rõ nét tác động của chính sách năng lượng.
Sự kiện Fukushima đã tác động trực tiếp đến chính sách năng lượng Nhật Bản, khiến chính phủ nước này quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và thay thế nguồn cung bằng điện từ nhiệt điện, khí thiên nhiên hóa lỏng (nhập khẩu nhiên liệu 90%), năng lượng tái tạo... Như vậy trong khi căng sức đưa đất nước phục hồi sau thảm họa, các ngành công nghiệp còn bị chất thêm gánh nặng giá điện tăng. Để giải quyết tình huống này, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định vận hành trở lại 5 lò phản ứng năng lượng từ cuối năm 2018. Đây là bước khởi đầu chuẩn bị cho việc thực thi Kế hoạch năng lượng chiến lược lần thứ 5 tầm nhìn 2030 và đến 2050, một chính sách năng lượng dài hạn hướng đến một cấu trúc cung cầu năng lượng đa lớp, đa dạng và linh hoạt, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào một loại hình năng lượng và có thể tận dụng thế mạnh của các nguồn năng lượng khác nhau.
Mới đây, Tổ chức doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) đã kêu gọi minh bạch hóa chính sách năng lượng, hỗ trợ sự phát triển dài hạn của lĩnh vực sản xuất hiện nhằm đáp ứng những thay đổi xã hội đầy ý nghĩa. Với báo cáo “Tái xây dựng hệ thống điện hỗ trợ Nhật Bản” (Rebuild The Power System That Supports Japan), Keidanren nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chính sách năng lượng của đất nước nghèo tài nguyên này. Năng lượng là “trục chính của nền kinh tế đất nước” và vì vậy việc thảo luận về tương lai năng lượng của đất nước cần phải được công khai trên cơ sở tầm nhìn dài hạn, khoa học và mô hình hóa. Báo cáo cũng nêu rõ, “điện hạt nhân là nguồn năng lượng thiết yếu cho Nhật Bản cũng như thế giới”, vì thế một tương lai không chắc chắn có thể dẫn đến sự mất mát năng lực công nghệ cũng như nguồn nhân lực hạt nhân. Đây là tài sản đáng giá của một quốc gia khan hiếm tài nguyên khi theo đuổi các mục tiêu trong chính sách năng lượng.
Trong tình trạng hiện tại, thật thách thức để có thể giữ được những điều tiên quyết của chính sách năng lượng – đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng, hợp lý về giá cả và ít phát thải. Nhật Bản đang chờ đợi để góp phần vào chương trình Society 5.0 - một kế hoạch chuyển đổi xã hội lớn của quốc gia này nhằm giải quyết các vấn đề xã hội như dân số sụt giảm và già hóa, hỗ trợ số hóa... bằng những công nghệ tiên tiến. Do điều kiện địa lý, sự phân bố dân cư và khu công nghiệp mà trong tương lai, có thể Nhật Bản phải phân cấp quản lý theo vùng. Để đem lại thành công cho việc quy hoạch đất nước, cần phải chuẩn bị cho cả kế hoạch năng lượng. Vì những nguyên nhân đó, Keidanren đã kêu gọi chính phủ minh bạch hóa chính sách năng lượng để các doanh nghiệp có thể thiết lập một chiến lược đầu tư “tương xứng và hợp lý”.
Năng lượng hạt nhân trong chính sách năng lượng
Dưới góc nhìn của nhiều người, năng lượng hạt nhân có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng dưới góc nhìn của các nhà khoa học, đây lại là một giải pháp quan trọng cho môi trường toàn cầu. Năm 2013, một nhóm bốn nhà khoa học khí hậu gồm TS. Ken Caldeira (Phòng Sinh thái học toàn cầu, Viện Carnegie), TS. Kerry Emanuel (Viện Công nghệ Massachusetts), TS. James Hansen (Viện Trái đất, trường đại học Columbia) và TS. Tom Wigley (trường đại học Adelaide và Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia Úc) đã gửi thư ngỏ nhằm thuyết phục “những ai có ảnh hưởng đến chính sách môi trường nhưng đối đầu với điện hạt nhân” thay đổi quan điểm để “ủng hộ sự phát triển và triển khai các hệ thống năng lượng hạt nhân an toàn hơn”.
Dù biết việc công khai quan điểm sẽ “trao uy tín của mình cho các nhà hoạt động môi trường ‘siêu xanh’ công kích, coi như tội bội tín” - lời nhận xét của nhà vật lý đoạt giải Nobel Burton Richter và là người chỉ trích thủ tướng Đức Angela Merkel về sai lầm trong chính sách năng lượng khiến Đức trở thành quốc gia phát thải khí nhà kính cao nhất EU - bốn nhà khoa học này vẫn dũng cảm nhận định, vấn đề của năng lượng tái tạo là “sự gia tăng về quy mô không đủ nhanh để đạt tới mức giá rẻ và thực tế trước những yêu cầu của nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng” và đề xuất “những quyết định về hệ thống năng lượng cần được đặt trên cơ sở của sự thật chứ không phải dựa vào cảm tính và thiên kiến”. Họ cho rằng, dù các nhà máy điện hạt nhân ngày nay chưa thực sự hoàn hảo nhưng hệ thống an toàn thụ động (passive safety system) và những tiến bộ về công nghệ khác có thể khiến chúng trở nên an toàn hơn rất nhiều. Do đó, năng lượng hạt nhân sẽ “là một trong số những công nghệ sẽ đóng vai trò thiết yếu trong bất kỳ nỗ lực có hiệu quả nào để phát triển một hệ thống năng lượng không phát thải”.
Năm năm sau, dù bị đánh giá là còn nhiều thiên kiến với năng lượng hạt nhân thì báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (ICPP) cũng phải thừa nhận vai trò của nó thông qua việc đưa nguồn năng lượng này vào cả 4 kịch bản giới hạn sự ấm lên toàn cầu từ năm 2030 đến năm 2050.
Tuy nhiên, việc phát triển điện hạt nhân không chỉ phụ thuộc vào ngành công nghiệp, mà phụ thuộc rất lớn vào sự dài hạn của chính sách năng lượng quốc gia. Trong hội thảo Kế hoạch nghiên cứu trung hạn và dài hạn về chương trình phát triển an toàn lò phản ứng do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tổ chức vào ngày 3 và 4/10/2017, giáo sư Waclaw Gudowski (Viện Công nghệ hoàng gia Thụy Điển KTH) đã nêu sự khác biệt của năng lượng hạt nhân so với các loại hình năng lượng khác, đó là cần thiết phải có sự cam kết của chính phủ trong xây dựng và triển khai các dự án điện hạt nhân, vốn có thời gian khai thác trên 60, 70 năm. Ông cũng thừa nhận rất khó đảm bảo được điều này bởi “vòng đời của một nhà máy điện hạt nhân dài hơn gấp nhiều lần nhiệm kỳ của một chính phủ”.
Dù khó nhưng cũng có cách giải quyết, theo báo cáo “Tương lai của Năng lượng hạt nhân trong một thế giới chứa carbon” (The Future of Nuclear Energy in a Carbon-Constrained World) của nhóm hợp tác nghiên cứu Sáng kiến năng lượng MIT công bố vào tháng 8/2018. John Parsons, đồng tác giả báo cáo và là nhà nghiên cứu của Trường Quản lý Sloan (MIT) nhấn mạnh, “chính phủ cần tạo ra những chính sách để cắt giảm carbon mới bằng việc tạo một cơ hội cân bằng cho các nguồn năng lượng ít phát thải carbon như năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân..., xem xét các lựa chọn để thúc đẩy đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạt nhân”.
Để giải quyết được hai nguyên nhân khiến năng lượng hạt nhân bị nghi ngại là chi phí đầu tư cao và tính an toàn, nghiên cứu đã nêu ba điểm chính mà các chính phủ cần quan tâm khi xây dựng chính sách: 1. Tái cơ cấu thị trường điện năng để các nhà đầu tư có thể chờ đợi vào những dự án nhà máy điện hạt nhân có chi phí thấp hơn và cạnh tranh hơn; 2. Tập trung vào những địa điểm đã được nhận diện là đủ điều kiện xây dựng nhà máy điện hạt nhân và phát triển các dịch vụ tương ứng có khả năng áp dụng ngay trên các lò phản ứng hạt nhân hiện hành; 3. Đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và trình diễn các công nghệ hạt nhân tiên tiến, trong đó việc đầu tư cần được chia làm bốn cấp độ là đầu tư để chia sẻ các chi phí cấp phép điều hành nhà máy điện hạt nhân, đầu tư để chia sẻ chi phí R&D, đầu tư để đạt được các mốc quan trọng về kỹ thuật, đầu tư để tạo ra các uy tín nhằm thúc đẩy việc trình diễn thử nghiệm các thiết kế lò phản ứng mới. Tuy chưa đầy đủ và đồng bộ nhưng một số quốc gia đã phát triển điện hạt nhân như Nga, Thụy Điển hay Hàn Quốc... đều có áp dụng thành công những giải pháp này, đặc biệt là Nga thông qua Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom.
Họ cũng lưu ý, việc đóng cửa sớm các lò phản ứng năng lượng chưa hết vòng đời không chỉ làm lãng phí kinh phí đầu tư, mà còn ảnh hưởng đến nỗ lực giảm thiểu phát thải và tăng chi phí cho các giải pháp khác để đạt các mục tiêu cắt giảm khí thải.