Ông Tô Thế Cường - Giám đốc TTĐ Hà Nội (ngoài cùng bên trái) kiểm tra tình hình mang tải các thiết bị tại trạm biến áp 500kV Thường Tín.
Theo đó, đơn vị đã chỉ đạo các trạm biến áp (TBA), tổ thao tác lưu động (TTLĐ), đội truyền tải điện (Đội TTĐ) tăng cường kiểm tra định kỳ đường dây và các trạm biến áp, theo dõi những máy biến áp, tuyến đường dây (ĐZ) có nguy cơ đầy, quá tải, vệ sinh bảo dưỡng, kiểm tra các thiết bị điện, đo nhiệt độ các điểm tiếp xúc đặc biệt đối với các ngăn lộ tải cao, các ngăn lộ có thiết bị vừa mới thay thế, các ngăn lộ đường dây được cấp nguồn từ các nhà máy nhiệt điện, thủy điện để kịp thời xử lý những điểm phát nhiệt.
Tại các trạm biến áp có vai trò đặc biệt quan trọng, thường xuyên có các ngăn lộ và máy biến áp vận hành ở chế độ đầy và quá tải như các trạm biến áp 220kV: Hà Đông, Thành Công, Chèm, Mai Động, Long Biên, Vân Trì; trạm biến áp 500kV Thường Tín, Đông Anh, trong các ngày nắng nóng, ngay sau khi kết thúc thời gian chạy đầy và quá tải phải tiến hành soi phát nhiệt tăng cường ngay. Đồng thời kiểm tra hệ thống bơm nước tuần hoàn làm mát cánh tản nhiệt các máy biến áp để sẵn sàng hoạt động khi cần; Kiểm tra các hệ thống mạch dòng, mạch áp, bảo vệ, điều khiển, tín hiệu đảm bảo hoạt động tốt. Tại các tổ TTLĐ có các TBA không người trực yêu cầu phải tăng cường nhân lực để trực, thường xuyên theo dõi thiết bị đảm bảo xử lý các tình huống kịp thời, chính xác.
Đơn vị cũng rà soát toàn bộ hệ thống rơ le bảo vệ, hệ thống sa thải phụ tải đảm bảo cài đặt đúng theo phiếu chỉnh định; hệ thống làm mát bằng nước các MBA tại các Trạm biến áp đảm bảo hoạt động tốt...
Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra thiết bị trên các tuyến đường dây, kịp thời phát hiện khiếm khuyết và các nguy cơ vi phạm hành lang đe doạ gây sự cố. Những phát sinh có khả năng gây mất an toàn phải được xử lý ngay và báo cáo kịp thời về đơn vị.
Tại các vị trí có nguy cơ gây sự cố phải theo dõi thường xuyên, bố trí lực lượng trực tại chỗ nhằm đảm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đường dây vận hành liên tục. Tăng cường kiểm tra hành lang tuyến, ngăn ngừa các hiện tượng vi phạm hành lang an toàn lưới điện như cây đổ, các phương tiện cơ giới va chạm gây sự cố đường dây. Đặc biệt lưu ý với các hành vi ném vật lạ lên đường dây và các đơn vị ngoài thi công vận chuyển, cẩu vật tư thiết bị cây cối trong và gần hành lang lưới điện, ngăn chặn hiện tượng đốt rẫy cháy rừng trong hành lang tuyến hoặc cháy lan từ ngoài vào trong hành lang tuyến gây sự cố cho các đường dây cao áp, thả diều vật bay, đốt rơm rạ. Kiểm tra, bảo dưỡng các trang thiết bị dụng cụ thi công, vật tư dự phòng, hệ thống thông tin liên lạc, phương tiện đi lại để phục vụ công tác xử lý nhanh khi có sự cố xảy ra và các phương tiện phòng cháy chữa cháy để kịp thời đáp ứng khi cần thiết.
Nhân viên quản lý vận hành TBA kiểm tra đo nhiệt độ các điểm tiếp xúc của thiết bị.
Ngoài ra, TTĐ Hà Nội cũng làm việc với chính quyền địa phương, Phòng An ninh kinh tế – công an các tỉnh, thành có đường dây đi qua, về đảm bảo vận hành an toàn, ổn định lưới điện truyền tải; ký cam kết đảm bảo an toàn hành lang lưới điện với các ban quản lý các khu công nghiệp, khu đô thị, UBND xã, phường, thị trấn và các hộ dân sinh sống dọc theo đường dây, các hộ có đất dưới các tuyến đường dây. Đặc biệt yêu cầu các TBA, tổ TTLĐ, đội TTĐ lập phương án ngăn ngừa sự cố, phương án đảm bảo cung cấp điện và triển khai nhiệm vụ cụ thể báo cáo hàng ngày hoặc khi có bất kỳ hiện tượng bất thường trên lưới, thiết bị và toàn bộ CBCNV nâng cao ý thức, trách nhiệm công việc, thực hiện nghiêm kỷ luật vận hành, an toàn lao động để đảm bảo tuyệt đối an toàn cung cấp điện mùa nắng nóng năm 2022.