Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành: EVNNPT phải giữ vững vị trí TOP 3 trong khu vực ASEAN

Thứ sáu, 7/1/2022 | 20:59 GMT+7
Ngày 7-1-2022, tại Hà Nội, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia – EVNNPT (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. 

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành trao Cờ thi đua của Chính phủ cho EVNNPT. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành tới dự và phát biểu chỉ đạo.
 
Trong năm 2021, EVNNPT đã vận hành hệ thống điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định, góp phần cùng EVN đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước với sản lượng điện truyền tải đạt 200,86 tỷ kWh, đạt 94,1% kế hoạch EVN giao;  xảy ra 101 vụ sự cố, giảm 58 vụ sự cố tương ứng với giảm 36,5% so với năm 2020. Tất cả các chỉ tiêu suất sự cố đều đạt thấp hơn so với kế hoạch được giao. Các sự cố đã được EVNNPT tập trung xử lý nhanh, khôi phục cấp điện kịp thời, không để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng lớn đến quá trình cung cấp điện cho phụ tải và gây mất điện trên diện rộng; thực hiện khối lượng sửa chữa lớn đạt 827,3 tỷ đồng/1.150 danh mục, đạt 95,5% kế hoạch vốn giao và 98,5% danh mục theo kế hoạch, góp phần đảm bảo chất lượng lưới điện truyền tải, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận hành; thực hiện nghiêm túc theo các quy định về công tác an toàn. Trong năm, không để xảy ra sự cố cháy nổ đối với trụ sở, kho tàng và đối với thiết bị do nguyên nhân chủ quan; không xảy ra các sự cố lớn do thiên tai, các sự cố do các cơn bão, mưa lũ được khắc phục nhanh chóng, đảm bảo truyền tải cung cấp điện liên tục, ổn định; giảm  được 99 vụ vi phạm hành lang an toàn (HLAT), đạt chỉ tiêu giảm số vụ vi phạm, không xảy ra tai nạn trong dân do hành lang. Công tác môi trường tại tất cả các dự án đang xây dựng cũng như đang vận hành đều được thực hiện tốt từ khâu lập dự án đến quá trình dự án đi vào hoạt động, trong năm 2021 không xảy ra sự cố môi trường. 
 

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành trao Cờ thi đua của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho các đơn vị dẫn đầu. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Trong năm 2021, EVNNPT đã hoàn thành khối lượng đầu tư với giá trị giải ngân  đạt 16.499 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch; giải ngân khối lượng đầu tư thuần 11.328 tỷ đồng, đạt 97,7% kế hoạch; phê duyệt được 108 báo cáo nghiên cứu khả thi, tăng 27,1%; phê duyệt 58 thiết kế kỹ thuật, tăng 65,7%; thực hiện lựa chọn nhà thầu cho 1.052 gói thầu các loại với tổng giá trị trúng thầu 9.001,7 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 7,45%; tổ chức lựa chọn nhà thầu rộng rãi qua mạng cho 839 gói thầu, đạt tỷ lệ 98,13% về mặt số lượng gói thầu và chiểm tỷ lệ 72,73% về mặt giá trị trong tổng số gói thầu đấu thầu rộng rãi. 

Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Năm 2021, EVNNPT đã khởi công 41/45 dự án kế hoạch, trong đó, có nhiều dự án trọng điểm phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và đảm bảo cung cấp điện như: Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, Trạm biến áp 500kV Vân Phong, nâng công suất các TBA 500kV Pleiku 2, Đăk Nông; các đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống, Huội Quảng - Nghĩa Lộ - Việt Trì; các TBA 220kV Tương Dương, , Vĩnh Châu, Năm Căn, Duyên Hải,  220kV Phố Nối… Đóng điện 42/56 dự án kế hoạch, trong đó, các dự án đóng điện có vai trò hết sức dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, Năng lượng tái tạo, Thủy điện và các dự án phục vụ đảm bảo cung cấp điện: Các đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2, Mỹ Tho - Đức Hòa, TBA 500kV Đức Hòa, NCS TBA 500kV Pleiku 2; các đường dây 220kV Mường Tè - Lai Châu, Đông Hà - Lao Bảo, Quảng Ngãi - Quy Nhơn; các TBA 220kV Thủy Nguyên, Bến Lức, Giá Rai...
 

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
EVNNPT đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ thực hiện chủ đề năm 2021 về chuyển đổi số theo kế hoạch đề ra. Kết quả, đã hoàn thành 112/106 nhiệm vụ theo kế hoạch, trong đó, hoàn thành vượt trước tiến độ 7 nhiệm vụ thuộc kế hoạch chuyển đổi số thuộc giai đoạn 2022-2025, như: Triển khai hệ thống văn phòng số (D-Office) thống nhất toàn Tổng công ty đến đơn vị cấp 4, đã ứng dụng D-Office để thực hiện các nghiệp vụ như: Thẩm định dự án đầu tư, Thẩm định Hồ sơ thầu, Thẩm định Quyết toán, Giấy đề nghị chuyển tiền ...; đưa vào sử dụng chính thức phần mềm Thư viện tài liệu với gần 350.000 tài liệu kỹ thuật và gần 1.000 văn bản pháp quy toàn Tổng Công ty; sử dụng các công nghệ họp trực tuyến để tổ chức các cuộc họp, các buổi đào tạo của Tổng công ty, đã thực hiện hơn 800 cuộc họp trực tuyến; chỉ đạo thực hiện các gói thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi qua mạng; các hồ sơ đã được xử lý/lưu trữ qua điện tử và số hóa; triển khai Hệ thống phần mềm IMIS 2.0 và nhật ký điện tử trong toàn Tổng công ty; triển khai thành công trạm biến áp 220 kV Thủy Nguyên, trạm biến áp số đầu tiên tại Việt Nam; thực hiện lắp đặt camera giám sát và thử nghiệm tích hợp AI trên hệ thống camera giám sát đường dây truyền tải điện, triển khai số hóa bản đồ lưới điện hiện trạng 220kV-500kV; triển khai sử dụng Camera giám sát công tác thi công các công trình đầu tư xây dựng, thí điểm sử dụng phần mềm Gantter để quản lý tiến độ các dự án lưới điện giải tỏa công suất cụm Vân Phong.

Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú báo cáo tổng kết năm 2021. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Triển khai việc xây dựng đề án mô hình thông tin công trình (BIM) cho các dự án TBA Duy Xuyên và TBA 220kV Krông Ana và đấu nối; Phần mềm PMIS đã hoàn thành cập nhật dữ liệu thiết bị và triển khai quy trình sửa chữa bảo dưỡng theo CBM cho máy biến áp và máy cắt. Đã phối hợp chỉ đạo triển khai 4 hệ thống phần mềm chính phục vụ công tác quản lý, vận hành lưới điện đó là: Hệ thống quản lý đường dây truyền tải điện, Hệ thống quản lý trạm biến áp bằng thiết bị thông minh, Hệ thống quản lý thí nghiệm, Hệ thống quản lý an toàn, Hệ thống Quản lý sửa chữa lớn; chủ động thực hiện được các hệ thống điều khiển tích hợp SICAM PAS của SIEMENS, Zenon của COPADATA, SurvalentOne của Survalent, MicroSCADA của ABB và đang tiếp tục thực hiện nghiên cứu làm chủ các hệ thống DS Agile của GE, PACiS của ALSTOM và PCS9700 của Nari. 
Công đoàn Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia nhận Bằng khen của Chính phủ. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
EVNNPT đã tập trung triển khai thực hiện Chiến lược “Ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực truyền tải điện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040” cùng các Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại EVNNPT”, “Lưới điện thông minh của EVNNPT”; hoàn thành các Dự án và Đề án: Trạm biến áp số; Giám sát nhiệt động đường dây, Mô hình thông tin công trình; Hệ thống an toàn, an ninh thông tin; Thiết bị bay không người lái và nghiên cứu ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh; Hệ thống giám sát thiết bị nhất thứ; áp dụng rộng rãi các chương trình phần mềm quản lý như các chương trình ERP, Quản lý kỹ thuật, Phần mềm thu thập, quản lý dữ liệu đo đếm từ xa và theo dõi, phân tích tổn thất điện năng, Quản lý dự án đầu tư xây dựng; triển khai báo cáo điện tử, chữ ký điện tử và D-office trong toàn EVNNPT; hoàn thành chuyển đổi 107 TBA điều khiển xa; đang tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin để đưa vào sử dụng trong thời gian tới như: Chương trình quản lý tài sản, Chương trình quản lý thông tin bản đồ GIS, Hệ thống cơ sở dữ liệu dựa trên mô hình thông tin chung (CIM), phần mềm Quản lý an toàn EVNNPT,... 
 


Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng trao Cờ thi đua của EVNNPT cho các đơn vị có thành tích xuất sắc. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTVEVN Dương Quang Thành đã ghi nhận, trong bối cảnh dịch bệnh COVID – 19 tác động nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động SXKD, Đảng ủy EVNNPT đã khẳng định được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh có lợi nhuận, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của EVN năm 2021.
 
EVNNPT đã vận hành hệ thống điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định, góp phần cùng EVN đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân. Tất cả các chỉ tiêu suất sự cố đều thấp hơn so với kế hoạch giao, số sự cố lưới truyền tải giảm 36,5% so với năm 2020; công tác quyết toán tiếp tục được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, được quản triệt là công tác trọng tâm, thường xuyên, liên tục; tiết kiệm 10% chi phí so với định mức; chuyển đổi TBA theo tiêu chí không người trực, đạt 100% kế hoạch. Đặc biệt, EVNNPT đã triển khai thành công TBA số đầu tiên tại Việt Nam (TBA 220kV Thủy Nguyên – Hải Phòng) và đóng điện TBA đầu tiên áp dụng mô hình thông tin công trình BIM (TBA 220kV Krông Ana), hoàn thành cập nhật dữ liệu thiết bị trên phần mềm PMIS và triển khai quy trình sửa chữa bảo dưỡng theo CBM cho máy biến áp và máy cắt, chủ động thực hiện được các hệ thống điều khiển tích hợp TBA của các nhà sản xuất nổi tiếng như SIMENS, ABB…
 

Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú trao Giấy khen của EVNNPT cho các đơn vị có thành tích xuất sắc. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Chủ tịch Dương Quang Thành yêu cầu EVNNPT, hoàn thiện, đẩy mạnh việc áp dụng bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các thiết bị theo tình trạng vận hành (CBM) cả về quy mô, chủng loại thiết bị nhằm ngăn ngừa sự cố và tăng cường độ tin cậy, ổn định của Hệ thống truyền tải điện, đặc biệt, là Hệ thống 500kV Bắc – Nam trong bối cảnh tiếp tục truyền tải cao trên cung đoạn Trung – Bắc giải tỏa công suất các Trung tâm Điện lực, nguồn năng lượng tái tạo…; phấn đấu giảm tổn thất điện năng về 2,15% trong năm 2022; thay đổi mạnh mẽ về tư duy, thói quen bảo dưỡng, sửa chữa theo thời gian sang tư duy theo tình trạng thiết bị đúng, trúng và hiệu quả; tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm đối với các dự án, công trình lưới điện, đảm bảo chất lượng công trình và hoàn thành đúng tiến độ; tiết kiệm chi phí trong đầu tư xây dựng 10% dự toán được duyệt; tiếp tục đẩy mạnh, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý vận hành, như: Trung tâm điều khiển, TBA không người trực, TBA kỹ thuật số, giám sát được dây bằng thiết bị bay không người lái, ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh, giám sát nhiệt động đường dây, làm chủ công nghệ hệ thống điều khiển tích hợp TBA, bản đồ GIS…; hoàn thành số hóa toàn bộ công tác đầu tư xây dựng từ chuẩn bị đầu tư đến quyết toán dự án…Đặc biệt, giữ vững vị trí TOP 3 Công ty Truyền tải điện trong khu vực ASEAN giai đoạn 2022 – 2025.

Chủ tịch Công đoàn EVNNPT phát động phong trào thi đua trong năm 2022. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Thanh Mai