Tin thế giới

Chứng chỉ xanh trong ngành năng lượng tái tạo (Phần 1)

Thứ ba, 25/5/2010 | 10:40 GMT+7

Bài báo bàn luận các vấn đề phương pháp luận về chủng loại “chứng chỉ xanh” và việc sử dụng các chứng chỉ này trong cơ chế hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo (NLTT).

Phát hành, lưu thông & sử dụng chứng chỉ xanh

Tiền thân của hệ thống các chứng chỉ xanh xuất hiện đầu tiên ở Hà Lan vào những năm 1997 - 1998 như một công cụ hạch toán và theo dõi việc sản xuất và tiêu thụ điện năng từ NLTT dưới cái tên “hệ thống nhãn hiệu xanh, từ đó xuất hiện thuật ngữ “chứng chỉ xanh”. Như chúng ta đều biết, sau khi truyền đi từ thanh cái máy biến áp nhà máy điện tới hộ tiêu thụ, điện năng trở nên “mất cá tính”. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là hộ tiêu thụ không thể biết điện năng họ đang tiêu thụ đến từ nhà máy điện nào, trừ một số trường hợp hiếm hoi. Để áp dụng các cơ chế đặc biệt hỗ trợ các nguồn điện năng nhất định mà cụ thể là nguồn điện NLTT, cần phải giải quyết hai nhiệm vụ: Nhận diện một cách chính xác sản lượng điện năng đó (i) khi sản xuất và (ii) khi tiêu thụ.

Sử dụng phương pháp trực tiếp thường không chính xác hoặc sẽ phải tốn kém rất nhiều. Tình hình còn phức tạp hơn trong các sơ đồ hoạt động “pool” năng lượng khu vực (điện năng từ các nguồn hoà trộn với nhau), sử dụng các hiệp định “swap” (trao đổi) điện năng,...

Vào cuối những năm 1990, người ta đề xuất hệ thống sử dụng chứng chỉ xanh đặc biệt để chứng thực điện năng được sản xuất từ NLTT. Để nhận được chứng chỉ này, đơn vị phát điện phải qua các thủ tục xét duyệt, mà theo luật của Nga, phải được chứng thực là đủ tư cách.

Ở Nga, việc chứng thực đơn vị phát điện là đủ tư cách do Hội đồng thị trường (cơ quan điều tiết điện lực quốc gia) hoặc do một cơ quan được Hội đồng này ủy quyền thực hiện; các quy tắc, tiêu chí và trình tự chứng thực tư cách là đơn vị phát điện từ NLTT do Chính phủ ấn định.

Yêu cầu về chứng thực tư cách đơn vị phát điện là vấn đề mới, do cơ quan lập pháp ban hành. Các tiêu chuẩn chứng thực từ cách bao gồm:

- Đơn vị phát điện hoàn toàn sử dụng NLTT hoặc sử dụng kết hợp NLTT và các nguồn năng lượng khác.
- Đơn vị phát điện đang trong vận hành.
-  Đơn vị phát điện đã được đấu nối theo đúng trình tự xác định vào lưới điện của cơ quan lưới điện và được trang bị các phương tiện đo lường tương ứng với các yêu cầu của Luật ngành điện.
- Đơn vị phát điện đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu đúng với các mục đích đề ra trong khuôn khổ các phương hướng chính của chính sách nhà nước trong lĩnh vực NLTT và hiệu quả năng lượng.

Thủ tục chứng thực đủ tư cách thuộc dạng xét duyệt đơn đăng ký và thực chất là kiểm tra các văn bản nộp lên của người làm đơn. Có trường hợp phải thanh tra đơn vị phát điện. Hội đồng thị trường ra quyết định chứng thực tư cách của đơn vị phát điện trên cơ sở kết luận đơn vị phát điện NLTT đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra, đưa đơn vị phát điện này vào danh mục các đơn vị phát điện từ NLTT đủ tư cách và cho phép phát hành các chứng chỉ cho đơn vị phát điện đó căn cứ vào sản lượng điện đã được chứng thực.

Sau khi đã chứng thực tư cách và thực tế đơn vị phát điện bắt đầu sản xuất điện bằng NLTT, sẽ phát hành các chứng chỉ xanh đặc biệt, chứng thực rằng đơn vị phát điện đã sản xuất và bán trên thị trường một lượng nhất định điện NLTT tức là năng lượng xanh.

Để nhận được trợ cấp, đơn vị phát điện xin Cơ quan phát hành chứng chỉ xanh đưa đơn vị vào danh sách như đã nêu trên. Điều này chỉ có thể thực hiện được đối với những đơn vị phát điện đã được chứng thực đủ tư cách. Trên thực tế chứng chỉ xanh không phải là tờ giấy, mà là những số liệu ghi chép trong cơ sở dữ liệu điện tử, cũng giống như vẫn thường làm với các cổ phiếu. Tiếp sau đó, các chứng chỉ mà đơn vị phát điện nhận được sẽ được gửi lên cơ quan vận hành thương mại thị trường, thuộc thành phần của Hội đồng thị trường và thực hiện chức năng người tổ chức bán buôn các hàng hóa và dịch vụ. Cơ quan vận hành thương mại thị trường tính tổng số tiền phải thu góp từ thị trường bán buôn để trả cho các đơn vị phát điện NLTT đã nộp chứng chỉ xanh. Tiến hành tính tiền bằng cách nhân tổng số chứng chỉ từ các đơn vị phát điện từ dạng NLTT này hoặc dạng NLTT khác với mức trợ cấp do chính phủ ấn định.

Thí dụ trong một tháng nào đó, các đơn vị phát điện đã nộp cho cơ quan vận hành thương mại thị trường các chứng chỉ 200 MWh điện năng từ năng lượng gió, 150 MWh điện năng từ sinh khối và 1.300 MWh điện năng từ thủy điện nhỏ. Mức trợ cấp cho các dạng NLTT tương ứng (giả định) là: 2.500 rúp/1 MWh năng lượng gió, 1.400 rúp/1 MWh điện sinh khối, 2.400 rúp/1 MWh thủy điện nhỏ. Do đó, cơ quan vận hành thị trường phải thu từ thị trường tổng số tiền là:

200 MWh x 2.500 rúp/MWh
+ 150 MWh x 1.400 rúp/MWh
   + 1.300 MWh x 2.400 rúp/MWh = 3.830.000 rúp.

Tổng số tiền này được phân bổ cho những người mua trên thị trường bán buôn theo tỷ lệ với lượng điện năng họ mua trong tháng đó và đưa vào tài khoản thanh toán của họ trong tháng. Tiếp sau đó, cơ quan vận hành thương mại thị trường phân phối tổng số tiền nhận được từ người bán theo các bản thanh toán đã thực hiện và tính thêm các tổng nói trên vào tài khoản của từng đơn vị phát điện NLTT - những thành viên của thị trường bán buôn.

Cơ quan chuyên môn phát hành các chứng chỉ này được gọi là “cơ quan phát hành”. Theo thể lệ của Hiệp hội quốc tế RECS (Renewable Certificate System), ứng với mỗi loại chứng chỉ trong một lĩnh vực chỉ được có một cơ quan phát hành. Bên cạnh Hiệp hội RECS đã hình thành hiệp hội quốc tế các cơ quan phát hành quốc gia AIB (Association of Issuing Bodies) tương tác với RECS.

Hiệp hội quốc tế RECS đăng ký vào tháng 3/1999 tại Bruxen hiện bao gồm gần 200 thành viên từ 24 nước châu Âu và có nhiệm vụ thành lập và phát triển thị trường các chứng chỉ NLTT trên toàn châu Âu. Hiệp hội thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu của một số công ty điện lực lớn của châu Âu là thành lập một hệ thống buôn bán quốc tế các chứng chỉ trên các thị trường tự do hóa của Liên minh châu Âu (EU).

Cơ quan phát hành quốc gia phải là thành viên của AIB để đảm bảo việc phát hành và sử dụng các chứng chỉ được thực hiện theo đúng các quy chế và tiêu chuẩn thống nhất. Để mở tài khoản chứng chỉ AIB nhằm thực hiện các nghiệp vụ với các chứng chỉ, đơn vị hữu quan (đơn vị sản xuất, cung cấp, bán buôn) phải gia nhập RECS International.

Số lượng chứng chỉ phát hành phải tương ứng với sản lượng điện năng sản xuất ra. Thông thường các chứng chỉ là bội số của MWh. Số phận tiếp theo của các chứng chỉ phụ thuộc vào hệ thống hỗ trợ phát triển NLTT do nhà nước lựa chọn. Mặc dầu hệ thống phát hành chứng chỉ như nêu trên không phải là hệ thống hỗ trợ, nhưng nó là công cụ bắt buộc, không có nó thì không một hệ thống nào có thể hoạt động được (xem hình ve).

Trong sơ đồ hệ thống hỗ trợ NLTT có hạn ngạch, các chứng chỉ được chuyển đến sàn giao dịch để bán cho các công ty. Các công ty này phải chứng minh được là đã thực hiện các hạn mức được giao (sản xuất, tiêu thụ, nhập khẩu) về NLTT. Các chứng chỉ được huỷ ngay sau đó để tránh thanh toán hai lần hoặc gian lận.

Sự vận động của chứng chỉ, theo các quy tắc của RECS International, không đi kèm với sự chuyển vận của năng lượng vật chất. Các đơn vị không sản xuất ra NLTT có thể mua chứng chỉ cho các mục tiêu của mình. Điều quan trọng cần lưu ý là chứng chỉ trở thành vật thể lưu thông trên các thị trường đặc biệt và nhận được giá trị trường của chúng.

Quy mô phát hành và lưu thông chứng chỉ NLTT

Theo số liệu thống kê, kể từ năm 2001, trên thế giới

• Đã phát hành 404 triệu chứng chỉ.
• Đã chuyển nhượng 137 triệu chứng chỉ.
• Đã thanh toán 250 triệu chứng chỉ.

Giá bán buôn chứng chỉ vào giữa tháng 7/2008 trung bình là 0,21 Euro cho toàn bộ các dạng NLTT. Do đó, trị giá toàn bộ thị trường chứng chỉ năm 2008 là gần 33 triệu Euro. Tuy nhiên giờ đây có thể thấy rõ rằng trong vòng 2 - 3 năm tới, trị giá này sẽ tăng thêm vài lần. Thí dụ giá hợp đồng chứng chỉ điện năng của các nhà máy thủy điện năm 2009 là 0,29 Euro (năm 2007 là 0,18 Euro), nhưng sang năm 2010 đã là 0,375 Euro, năm 2011 là 0,44 Euro. Giá chứng chỉ điện năng các trạm phát điện gió năm 2008 là 1,24 Euro. Giá bán lẻ còn cao hơn nhiều. Các nước xuất khẩu lớn các chứng chỉ là Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, những nước nhập khẩu lớn nhất là Hà Lan, Áo, Bỉ, gần sát sau đó là Đức và Pháp.

Một số kết luận sơ bộ

1) Chứng chỉ xanh là công cụ mới để điều tiết thị trường điện năng, được sử dụng cho các mục tiêu khác nhau có quan hệ đến sản xuất và tiêu thụ NLTT:

- Cung cấp tư liệu về giá trị sinh thái và giá trị kinh tế tương ứng của điện năng từ NLTT được nhà nước thừa nhận và chứng thực.
- Cho quyền nhận được trợ cấp về NLTT theo luật định.
- Là công cụ tính toán thống kê sản lượng điện NLTT theo các công nghệ phát điện khác nhau và giúp đánh giá mức độ đạt được các mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực này.

2) Chứng chỉ xanh là phương tiện lưu thông trên thị trường quốc tế và được các hệ thống luật thương mại và thuế, kế toán, thương mại của vài chục nước châu Âu và các châu lục khác thừa nhận.

3) Các quốc gia vẫn chưa có lý giải nhất quán về tiêu chuẩn - phương pháp luận các quy chế luật pháp và nội dung kinh tế của chứng chỉ xanh.

Theo: QLNĐ số 3/2010