Ảnh minh họa: VIT
Hôm 26/4, Huaneng Power, nhà cung cấp điện lớn nhất của nước này, khởi công xây dựng một lò phản ứng hạt nhân trên đảo Hải Nam. Tuần trước đó, công ty công bố đạt sản lượng điện tăng 40% trong quý I năm nay. Cũng khoảng thời gian này, Datang International Power, nhà sản xuất điện lớn thứ hai, cho biết sản lượng điện của hãng cũng tăng 33%. Sức tăng với quy mô lớn như vậy, dù ở nhiều nước mơ cũng khó đạt được, nhưng lại khá phổ biến ở Trung Quốc.
"Cuộc bùng nổ xây dựng nhà máy điện của Trung Quốc đóng góp khoảng 80% công suất sản xuất điện tăng thêm mới của thế giới trong những năm gần đây và sẽ còn tiếp tục", Edwin Chen tại ngân hàng đầu tư Credit Suisse, nói. Công suất tăng thêm riêng năm nay sẽ vượt qua công xuất tất cả các nhà máy đã lắp đặt của Brazil, Italia, Anh cộng lại và gần bằng mức của Đức và Pháp. Tới năm 2012, mỗi năm Trung Quốc có thể sản xuất nhiều điện hơn Mỹ, nước hiện đang đứng đầu trong ngành này.
Đằng sau cuộc chuyển đổi là vô số hình thức can thiệp của chính phủ. Mặc dù không nước nào có thị trường tư nhân hoàn hảo trong lĩnh vực sản xuất điện, nhưng tại Trung Quốc, sự can thiệp lại đặc biệt phổ biến. 5 nhà sản xuất thuộc quản lý của nhà nước, trong đó có Huaneng và Datang, kiểm soát 45% thị trường và các nhà máy nhà nước nhỏ hơn chiếm 50% nữa. Hầu hết số tiền bỏ ra năm 2008, đều sinh lợi tương đối thấp trong năm 2009, và sẽ ít có khả năng tạo lợi nhuận đặc biệt trong tương lai.
Tuy nhiên, một lần nữa vì các chỉ thị của chính phủ, các nhà máy này lại đầu tư rất lớn vào các tài sản cố định, mà chủ yếu lấy vốn từ các khoản cho vay lãi suất thấp của các ngân hàng nhà nước. Điều này không chỉ cho phép các nhà cung cấp tại Trung Quốc sản xuất điện với giá rẻ hơn so với ở những nước đang phát triển khác, mà còn loại bỏ được tính bất ổn hay việc phải đàm phán thế chấp với các tổ chức phát triển quốc tế hay các cơ quan tín dụng xuất khẩu song phương.
Việc mở rộng công suất sản xuất nhằm nhiều mục đích. Các quan chức Trung Quốc cũng ý thức rằng điện năng dồi dào có thể giúp thu hút các nhà đầu tư, những người hay hoài nghi về quá trình công nghiệp hóa "bập bùng" ở các thị trường mới nổi. Điện giá rẻ và ổn định là một lý do giải thích tại sao Trung Quốc vẫn là địa điểm "yêu thích" của ngành chế tạo, ngay cả khi chi phí lương tăng so với những nước như Bangladesh, Indonesia, Philippine và Việt Nam.
Tuy nhiên, thành công này cũng có cái giá của nó. Điện giá rẻ thúc đẩy mở rộng các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng, như sản xuất thép, đúc nhôm, những ngành chỉ càng làm Trung Quốc phụ thuộc vào điện hơn bất cứ nền kinh tế lớn nào (xem biểu). Điều này, đến lượt nó, lại khiến cho nền kinh tế Trung Quốc phải chịu những thay đổi về giá than, dầu và khí tự nhiên. Nó cũng biến Trung Quốc trở thành kẻ "tội đồ" gây ra những vấn đề môi trường toàn cầu khi những cột khí gây hiệu ứng nhà kính của nước này xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Các quan chức Trung Quốc cũng ý thức được những vấn đề này và từ lâu đã đẩy mạnh các biện pháp dù tốn kém nhằm phát triển những nguồn năng lượng thay thế và giảm hao phí trong tiêu thụ điện. Việc sử dụng điện từ than sẽ tiếp tục tăng (dù cho các nhà máy nhiệt điện mới có trở nên hiệu quả và sạch hơn), nhưng đóng góp của nhiệt điện trong tổng sản lượng điện của Trung Quốc sẽ giảm từ 75% xuống 65%, ông Chen của Credit Suisse dự đoán. Thủy điện sẽ mở rộng hơn 50%, nhưng đóng góp trong tổng sản lượng sẽ giảm đôi chút chút từ 21% xuống 20%. Phong điện sẽ là ngành phát triển mạnh, tăng đóng góp từ 3% lên 7%, cũng như hạt nhân, từ 1% lên 5%. Phần còn lại sẽ bao gồm những loại như pin mặt trời và lò đốt.
Với tỷ lệ cung cấp điện nói chung như trên, chính phủ Trung Quốc hy vọng sẽ tận dụng được sự chuyển đổi này để thúc đẩy phát triển kinh tế. 3 nhà máy thuộc kiểm soát của nhà nước nữa - Shanghai Electric, Harbin Power Equipment and Dongfang Electric - đã nhận được số lượng đột biến các hợp đồng cung cấp thiết bị điện từ những nhà máy phát điện nhà nước. Lượng lớn các đơn hàng đã tạo cho những nhà máy quy mô lớn, mà đặc biệt Dongfang (Đông Phương), những khoản thu ngất trời.
Suzlon Energy, nhà sản xuất tua-bin gió của Ấn Độ, bị hạn chế bán hàng sang thị trường bùng nổ của Trung Quốc. Nhưng công ty này vẫn sản xuất tua-bin tại Trung Quốc, vì những lợi thế về hiệu quả dẫn tới giá cả cấu thành sản phẩm rất thấp, dù các đơn hàng lớn đều bị các công ty nội địa hớt tay trên hết. Nhà sản sản xuất điện CLP Hồng Kông cho biết rằng chi phí xây dựng nhà máy điện đã giảm một nửa trong thập kỷ qua, chủ yếu nhờ vào chi phí thiết bị rẻ.
Khi các nhà cung cấp nước ngoài được phép bán sản phẩm tại Trung Quốc, họ thường bị yêu cầu phải chuyển giao công nghệ cho các nhà máy trong nước. Việc mở rộng hàng loạt các nhà máy hạt nhân chính là một ví dụ điển hình. Trong 10 năm qua, chính quyền đã có kế hoạch chi 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (150 tỷ USD) để tăng công suất lên gấp 9 lần. Nước này đã có 21 lò phản ứng đang được xây dựng - nhiều hơn nhiều bất kỳ nước nào khác.
Thực tế, Trung Quốc hy vọng sẽ tiếp thu được bí quyết công nghệ theo lộ trình đó. Khoảng nửa số thiết bị của một đơn vị thuộc nhà máy Lâm Cao, tại Quảng Đông, nơi đã khởi công xây dựng từ năm 2005 và sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay, sẽ được sản xuất trong nước; còn tại đơn vị kế tiếp được hoàn thiện vào năm tới, tỷ lệ nội địa hóa sẽ là 70%. Tới năm 2020, mục tiêu của Trung Quốc là tự xây dựng các lò phản ứng hiện đại, và xuất khẩu công nghệ ra nước ngoài. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã xây dựng một lò phản ứng tại Pakistan, đang tiếp tục xây một lò khác và dự kiến sẽ xây dựng thêm hai lò nữa. Có thể nói, Trung Quốc đang tận dụng có hiệu quả cơn khát điện của mình để đẩy mạnh phát triển kinh tế.