Tin thế giới

Cần có thủ tục mới về kết nối truyền tải áp dụng cho các công trình truyền tải độc lập

Thứ năm, 29/4/2010 | 09:25 GMT+7

Cho đến nay theo truyền thống, các công trình truyền tải ở Mỹ vẫn do các công ty điện lực tổ chức theo chiều dọc xây dựng, để truyền tải điện năng từ các nhà máy điện thuộc sở hữu của họ đến khách hàng cũng là của họ. Mà vì các công ty điện lực xây dựng và sở hữu các công trình nguồn cũng như các công trình truyền tải nên việc kết nối các công trình truyền tải với các công trình nguồn đơn giản chỉ là sự cần thiết nhằm đưa điện năng đến cho khách hàng.

Từ khi có chính sách khuyến khích các công ty không phải là điện lực cũng tham gia phát điện, các nhà sản xuất điện độc lập (IPP) đã xây dựng các công trình nguồn, nhưng theo truyền thống, họ không xây dựng các hệ thống truyền tải để tải điện năng đi. Do vậy, các IPP phải kết nối các công trình nguồn của họ với các hệ thống truyền tải của các công ty điện lực cung cấp dịch vụ truyền tải cho các công trình này.

Ủy ban Điều tiết năng lượng liên bang (Federal Energy Regulatory Commission – FERC) đã nhận diện được nhu cầu của các IPP được tự do kết nối với hệ thống truyền tải. FERC đã ban hành qui định về tiêu chuẩn hoá các thủ tục và thoả thuận, theo đó các nhà máy điện lớn nhỏ đều được phép kết nối với hệ thống truyền tải hiện có.

Trước đây có các công ty không phải điện lực (các nhà sản xuất điện độc lập) chỉ xây dựng các công trình nguồn. Gần đây xu hướng này đã chuyển sang thời các công ty không phải điện lực chỉ xây dựng các công trình truyền tải, nhưng các đường dây này không phải là các công trình đồng bộ với nhà máy điện cụ thể. Động lực của sự chuyển hướng này là hiện đang thiếu các công trình truyền tải để phục vụ đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà máy điện, trong đó có nhiều nhà máy điện chạy bằng nguồn năng lượng tái tạo.

Sự xuất hiện các dự án truyền tải độc lập cho thấy rõ hiện còn thiếu các thủ tục kết nối truyền tải biệt lập so với các thủ tục kết nối nguồn điện trong các vùng khác nhau trong cả nước Mỹ. Dưới đây sẽ phân tích một trong số các dự án mới này, tìm hiểu tình hình hiện nay về thủ tục kết nối truyền tải, và những thách thức mà các thủ tục hiện nay đặt ra, để thấy rõ sự cần thiết phải tiến hành cải cách về vấn đề kết nối truyền tải.

Sự xuất hiện các công trình truyền tải độc lập

Một trong số các công trình truyền tải độc lập đầu tiên đang được triển khai là dự án Green Power Express. Theo thiết kế, dự án sẽ bao gồm các đường dây truyền tải và các công trình liên quan, kéo dài qua các bang North Dakota, South Dakota, Minnesota, Iowa, Wisconsin, Illinois và Indiana, kết nối các công trình nguồn điện gió trong các vùng này và truyền tải khoảng 12 GW công suất điện gió tới các trung tâm phụ tải nằm ở xa các trại phát điện gió này.

Dự án này do một công ty con của ITC Holdings Corp - một công ty truyền tải điện độc lập (Independent electricity transmission company – ITC). Dễ thấy rằng ITC là độc lập bởi thực tế nó không phải là công ty điện lực và cũng không có nguồn điện riêng. Trong 5 năm qua, ITC đã đầu tư xấp xỉ 1 tỉ USD cho việc nâng cấp hệ thống truyền tải điện.

Theo như ITC khẳng định, dự án Green Power Express sẽ đáp ứng mục tiêu của Tổng thống Obama là “đưa điện gió từ bang North Dakota tới các trung tâm dân cư”, và đã giành được sự ủng hộ trong ngành từ các đơn vị tham gia thị trường, bao gồm NextEra Energy (trước đây là FPLE), Iberdrola Renewables, Generation Energy Inc., Montgomery and Power Parters, National Wind, Crownbutte Wind Power và Acciona Energy North America Corporation.

Để kết nối các công trình truyền tải của Green Power Express với các công trình truyền tải khác trong các vùng này, các đơn vị bảo trợ dự án phải đấu tranh nhằm sửa đổi các thủ tục kết nối truyền tải điện hiện nay.

Môi trường pháp lý hiện nay đối với các yêu cầu về kết nối truyền tải

Không như đối với các thủ tục và thoả thuận về yêu cầu kết nối nguồn điện, FERC cũng như các cơ quan vận hành hệ thống truyền tải vùng, tức là cơ quan vận hành hệ thống độc lập (independent system operator – ISO) hoặc tổ chức truyền tải vùng (regional transmission organization - RTO), đều chưa có qui định về thủ tục hoặc thoả thuận tương tự để xử lý các yêu cầu kết nối truyền tải điện đơn thuần.

Vì chưa có các thủ tục tiêu chuẩn hoá nên các ISO, các RTO, và cả các chủ sở hữu truyền tải tại các vùng không được tổ chức theo một ISO hoặc RTO duy nhất, đã áp dụng một hệ thống mang tính chất tình thế để đánh giá các yêu cầu về kết nối truyền tải. Khác với các yêu cầu kết nối nguồn điện, không thấy có hiện tượng xếp hàng thể hiện thứ tự xử lý các yêu cầu kết nối truyền tải. Mặc dầu ở phần lớn các vùng thuộc quản lý của ISO hoặc RTO đều có hiện tượng chồng đống đơn từ chưa giải quyết nhưng một khi đã có vị trí xếp hàng, đơn vị nộp đơn cũng có cơ sở để tin chắc yêu cầu của họ sẽ được xem xét và được xem xét theo thứ tự nào.

Ngoài ra đối với các yêu cầu này, cũng chưa có qui định cụ thể về bộ hồ sơ các nghiên cứu phải thực hiện hoặc thủ tục (hoặc chi phí định sẵn để đáp ứng các nghiên cứu hoặc thủ tục này). Và cuối cùng, các cơ quan chức năng nhà nước cũng chưa xây dựng được thoả thuận chuẩn về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan (thường là chủ sở hữu công trình truyền tải độc lập yêu cầu được kết nối, chủ sở hữu đương nhiệm các công trình truyền tải hiện có, và đơn vị truyền tải vùng) làm cơ sở hợp đồng cho các yêu cầu này.

Những thách thức đặt ra do các thủ tục tình thế

Mặc dù các dự án truyền tải độc lập có thể là nguồn quan trọng các cơ sở hạ tầng mới về truyền tải điện để đưa điện năng đến các trung tâm phụ tải lớn, tuy nhiên bản chất tình thế (tạm thời) của việc xét duyệt yêu cầu kết nối truyền tải đặt ra hai thách thức cơ bản đối với những người bảo trợ các dự án này.

Trước tiên, người bảo trợ phải đối mặt với rào cản ban đầu cần vượt qua là nộp một yêu cầu chưa có thể thức định sẵn tới ISO hoặc RTO, tùy theo trường hợp áp dụng, để kết nối công trình truyền tải điện của mình với công trình truyền tải mục tiêu của chủ sở hữu truyền tải trong vùng. Bởi vì cho đến nay chưa có các thủ tục và thoả thuận tiêu chuẩn đối với loại yêu cầu này nên người bảo trợ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là phải dựa theo các thủ tục và thoả thuận hiện có về yêu cầu kết nối nguồn điện sao cho phù hợp, hoặc là phải làm việc với ISO hoặc RTO để xây dựng một yêu cầu đặc biệt về kết nối truyền tải đơn thuần.

Thứ hai, người bảo trợ lại phải đối mặt với rào cản còn khó khăn hơn nữa là thuyết phục chủ sở hữu truyền tải đương nhiệm để được phép kết nối công trình truyền tải độc lập của mình với công trình thuộc sở hữu của chủ sở hữu truyền tải, mà các công trình này vốn được xây dựng và bảo trì nhằm phục vụ các khách hàng của chủ sở hữu này. Một số chủ sở hữu truyền tải đương nhiệm có thể không mặn mà với việc để một công trình truyền tải độc lập kết nối với các công trình của họ bởi vì công trình truyền tải mới này:

(i) không giúp gì cho việc phục vụ khách hàng của họ,
(ii) có thể sử dụng để truyền tải công suất bên ngoài khu vực địa lý của chủ sở hữu truyền tải,
(iii) có thể yêu cầu phải nâng cấp thêm hệ thống truyền tải để tạo điều kiện dễ dàng cho việc kết nối,
(iv) có thể mất nhiều thời gian và tiền của cho việc nghiên cứu bổ sung về tác động của kết nối lên toàn bộ hệ thống truyền tải trong vùng.

Trong các vùng thuộc quản lý của một ISO hoặc RTO thì tổ chức vùng này có thể đóng vai trò có phần trung lập hơn giúp cho việc xét duyệt yêu cầu kết nối truyền tải được công bằng. Tại những vùng không có tổ chức này, để được kết nối có thể phải vận động hành lang hoặc được sự giúp đỡ của sở hoặc bộ năng lượng để đảm bảo đơn yêu cầu được xem xét.
Các thách thức này ảnh hưởng tới xác suất yêu cầu kết nối truyền tải được xem xét cũng như phê duyệt. Bởi vì để dự án khả thi, phải nhận được giấy phép kết nối hệ thống truyền tải độc lập với hệ thống hiện có trong vùng và một hợp đồng ràng buộc về pháp lý khẳng định quyền này nên giai đoạn đầu của quá trình này gặp nhiều rủi ro, kết quả là người bảo trợ dự án gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận được nguồn tài trợ cần thiết, các cam kết về xây dựng, và hậu cần trong giai đoạn đầu của dự án.

Khuyến nghị cải cách nhằm tiêu chuẩn hoá các thủ tục và thoả thuận

Để khuyến khích phát triển mạnh mẽ các công trình truyền tải điện độc lập trong cả nước, quá trình đệ đơn và đánh giá các yêu cầu kết nối truyền tải điện phải được đảm bảo chắc chắn hơn về các mặt pháp qui và hợp đồng.

Phương pháp tốt nhất để có được sự đảm bảo chắc chắn hơn về các mặt pháp qui và hợp đồng là FERC phải ban hành các thủ tục và thoả thuận tiêu chuẩn hướng dẫn về các yêu cầu kết nối truyền tải đơn thuần. Kinh nghiệm tiêu chuẩn hoá các yêu cầu kết nối nguồn điện cho thấy cần phải ban hành các tiêu chuẩn pháp qui để các pháp nhân độc lập sản xuất điện có thể tiếp cận hệ thống truyền tải một cách không phân biệt đối xử. Cũng vậy, các tiêu chuẩn pháp qui về các yêu cầu kết nối truyền tải cũng sẽ đảm bảo để các pháp nhân truyền tải độc lập được phép tiếp cận hệ thống truyền tải một cách không phân biệt đối xử.

Ở giai đoạn ban đầu, FERC có thể tổ chức hội thảo kỹ thuật để xem xét ý kiến của các bên tham gia thị trường về việc xây dựng các thủ tục và thoả thuận này, dựa trên kinh nghiệm của họ hoặc các vấn đề cần ưu tiên. Sau khi hiệu chuẩn dự thảo có tham khảo các ý kiến đóng góp trong thời hạn qui định và công bố văn bản cuối cùng, FERC sẽ yêu cầu các RTO, ISO vùng và các chủ sở hữu truyền tải chấp hành các văn bản pháp qui chính thức.

Với việc đề ra khuôn khổ pháp qui, hợp đồng và pháp lý về yêu cầu kết nối truyền tải, nước Mỹ có thể tiến thêm một bước tới mục tiêu ngả hơn nữa về phía năng lượng tái tạo và duy trì một hệ thống truyền tải mạnh, có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sản xuất và truyền tải điện trong tương lai.

Theo: QLNĐ số 3/2010