Đây là phương pháp phân tích rất được ưa thích trên các thị trường tài chính thế giới, và trong vài năm trở lại đây đã trở thành một mối quan tâm của giới đầu tư tài chính ở Việt Nam.
Tại sao phân tích kỹ thuật có thể hiệu quả tại Việt Nam?
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tìm hiểu về phân tích kỹ thuật đã cho rằng công cụ này không hiệu quả tại Việt Nam lúc này vì thị trường còn quá mới, ít ai áp dụng. Các tín hiệu do công cụ phân tích kỹ thuật đưa ra sẽ không được tận dụng, vì vậy sẽ không tạo ra hiệu ứng giá “chạy” theo tín hiệu, kết quả là không tạo ra các xu hướng (trend) giá, vốn là một điều căn bản để nhà đầu tư dựa vào phân tích kỹ thuật giao dịch kiếm lời.
Thật ra, việc còn ít người vận dụng phân tích kỹ thuật sẽ là một điều thuận lợi cho những người hiểu biết sâu về công cụ này kiếm lợi nhuận vượt trội so với người không biết. Điều này liên quan đến nguyên nhân: các xu hướng giá vẫn tồn tại, và sẽ được phản ánh tốt bởi phân tích kỹ thuật cho dù không có nhiều người áp dụng.
Thị trường luôn tồn tại những trạng thái tâm lý gọi là “neo”, “bảo thủ” và “mẫu hình chuẩn”. Các trạng thái tâm lý “neo” và “bảo thủ”, nói đơn giản là nhà đầu tư ít có xu hướng thay đổi quan điểm của mình về thị trường, về từng loại cổ phiếu, về các mức giá mà họ cho là “hợp lý” một cách nhanh chóng.
Như vậy, bất chấp nhà đầu tư có biết gì về phân tích kỹ thuật hay không, dù họ có biết thế nào là “đường xu hướng”, “mức chống đỡ”, “mức kháng cự” hay không, thì những xu hướng và mức giá quan trọng đó vẫn đã tồn tại trong quyết định đầu tư của họ, và phân tích kỹ thuật phản ánh được những điều đó. Điều này giúp nhà phân tích kỹ thuật có lợi thế hơn.
Còn trạng thái tâm lý “mẫu hình chuẩn” là trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư luôn giữ trong mình những “quy tắc kinh điển trong đầu tư”, nghĩa là khi ở trong tình huống đặc biệt A, thì nên hành động kiểu B là tốt nhất. Như vậy, dù nhà đầu tư không tin rằng phân tích kỹ thuật là đúng, trong rất nhiều trường hợp họ vẫn sẽ lặp lại hành vi “chuẩn” của mình trong quá khứ.
Tâm lý mẫu hình chuẩn này thường được hỗ trợ bởi tâm lý “tự tin thái quá”, tức những gì mình làm trong quá khứ là hợp lý thì bây giờ cũng vậy, vì mình là nhà đầu tư “trên trung bình” (một nghiên cứu tài chính hành vi chứng minh rằng đa số nhà đầu tư đều thích nghĩ mình là “nhà đầu tư trên trung bình”, hơn là nghĩ mình là “nhà đầu tư kém cỏi”).
Ví dụ, khi nhà đầu tư tin rằng đô la và chứng khoán thế giới sẽ giảm giá, họ mua vàng vì đó là “điểm đến an toàn”, và đó là hành động “chuẩn” thường diễn ra trong quá khứ.
Nghĩa là vô tình, dù họ “căm ghét” phân tích kỹ thuật, không dùng phân tích kỹ thuật, thì quan điểm căn bản của phân tích kỹ thuật lại được củng cố bằng hành vi đầu tư của các nhà đầu tư ấy!
Và thế là nhà phân tích kỹ thuật cứ thế mà nhìn lại mẫu hình giao dịch của thị trường trong quá khứ (phản ánh qua diễn biến mẫu hình đồ thị giá và chỉ số kỹ thuật) mà giao dịch cho hiện tại để kiếm lời.
Nhiều triển vọng, nhưng cần tránh lạm dụng
Từ thực tế phát triển các thị trường, chúng ta sẽ càng thấy cơ hội để phân tích kỹ thuật phát triển rộng rãi ở Việt Nam trong thời gian tới là khá lớn.
Nguyên nhân vì... đây là phương pháp phân tích khá dễ học và dễ dùng. Nhà đầu tư không cần phải mất nhiều năm học những chỉ số phân tích phức tạp, không cần học cách “đọc” các thông tin tài chính từ các báo cáo tài chính, không cần hiểu về lý thuyết danh mục đầu tư, không cần biết về chiết khấu dòng tiền... Những gì họ học là các kiểu mẫu hình đồ thị trực quan, dễ nhớ, những chỉ số có phần mềm tính sẵn, họ chỉ cần nhớ cách sử dụng khá đơn giản.
Khi có nhiều người dùng phân tích kỹ thuật sẽ tạo thành một quá trình tạm gọi là “tự mình khen mình”, nghĩa là khi nhiều người biết phân tích kỹ thuật, khi mẫu hình đồ thị tạo ra một tín hiệu giá tăng, và ai học phân tích kỹ thuật cũng biết được điều này, ai cũng đổ đi mua, cuối cùng... giá tăng thật. Thế là mọi người lại bảo nhau “phân tích kỹ thuật” đúng thật!
Đây là một thực tế của nhiều thị trường tài chính lớn trên thế giới khi chính phân tích kỹ thuật được xem là nhân tố chính dẫn dắt giá chạy trong ngắn hạn (đặc biệt là thị trường ngoại hối, điều này được nhiều nghiên cứu thừa nhận). Dù điều này là tốt hay xấu, người ta lại cũng đổ xô đi học phân tích kỹ thuật, vì nó trở thành một nhân tố ảnh hưởng thị trường. Thế là nhiều người biết phân tích kỹ thuật thì lại càng nhiều người hơn đi học phân tích kỹ thuật. Ngay cả những người không tin vào nó cũng sẽ đi học, vì “ai cũng dùng thì mình cũng nên biết ”.
Như vậy, nhìn về khía cạnh phát triển, xem ra phân tích kỹ thuật có nhiều cơ hội để “phát huy” ở Việt Nam, một phần do nó thật sự hữu ích, mặt khác, do nó dễ học. Nhưng, nếu lạm dụng phân tích kỹ thuật, cho rằng nó tốt hơn các kỹ thuật khác, có thể giúp dự đoán trước được thị trường thì rất nguy hiểm.
Thật ra vì thị trường thường xuyên thay đổi các điều kiện về giao dịch, về kỹ thuật, về công cụ mới, những mẫu hình quá khứ sẽ bắt đầu sai lệch. Nếu nhà đầu tư không nhận ra điều này, họ sẽ dễ thất bại. Ngay bản thân các tài liệu về phân tích kỹ thuật mới hiện nay trên thế giới đang có những điều chỉnh đáng kể so với các phương pháp truyền thống, vì sự xuất hiện của nhiều công cụ như option, futures, các kỹ thuật giao dịch mới của các quỹ đầu tư đang tạo ra các dạng nhiễu và lực thị trường mới.
Thị trường Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng, và vì vậy, chỉ nên nhìn nhận phân tích kỹ thuật như nhiều phương pháp phân tích khác, sẽ bổ trợ lẫn nhau, và nên hiểu rằng, phân tích kỹ thuật có thể chỉ làm cho quyết định đầu tư trở nên dễ dàng hơn, không phải luôn luôn tốt hơn.