Chuyển động năng lượng

Chung tay tiết kiệm điện trong cao điểm mùa khô năm 2024

Thứ tư, 10/4/2024 | 15:26 GMT+7
Cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, thể hiện trên các chỉ số tăng trưởng ấn tượng về sản xuất và xuất khẩu Quý 1/2024, nhu cầu điện cũng đã có sự tăng trưởng đột biến, lên đến 11,84% so với Quý 1/2023 (cao hơn nhiều so với kế hoạch cung cấp điện năm 2024 đã dự báo). 

Công nhân PC Sơn La tuyên truyền bảo vệ hành lang lưới điện và tiết kiệm điện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Để đảm bảo cung ứng đủ điện, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, thì việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện đóng một vai trò quan trọng. Nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện, Bộ Công Thương kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm; dịch chuyển phụ tải điện từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm. Tất cả cùng “chung tay tiết kiệm điện để có đủ điện sử dụng, nhất là trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2024”. 

Cùng với nỗ lực đảm bảo nguồn cung cấp điện (như xây dựng các nhà máy điện mới, đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải, nhập khẩu điện…) ngành điện kêu gọi sự chung tay đồng hành, lan tỏa thông điệp “Tiết kiệm điện - Thành thói quen”. Trong các giải pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả điện năng, ông Nguyễn Thế Hữu nhấn mạnh đến các giải pháp chủ động quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện (DSM/DR).

"Theo thực tiễn từ kinh nghiệm quốc tế, có thể khẳng định lợi ích cơ bản của các Chương trình DSM/DR là chi phí để thay đổi, điều chỉnh giảm hoặc tiết kiệm 01 MW công suất phụ tải điện vào giờ cao điểm sẽ rẻ hơn chi phí để cung cấp thêm 01 MW công suất nguồn điện bằng việc xây dựng thêm nhà máy điện mới hoặc huy động các nguồn điện giá cao cùng hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện. Đặt mục tiêu và các lợi ích của các Chương trình DSM/DR trong bối cảnh hiện nay cũng như nhìn xa hơn đến năm 2050 của Việt Nam thì có thể đánh giá các Chương trình DSM/DR và các giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả sẽ là các giải pháp bền vững và hiệu quả để góp phần thực hiện được các mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26 cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia".

Điều chỉnh phụ tải điện (DR) là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng (chủ yếu là khối doanh nghiệp/cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm/sử dụng nhiều điện) chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử  dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải. Cùng với đẩy mạnh ký kết với các doanh nghiệp thực hiện tốt chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR),  ông Võ Quang Lâm - Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kêu gọi doanh nghiệp áp dụng giải pháp dịch chuyển sử dụng điện từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm, để vừa góp phần giảm áp lực cung cấp điện, vừa giảm được chi phí tiền điện phải trả của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ (do giá bán điện giờ thấp điểm thấp hơn nhiều so với giờ cao điểm).

"Hiện nay, chúng ta cần dịch chuyển từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm hơn vì một mặt thì các doanh nghiệp cũng bớt được chi phí tiền điện vào giờ cao điểm. Mặt khác thì tất cả những người sử dụng điện chúng ta đều có cơ hội được sử dụng điện như nhau và chúng ta không phải thực hiện tiết giảm điện. Và nếu chúng ta chỉ cần điều chỉnh - ví dụ như ở phía Bắc này chúng ta chỉ cần điều chỉnh đâu đó khoảng 10% từ 26.500MW xuống 24.000 MW là đã có khoảng 2.600MW bằng các giải pháp chúng ta dịch chuyển cái “đỉnh” của chúng ta sang chỗ khác, từ việc chúng ta thực hiện các chương trình dịch chuyển phụ tải phi thương mại -  thì chúng ta đã có một nguồn công suất rất là lớn".
 
Theo ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương), khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng của nước ta còn rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp là lĩnh vực chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia, tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt 20-30%. Hiện nay, cả nước có trên 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, với tổng mức tiêu thụ điện trên 80 tỷ kWh/năm. Nếu chỉ tính riêng các doanh nghiệp này cùng chung tay thực hiện tiết kiệm ít nhất 2% lượng điện tiêu thụ/năm thì trung bình cả nước sẽ tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ kWh/năm, tương đương tiết kiệm hơn 3.200 tỷ đồng tiền điện. Và nếu tất cả hơn 30 triệu khách hàng sử dụng điện cùng thực hành tiết kiệm điện thì hiệu quả đem lại là cực kỳ to lớn. 

Ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện.

"Các doanh nghiệp sản xuất mà có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh điện/năm trở lên thì cũng phải đưa ra chỉ tiêu bắt buộc thực hiện ít nhất là tiết kiệm được 2% điện năng trên một đơn vị sản phẩm sản xuất ra hoặc là 2% điện năng trong tổng tiêu thụ điện của cả năm. Đối với những khách hàng khác như là khu trung tâm thương mại, chiếu sáng ngoài trời, chiếu sáng quảng cáo cũng như khách hàng sử dụng điện dân dụng thì Chỉ thị 20/Ct-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rất rõ các giải pháp thực hiện và mục tiêu cho từng đối tượng khách hàng. Hiện nay Bộ Công thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Tổng công ty điện lực và các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ, giải pháp quản lý về tiết kiệm điện, thông qua mạng lưới tiết kiệm điện (VESN) để truyền tải những thông điệp, giải pháp, sáng kiến cũng như các ví dụ điển hình của những doanh nghiệp thực hiện tốt về tiết kiệm điện đến toàn thể cộng đồng, người dân và doanh nghiệp. Và thông điệp của chúng tôi muốn chuyển tới tất cả các khách hàng sử dụng điện là “chúng ta hãy chung tay tiết kiệm điện để chúng ta có đủ điện sử dụng trong năm 2004 cũng như những năm tiếp theo”.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về TKNL cũng nhấn mạnh, với bối cảnh mới hiện nay và tương lai, khi nhiên liệu hóa thạch ngày càng khan hiếm và những xung đột địa chính trị trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp làm tăng giá nhiên liệu, trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển ngành điện là rất lớn, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội vẫn ở mức cao thì việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng cực đoan xếp chồng. 

Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 và tái khẳng định tại các Hội nghị COP 27 và COP 28 về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc. Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đảm bảo an ninh cung cấp điện, bên cạnh nhiều kế hoạch, chiến lược và công việc quan trọng đang được Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương đồng bộ triển khai, Bộ Công Thương tiếp tục nhấn mạnh: Tiết kiệm điện và Tiết kiệm năng lượng là các giải pháp quan trọng, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn giúp giảm áp lực trong việc khai thác và cung ứng năng lượng cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.

Nguyên Long