“Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, Tập đoàn đã đặt ra yêu cầu, phải sử dụng công nghệ tốt nhất, phải làm sao để việc ứng dụng trở nên đơn giản, thuận tiện, bất cứ người lao động ở vị trí công việc nào của Tập đoàn cũng có thể sử dụng phần mềm một cách hiệu quả” - Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm nhấn mạnh.
Hiện EVN đã xây dựng chiến lược và định hướng phát triển công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2020-2025 gắn liền với các dự án/đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN” bao gồm xây dựng kiến trúc CNTT, hạ tầng, an ninh mạng, kiến trúc ứng dụng, tích hợp ứng dụng…. Các ứng dụng đều áp dụng công nghệ hiện đại sát với nhu cầu của EVN.
Để đạt được mục tiêu hoàn thành Kế hoạch tổng thể về chuyển đổi số, với 5 nhiệm vụ trọng tâm và 40 chỉ tiêu, EVN cho biết trước tiên cần xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số cho lãnh đạo các cấp và toàn thể người lao động trong Tập đoàn. Xác định chuyển đổi số là trách nhiệm của toàn thể người lao động trong toàn Tập đoàn.
Thứ hai, xây dựng các chính sách chuyển đổi số, sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm ý tưởng, công nghệ mới một cách có kiểm soát, sau đó đánh giá và nhân rộng; thúc đẩy đổi mới, phát triển sáng tạo.
Thứ ba, EVN có hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng, tích hợp theo chiều dọc, đã triển khai ứng dụng CNTT trong hầu hết các hoạt động, quy trình nghiệp vụ.
Thứ tư, xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống viễn thông CNTT và tự động hóa của EVN theo phương án hình thành Trung tâm điều hành an ninh bảo mật.
Thứ năm, các mục tiêu của Chuyển đổi số, bao gồm: Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất với nhiệm vụ đến năm 2022 hoàn thành 8 mục tiêu; Năm 2025 hoàn thành 5 mục tiêu.
Đến năm 2025, EVN có hệ thống hạ tầng công nghệ tiên tiến với các nền tảng số và các ứng dụng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số cho các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn.
Hiện Tập đoàn đang triển khai 16 hệ thống phần mềm dùng chung cho tất cả các đơn vị trong Tập đoàn; trong đó có 7 hệ thống phần mềm lõi bao gồm: ERP, CMIS 3.0, IMIS, PMIS, HRMS, E-Office và EVNHES.
Qua theo dõi và đánh giá của các đơn vị cho thấy, các hệ thống phần mềm đã được áp dụng tốt tại các đơn vị cơ sở, việc cập nhật số liệu tại các phần mềm phục vụ công tác hàng ngày như ERP, CMIS, E-Office đạt trên 95%.
Riêng đối với lĩnh vực truyền tải điện, theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN, Tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2022, sẽ có 100% thiết bị lưới điện truyền tải và 80% thiết bị lưới điện 110kV được số hóa. Đến năm 2025, EVN sẽ số hóa 100% thiết bị điện trên lưới điện từ trung áp trở lên.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Tập đoàn sẽ tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số như internet vạn vật, bigdata, điện toán đám mây trong các khối nguồn điện, lưới điện.
Cụ thể, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý và nhận diện hình ảnh trong giám sát kiểm tra, sửa chữa đường dây bằng thiết bị chụp ảnh và thiết bị bay thông minh, phục vụ bài toán phân tích và dự báo công suất. Tổng công ty đã ứng dụng thiết bị bay không người lái để kiểm tra, giám sát tình trạng vận hành của các thiết bị, xử lý sự cố trên lưới điện truyền tải không cần cắt điện...
EVNNPT tiếp tục phát triển, nghiên cứu các mô hình thông tin xây dựng, nền tảng Digital Worker phục vụ đội ngũ công nhân ngoài hiện trường làm việc trên môi trường số, phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích hình ảnh, hệ thống quản trị dữ liệu...
Theo EVN, đến nay, Tập đoàn đã hoàn thành 61/63 trung tâm điều khiển các trạm biến áp từ xa; chuyển đổi 670/844 trạm biến áp sang không có người trực.
EVN đã đưa vào vận hành trạm biến áp kỹ thuật số đầu tiên trên lưới 110 kV (trạm 110kV Quế Võ 2 – thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc) từ tháng 1/2020 và trạm biến áp kỹ thuật số đầu tiên trên lưới 220 kV (trạm 220 kV Thủy Nguyên - thuộc EVNNPT) trong tháng 12/2020.
EVN cho rằng, mục tiêu là rất lớn, nhưng rào cản cũng không ít. Với đặc thù là đơn vị cung cấp dịch vụ điện cho hơn 96 triệu dân, việc chuyển đổi số của EVN càng phức tạp, áp lực lớn hơn, vì mọi ứng dụng công nghệ của EVN đều trực tiếp, hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng cung ứng điện, dịch vụ điện.
Nhận rõ được các yếu tố này, từ nay đến năm 2025, Tập đoàn sẽ khắc phục mô hình kiến trúc tổng thể CNTT phân tán với định hướng xây dựng 4 lớp kiến trúc CNTT. Theo đó, EVN sẽ tập trung ứng dụng triệt để và hiệu quả công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big data), Blockchain, trục tích hợp dịch vụ ESB, công nghệ ảo hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ phân tích dữ liệu báo cáo thông minh (BI) và các tiêu chuẩn quốc tế... vào các lĩnh vực hoạt động. Đồng thời, ứng dụng các mô hình và các giải pháp tổng thể cho việc chuyển đổi số của Tập đoàn; phát triển các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số, thiết lập nền tảng hạ tầng IoT (Internet vạn vật) dùng chung…
Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng cũng cho rằng dưới sự chỉ đạo của EVN và Tổng công ty, các Truyền tải điện đang khẩn trương triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào quản lý, vận hành. Đây là chủ trương lớn của EVNNPT nói riêng và EVN nói chung trong giai đoạn này.
Bài 2... đến thực tiễn