Chuyện ghi từ những người thợ truyền tải điện

Thứ tư, 19/12/2007 | 08:34 GMT+7

Trong một lần cùng đi kiểm tra sau mùa mưa lũ của Công ty Truyền tải điện 2, một đêm trên đèo Hải Vân, tôi đã ở lại tại chốt bảo vệ đường dây 500kV cùng với những người công nhân Công ty Truyền tải điện 2 đang tham gia xử lý sự cố sau lũ. Vài chú ếch suối bắt được cùng với những món khô mà anh em mang lên, chúng tôi quây quần bên nhau “ôn nghèo kể khổ”.

                       

Công nhân công ty Truyền tải điện 2 vận chuyển dây dẫn vượt đèo Phú Gia để sửa chữa

Đây là một dịp may bởi tôi được gặp nhiều công nhân có thâm niên, từng công tác nhiều đơn vị thuộc Công ty, họ đã có nhiều câu chuyện kể lại làm cho mọi người cùng tạm quên đi những cơn gió hú và cả những cơn mưa rừng vẫn chưa ngớt trên đỉnh Hải Vân. Tôi lắng nghe, ghi chép lại và biết rằng không thể qua một vài câu chuyện của những người thợ truyền tải điện mà biết hết được những công việc thường nhật, qua đó chỉ có thể phản ánh một góc nhỏ của công việc hàng ngày của họ  để bạn đọc có thể hình dung những nỗi nhọc nhằn, những nỗ lực vượt khó vươn lên của từng công nhân truyền tải điện đang ngày đêm vì sự an toàn cho đường dây tải điện quốc gia được vận hành an toàn, liên tục.

Những “ngôi làng Truyền tải”

Cách đây 14 năm, từ khi đường dây 500kV Bắc Nam được đưa vào vận hành, các đội quản lý vận hành đường dây cũng được hình thành. Các kỹ sư, công nhân mới được điều động hầu hết là người thành thị tự nguyện lên vùng sâu, vùng xa ở lại với đường dây tải điện. Lúc bấy giờ lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 2 rất quan tâm đến vấn đề ổn định nơi ăn chốn cho họ bởi có an cư mới lạc nghiệp. Một vài năm đầu mọi việc còn bỡ ngỡ, thế rồi phong trào góp vốn ở các đơn vị nổi lên, mỗi tháng tập trung tiền lại cho một người mua  một lô đất , cứ thế những lô đất của công nhân Truyền tải cứ nối tiếp nhau .Sau khi đã có đất thì anh nào lập gia đình trước thì ưu tiên góp vốn lại để dựng trước căn nhà cứ thế năm tháng trôi qua và những ngôi nhà nhỏ mọc lên và những  “ngôi làng truyền tải” xuất hiện từ đấy. Trải dài theo trục lộ đường 14B qua khu vực Huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam, Kon Tum thì có làng truyền tải phước Sơn; còn ngôi làng truyền tải Đăkglei thì định cư tại  xã Đăkpét, Đội truyền tải điện Đăktô thì ở ngay đồi Tân Cảnh một di tích lịch sử đầy hào hùng của nhân dân Tây Nguyên trong thời chống Mỹ, Đội truyền tải điện Kon Tum thì ở ngay đồi Hòa Bình một đồi cũng đầy tích những chiến công của Quân và dân ta ….Nhờ vậy đêm về thì ấm áp tình làng nghĩa xóm, ngày mới lại lên là tình đồng nghiệp thấm đượn nghĩa tình. Họ ở gần để tiện giúp nhau trong cuộc sống thường nhật để những người lính truyền tải tạm quên đi nỗi nhớ xa quê, yên tâm công tác.

Công nhân “4 đèo “

Lưới điện truyền tải trải dọc theo chiều dài của đất nước, có lẽ cung đoạn do Công ty Truyền tải điện 2 quản lý vận hành là khó khăn nhất không chỉ về địa hình mà còn về khí hậu, thời tiết, môi trường, an ninh ..... các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, ai đã từng qua đây cũng không thể nào quên những cơn gió Lào, những trận mưa dầm, những trận lũ, tình trạng ngập lụt và tắc đường thường  xuyên. Họ cũng không thể quên câu vè " Ruồi vàng, bọ chó, gió Đăkglei" hay " Gió Đăkglei, lầy Khâm Đức"... Địa hình nơi đây với bao khó khăn trở ngại, ở phía bắc đường dây truyền tải điện phải vượt đèo Ngang (Quảng Bình), đèo Mũi Né, Phú Gia, Phước Tượng (Thừa Thiên Huế ); đèo Hải Vân (Đà Nẵng). ở Phía nam thì có Ngầm Xơi ( Quảng Nam); đèo Lò Xo, Konplong (Kon Tum), Viôlắc (Quảng Ngãi). Anh Lê Hữu Linh – công nhân Đội Truyền tải điện Phú Lộc: Em đã có nhiều năm ở Đội Truyền tải điện Đăkglei (Kon Tum), đây cùng là một đơn vị thuộc diện đơn vị khó khăn về địa hình vùng sâu vùng xa của núi rừng Tây Nguyên. Khi được Công ty điều động về Đội Phú Lộc mới thấy mặc dù đơn vị mang tiếng là một đơn vị ở đồng bằng nhưng lại quản lý đường dây phải vượt qua 4 đèo Mũi Né, Phước Tượng, Phú Gia và Bắc Hải Vân. Để đến được từng vị trí bọn em phải mất hàng giờ đi bộ. Cả tập thể đơn vị luôn phải phấn đấu nỗ lực vượt mọi khó khăn, vất vả để hoàn thành công việc được Công ty giao. Anh Nguyễn Khánh Thành – Công nhân Đội truyền tải điện Đà Nẵng cho biết thêm: Theo sự phân cấp của Công ty, đường dây tải điện vượt qua Đèo Hải Vân dài hơn 20km. Từ đỉnh đèo Hải Vân trở vào do Đội TTĐ Đà Nẵng quản lý và từ đỉnh đèo Hải Vân trở ra do Đội TTĐ Phú Lộc quản lý. Đối với cung đoạn này để kiểm tra tuyến hay sửa chữa chỉ có một con đường độc đạo, do vậy để kiểm tra tuyến trên đèo, thông thường các đơn vị rải quân phía nam đèo (Kim Liên – Đà Ngẵng) thì đón ở bắc đèo (Lăng Cô – Thừa Thiên Huế) và ngược lại. Nhiều lúc do yêu cầu và để đảm bảo chất lượng công việc, sáng thứ 2 anh em vận chuyện phương tiện, dụng cụ lên làm và ở lại trên đèo Hải Vân đến cuối tuần khi xong việc mới rút quân về.

Thợ “Đa nghề”

Cứ thế , vừa làm ly “Nước chống lạnh” vừa trò chuyện, là thợ điện hẳn hoi nhưng họ đã và đang là rất nhiều nghề. Khi phát dọn hành lang tuyến thì gọi là thợ “Lâm nghiệp”; khi sửa chữa kè, móng cột thì gọi là thợ “ Xây dựng”; khi làm mương thoát nước thì gọi là thợ “Thủy lợi; khi sửa chữa đường công vụ thì gọi là thợ “Cầu đường” …. Thông thường trong 1 tuần làm việc đơn vị đều triển khai nhiều công việc khác nhau và dù bận thế nào đi nữa, buổi cuối tuần hay ngày trời mưa không làm việc trên tuyến được thì họ lại trở thành những“ Học sinh” với những bài học quy trình an toàn, quy phạm  kỹ thuật, quy trình vận hành…Nói về Công việc của mình, những công nhân Đinh Phú Long hay Trần Quốc Phi của Đội Sửa chữa thí nghiệm cũng bày tỏ niềm vui và cảm xúc của mình khi  lần đầu tiên là những công nhân ngồi trên máy bay trực thăng để vá dây cáp quang hay sửa chữa đường dây  500kV đang mang điện. Đây cũng là những người đầu tiên không chỉ của Công ty Truyền tải điện 2 mà cả của ngành điện làm những công việc đặc biệt này.

Những “sự cố ngoài luồng”

Trong quá trình làm việc, thỉnh thoảng anh em vẫn gặp “một vài sự cố ngoài luồng” và chính đó là những kỷ niệm trong đời của mỗi người thợ truyền tải. Anh Hoàng Quốc Tuấn – Công nhân Đội Truyền tải điện Huế kể: Khi còn ở Đội Đăckglei vào tháng 11 năm 1995 khi Đội tổ chức kiểm tra đêm, khi  rải quân đến Đèo Lò Xo giáp gianh với huyện Phước Sơn (Quảng Nam) thì gặp “Ông Ba Mươi” đang lững thững đi bộ giữa đường. Trên xe lúc này chỉ còn lái xe và 2 công nhân nhóm cuối. Lái xe cho xe dừng lại pha đèn về phía trước đồng thời dùng máy bộ đàm thông báo cho các nhóm trèo hết lên trụ điện. Sau khi nhìn về phía ánh đèn pha một lát thì “ Ông Ba mươi” lững thững xuống đường rồi biến mất vào rừng. Sau một hồi định tâm lái xe xin ý kiến lãnh đạo đội để cho xe quay về đón các nhóm đã rải  để hôm khác  đi  kiểm tra đoạn này .. Nói gặp Hổ, gấu, rắn , rết …thì ai cũng ngại tuy nhiên bỏ tuyến là một điều không thể xảy ra. Đơn vị phải  đề cập trao đổi kinh nghiệm với người bản địa để tiện bố trí công việc. Còn nhớ  mùa mưa 1996, một bên móng vị trí 1906  trong cung đoạn của Đội Truyền tải điện Phước Sơn (Quảng Nam) quản lý bị sạt lở nghiêm trọng. Mấy hôm sau, lại phát hiện tình trạng tương tự ở vị trí 1998 do Đội Truyền tải điện Đăkglei (Kon Tum) quản lý.  Để đảm bảo an toàn thông suốt cho đường dây 500kV Bắc Nam lãnh đạo Công ty và các lực lượng ứng cứu từ các Đội Truyền tải điện khác thuộc Công ty phải đi bộ hơn 50km đường rừng kịp thời có mặt tại hiện trường để khắc phục sự cố. Tại vị trí này một anh công nhân đã được một chú “Vắt” ưu ái, lẳng lặng “Leo trèo” đến ngay “Chú em” để chích cho đến khi máu chảy ướt “Đũng” quần mới biết là bị vắt cắn. Hòa chung những câu chuyên vui, một thời bản thân tôi cũng là công nhân vận hành của Đội TTĐ Đà Nẵng. Năm 1997 trong một lần phát dọn hành lang tuyến đường dây 110kV Đà Nẵng – Huế thì chặt ngay đúng tổ ong vò vẽ đất, thế là cả bầy ong túa ra “chích”  đau quá đi không được anh em phải dìu đi. Xuống đến xe gặp anh Phạm Phú Hóa – Lái xe và cũng là người lớn tuổi của Đội, tự nhiên nước mắt của tôi cứ trào ra. Anh Hóa và anh Sự đã đưa tôi xuống bệnh viện để khám. Sau khi khám vị bác sỹ tuyên bố trên người có 32 nốt ong đốt và yêu cầu nhập viện đã thế bác sỹ còn đùa “ Ăn gì mà mập thế”. Đây chính là một kỷ niệm trong nghề làm thợ truyền tải mà chính tôi sẽ không bao giờ quên. Cứ thế rất nhiều câu chuyện đã được kể ra, tôi cũng kịp ghi thêm. Anh Lâm – Công nhân đội Truyền tải điện Huế đã kể: Năm 2004, trong một lần tham gia giám sát đơn vị bạn thi công kéo và lấy độ võng đường dây 220kV Đà Nẵng – Huế, thì bị tụt lèo sợi dây lèo, đánh vào người và làm bị thương anh công nhân đang ở trên cột thế là anh phải dùng dây thừng trèo lên và buộc anh công nhân kia vào người và đưa xuống.

Trăn trở

                

 

Người dân tặng hoa cho những công nhân Công nhân công ty Truyền tải điện 2 vừa hoàn thành công tác sửa chữa nóng đường dây 500kV đang mang điện.

Vui, buồn, kỷ niệm rất nhiều và từ những câu chuyện của họ tôi cùng phần nào hiểu thêm sự trăn trở của những công nhân truyền tải điện. Qua những chia sẻ của họ tôi xin mạn phép bày tỏ những trăn trở của những người lính truyền tải và tôi nghĩ những trăn trở đó cũng không chỉ riêng họ mà cả các nhà quản lý. Trước hết là chuyện “Mũ”, vừa qua Nhà nước đã công bố mọi người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm và các cơ quan chức năng đã không chấp nhận mũ bảo hộ lao động có thể thay cho mũ bảo hiểm. Việc này tạo ra một khó khăn cho đội ngũ công nhân. Vì để đảm bảo các quy định của nhà nước cũng như của ngành điện, mỗi công nhân phải sử dụng đồng thời 2 loại mũ nói trên, mặc dù cả hai loại mũ đó có cùng một chức năng là chống va đập bảo vệ con người trong khi đó theo 1 con số thống kê mà tôi đã được đọc báo chí là có đến 68% mũ bảo hiểm không đạt chất lượng. Nên chăng cấp trên nên nghiên cứu có 1 loại mũ có thể vừa bảo hiểm và vừa bảo hộ để cho người công nhân có thể thuận tiện hơn. Kế đến phải nói đến đó là chuyện “Đường”, những con đường công vụ để vào tuyến đường dây hay vào từng vị trí thường xuyên bị hư hỏng, sạt lở sau mỗi trận mưa lũ. Do những con đường công vụ này không được xem là tài sản cố định nên khi xảy ra hư hỏng thì không có kinh phí sửa chữa. Mọi công tác từ kiểm tra, vận chuyển, sửa chữa đều phải đi bộ như vậy thời gian công sức bỏ ra khá nhiều mà công việc lại không nhanh chóng. Lãnh đạo Tập đoàn ĐLVN nên sớm nghiên cứu quy chế hay cơ chế để các đơn vị có thể chủ động trong công tác quản lý vận hành. Kế tiếp đó là chuyện “Tuổi”, hiện nay tuổi đời bình quân của đa phần những người công nhân nay là 30 - 40 tuổi. Họ chính là lực lượng trực tiếp làm việc trên cao, nhưng 10 năm sau họ đã ở lứa tuổi 40 – 50 tuổi,  liệu có còn sức khỏe để làm việc trên cao hay không. Nhiều anh em đã nghĩ và tự đi học những nghề khác như lái xe, tin học…hay học  đại học để nâng cao trình độ và mong được chuyển đổi công việc sao cho phù hợp. Thế nhưng việc chuyển đổi công việc phù hợp với sức khỏe mà phải giải quyết đồng loạt cho hàng trăm công nhân quả là một việc không hề đơn giản chút nào.

Hôm nay, quả là một ngày đáng nhớ của tôi, vì trong một đợt đi thế này trên đỉnh Đèo Hải Vân tôi đã được nghe những mẫu chuyện của những người thợ truyền tải. Mỗi câu chuyện nghe sao mà đơn giản, khiêm nhường những ánh mắt của họ vẫn rất vô tư.  Đêm cũng đã khuya, tôi đã đề nghị tất cả anh em cùng hát bài “ Khát vọng tuổi trẻ” mà câu kết của bài hát đó chính là niềm tin và điều họ đang phấn đấu “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay”./. 

Quang Thắng- TT2