“Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghiệp điện hạt nhân (ĐHN) vì có nền khoa học cơ bản (vật lý, toán học, khoa học ứng dụng…) phát triển mạnh mẽ.
Nga luôn tích cực hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực hạt nhân.
Đây là điều kiện cần thiết cho việc đào tạo thành công nguồn nhân lực đạt yêu cầu”, ông Valery Karezin - Giám đốc Dự án của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) khẳng định.
Theo ông Valery Karezin, tại Nga, làm việc trong công nghiệp hạt nhân rất được coi trọng, các học viện đặc biệt không gặp phải vấn đề gì trong việc lựa chọn sinh viên công nghệ hạt nhân xuất sắc. Các cuộc thi tuyển chọn sinh viên vào các học viện này được thực hiện rất nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, những người làm việc tại nhà máy ĐHN, tùy thuộc vào vị trí, phải có từ trình độ trung cấp đến cao đẳng chuyên nghiệp và phải làm việc tại nhà máy ĐHN đến 8 năm mới được quyền nắm giữ vị trí quản lý thích hợp tại một nhà máy ĐHN.
Tiêu chuẩn ĐHN Nga đòi hỏi giáo dục và đào tạo sau tốt nghiệp cho một vị trí làm việc tại nhà máy ĐHN đều đã nằm trong quy hoạch. Đối với các vị trí khác nhau, các khóa đào tạo thông thường có thể kéo dài từ 3 tới 6 tháng và lên tới vài năm cho việc đào tạo đặc biệt. Chẳng hạn, với chức vụ kỹ sư trưởng và trưởng ca, tập huấn có thể mất 7 - 8 năm sau khi tốt nghiệp.
Nga có kinh nghiệm phong phú trong việc đào tạo nhân sự vận hành nhà máy ĐHN cho nhiều quốc gia. Các công nghệ huấn luyện ứng dụng cho phép đào tạo thành công đội ngũ nhân sự có kỹ năng cũng như các chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp năng lượng.
Với việc đào tạo nhân lực ĐHN, mỗi đất nước cần phải thiết lập được hệ thống đào tạo hiệu quả riêng của mình để đào tạo nhân sự và duy trì tài năng ĐHN nhằm đáp ứng nhu cầu hiện nay về vận hành và triển khai các dự án ĐHN của đất nước trong tương lai. Đối với Việt Nam, trong những năm tới, có thể sẽ có những khó khăn do nhà máy ĐHN mới đòi hỏi nhiều nhân sự đã qua đào tạo. Do đó, giải pháp tối ưu là thực hiện việc đào tạo nhân sự tại các viện, trường đại học của Nga và triển khai việc đào tạo nhân lực của mình tại các trường đại học trong nước.
Việt Nam không thiếu nhân tài. Sinh viên Việt Nam rất nỗ lực để tiến bộ và tôi không ngần ngại nói rằng họ vượt trội hơn so với sinh viên nước khác nhờ sự chăm chỉ và lòng nhiệt thành của mình, ông Valery Karezin nhấn mạnh.
Cũng theo ông Valery Karezin, các chương trình hợp tác đầu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghiệp hạt nhân giữa Nga và Việt Nam đã bắt đầu từ những năm 1970, trong quá trình phục hồi lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt. Kể từ năm 2010, Nga và Việt Nam đã cùng triển khai một chương trình huấn luyện nhân lực công nghiệp hạt nhân cho Việt Nam tại Nga. Đến nay, đã có hơn 340 sinh viên Việt Nam học tập tại các trường đại học ở Nga về công nghệ hạt nhân.
ROSATOM cũng tổ chức cho các chuyên gia Việt Nam thực tập tại các công trình nhà máy ĐHN đang được thi công. Năm 2014 đã có hơn 150 chuyên gia hoàn thành khóa thực tập tại công trường nhà máy ĐHN Rostov. Nội dung thực tập là làm việc với tài liệu kỹ thuật, làm quen với quy trình an toàn, nghiên cứu các yêu cầu của Nga về chất lượng và các điều cần thiết liên quan đến vận hành nhà máy ĐHN.
Theo: Báo Công thương