Quản lý năng lượng

Chuyện tiết kiệm điện ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Thứ sáu, 24/6/2016 | 09:25 GMT+7
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có hơn 20.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Các đơn vị này sử dụng chiếm trên 50% sản lượng điện toàn tỉnh. Hầu hết, các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh đều nhận thức được ý nghĩa sống còn của việc tiết kiệm điện. 
 
Xưởng hàn của Nhà máy xe du lịch Kia tại Khu liên hợp sản xuất ô tô Chu Lai - Trường Hải được bố trí với dây chuyền sản xuất hiện đại, tiết kiệm điện.

Song việc triển khai trong thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng thuận lợi.

Chủ động cải tiến công nghệ

Khi có kế hoạch đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất đã chủ động liên hệ với PC Quảng Nam để đăng ký sử dụng điện tiết kiệm; đồng thời để được tư vấn các giải pháp tiết kiệm điện. PC Quảng Nam cũng đã phổ biến những thông tin về công nghệ mới, thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng giúp doanh nghiệp có kiến thức, để chủ động lựa chọn công nghệ mới hiện đại hơn…

Căn cứ vào tình hình thực tế, mỗi doanh nghiệp đã áp dụng những biện pháp tiết kiệm điện khác nhau nhưng nhìn chung đều quan tâm đến giải pháp hành chính lẫn giải pháp công nghệ để nâng cao hiệu quả sử dụng. Ông Nguyễn Hữu Phúc – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nam Sơn cho biết: Vừa qua, đơn vị đã cải tiến một số dây chuyền sản xuất bằng giải pháp lắp biến tần điều khiển tốc độ quay của động cơ quạt hút lò nung, quạt hút lò sấy; lắp thêm thiết bị điều chỉnh công suất động cơ (powerboss) bằng cách cấp vừa đủ điện năng cần thiết thông qua thay đổi điện áp cấp cho động cơ. Các giải pháp này đã giúp đơn vị tiết kiệm được trên 130 triệu đồng mỗi năm. “Về mặt chiếu sáng, ngoài việc bố trí không gian nhà xưởng tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên, đơn vị cũng tiến hành thay thế dần toàn bộ các đèn tiêu hao nhiều điện năng như đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang T10 chấn lưu sắt từ bằng các loại đèn tiết kiệm điện như đèn compact, đèn huỳnh quang T5; đồng thời bố trí bóng đèn, công tắc hợp lý, thường xuyên vệ sinh thiết bị đảm bảo nhu cầu chiếu sáng và tiết kiệm năng lượng” -  ông Phúc cho biết thêm.

Bên cạnh việc đầu tư, lắp đặt hệ thống máy móc sản xuất tiết kiệm năng lượng thì việc vận hành thiết bị hợp lý cũng là một vấn đề quan trọng để giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí điện cho sản xuất. Ông Phạm Văn Quang – Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương, đơn vị chuyên chế biến và xuất khẩu các sản phẩm lâm hải sản, cho biết: “Công ty thường có kế hoạch sản xuất hợp lý, tập trung sản phẩm để thực hiện cấp đông 1 lần đảm bảo đủ công suất của thiết bị; đồng thời hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị cấp đông vào giờ cao điểm”.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thường bố trí sản xuất vào giờ thấp điểm để hưởng giá điện ưu đãi; tận dụng nhiệt năng từ các loại nhiên, vật liệu rẻ tiền thay thế điện năng; bố trí chế độ hoạt động của các thiết bị hợp lý. Đặc biệt thường xuyên tổ chức phổ biến và đưa ra những biện pháp để thực hiện hiệu quả vấn đề tiết kiệm năng lượng cho người lao động. Định kỳ tổ chức đào tạo, tập huấn cho người lao động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Một số doanh nghiệp cũng đưa ra chế độ thưởng phạt để gắn trách nhiệm của người lao động với chủ trương tiết kiệm điện của đơn vị.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, công tác tiết kiệm điện trên địa bàn Quảng Nam luôn đạt hiệu quả. Trong năm qua, toàn tỉnh đã tiết kiệm được trên 23 triệu kWh, trong đó, điện tiết kiệm được trong doanh nghiệp trên 9 triệu kWh.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Thực tế cho thấy, việc tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Máy móc, thiết bị; sản phẩm; công suất; cách bố trí dây chuyền sản xuất... Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số doanh nghiệp với công nghệ, thiết bị sản xuất còn lạc hậu, không đồng bộ, hiệu quả kinh doanh thấp do chi phí điện năng khá lớn. Theo các doanh nghiệp, cải tiến công nghệ là yếu tố số một để tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, đổi mới thiết bị công nghệ hiện đại đối với các doanh nghiệp không phải là chuyện đơn giản. Vì những loại máy mới, hiện đại, tiết kiệm năng lượng có chi phí rất lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn liếng hạn chế sẽ không có nhiều cơ hội lựa chọn.

Ông Đ.Ng.H - Chủ một cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng tại (thị xã Điện Bàn) phân tích: “Cơ sở chúng tôi tiêu thụ khá nhiều năng lượng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng. Cơ sở đã hoạt động gần 20 năm, hệ thống trang thiết bị cũ kĩ, lạc hậu, cần phải được thay thế. Tuy nhiên, giá cả các trang thiết bị còn ở mức khá cao cần một số vốn rất lớn, chúng tôi lại đang trong giai đoạn khó khăn. Cho nên chúng tôi chọn phương án thay thế dần một số thiết bị tiêu hao điện nhiều hoặc cải tiến dây chuyền công nghệ, tận dụng nhiệt lượng, hơi đốt rồi mới tính tiếp”.

Với số lượng lớn doanh nghiệp trên địa bàn thì tiềm năng về điện tiết kiệm sẽ là rất lớn. Và việc tiết kiệm điện cũng là “phao cứu sinh” góp phần làm giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Vì thế, bên cạnh việc từng bước thay thế các thiết bị mới, các doanh nghiệp phải tập trung tăng cường công tác vận hành dây chuyền sản xuất hợp lý, hiệu quả. Luôn có biện pháp quản lý vận hành tốt thì kết quả tiết kiệm điện mang lại quả không nhỏ.
Theo: CPC