Quản lý năng lượng

Hiệu quả khi doanh nghiệp coi trọng các giải pháp tiết kiệm điện năng

Thứ năm, 23/6/2016 | 09:24 GMT+7
Để duy trì hoạt động và phát triển sản xuất bền vững, tạo năng lực cạnh tranh trên thị trường, nhiều doanh nghiệp luôn tìm mọi biện pháp tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, trong đó có việc tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng hiệu quả. 


Doanh nghiệp áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện sẽ đem lại hiệu quả to lớn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Công tác tuyên truyền về ý thức tiết kiệm năng lượng được nhiều doanh nghiệp quan tâm đẩy mạnh. Từ đó, đã góp phần nâng cao kiến thức quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm cho công nhân và cán bộ quản lý, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Nhiều giải pháp như sử dụng tiết kiệm năng lượng trong hệ thống, tại các dây chuyền sản xuất trong nhà máy đã góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế. 
 
Ông Phùng Đình Thông - Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thắng Lợi, một đơn vị sản xuất thép tại Cụm Công Nghiệp An Xá, thành phố Nam Định cho biết, mỗi năm công ty tiêu thụ gần 12 tỷ đồng tiền điện. Hưởng ứng chương trình tiết kiệm năng lượng của ngành điện, công ty cũng đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện như: thay thế vách ngăn bằng gạch dày như trước đây bằng việc sử dụng vật liệu chất lượng cao để làm vách ngăn mỏng nên mỗi mẻ thép ra lò đã tiết kiệm được một nửa thời gian và khoảng 1/3 năng lượng điện tiêu thụ.
 
"Doanh nghiệp luôn trăn trở vấn đề tiết kiệm điện và mong muốn ngành điện tuyên truyền, đưa ra những biện pháp giảm tiền điện hiệu quả. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường sử dụng lãng phí năng lượng rất lớn, nếu được hướng dẫn tiết kiệm năng lượng hiệu quả thì sẽ mang lại lợi ích rất to lớn. Ví dụ như trước đây lò luyện thép thường tiêu tốn hơn 30% năng lượng, phải dùng nhiệt luyện để đốt qua bức tường thì bây giờ chúng tôi thay từ tường gạch sang tường bằng bông, không tốn điện. Đồng thời, chúng tôi tìm cách rút ngắn thời gian nấu 2 tiếng xuống còn 1,5 tiếng, cũng tiết kiệm được rất nhiều điện".
 
Công ty cổ phần Ống đồng Toàn Phát nằm tại Khu Công Nghiệp Phố Nối A, tỉnh Hưng Yên có lượng điện tiêu thụ khoảng 12 triệu kWh điện với số tiền khoảng 20 tỷ đồng một năm. Ông Nguyễn Hữu Khôi, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Ống đồng Toàn Phát cho biết, chi phí điện trong sản xuất chiếm khoảng 20% giá thành sản phẩm. Do vậy, bản thân Công ty cũng đã làm kiểm toán năng lượng với sự hỗ trợ của ngành điện, sau đó đã thực hiện một số khuyến nghị để tiết kiệm lượng điện tiêu hao như lắp biến tần, lắp công tơ theo dõi các bộ phận, nhờ vậy đã giảm được 10% chi phí điện so với trước.
 
"Các thiết bị chúng tôi sử dụng là có biến tần để tăng hiệu quả sử dụng điện, các nhà máy sử dụng ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng. Chúng tôi lắp công tơ để theo dõi, liên tục đặt ra các mục tiêu tiết giảm điện cho từng bộ phận và sử dụng dịch vụ thuê bao quản lý vận hành trạm biến áp của ngành điện. Tôi cho rằng đây là động thái tích cực của ngành điện để đồng hành với doanh nghiệp sản xuất, quản lý tốt hơn việc sử dụng điện của nhà máy". 
 
Tuy nhiên, ngoài những doanh nghiệp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả, thì nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai tiết kiệm điện. Vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp là huy động vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng tiết kiệm năng lượng. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền rộng rãi, tăng cường tư vấn để doanh nghiệp nắm vững các giải pháp tiết kiệm năng lượng thì cũng cần có cơ chế tài chính cho đầu tư vào các thiết bị, công nghệ tiết kiệm điện năng. Cùng với đó, cần phải kiểm tra, giám sát tiêu thụ điện ở các doanh nghiệp. Làm được như vậy, doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao được năng suất, chất lượng, hạ được giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và giảm áp lực về phát triển nguồn năng lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.
 
Nguyên Long/Icon.com.vn